Người dân sốc vì phố phường tan hoang sau bão Yagi

Sự kiện: Bão số 3 Yagi
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Hà Nội - 8 tiếng kể từ khi hai cây phượng và xà cừ cổ thụ liên tiếp đổ xuống, đè vào chiếc ôtô đỗ trước cửa nhà, anh Lê Tú, 55 tuổi, vẫn chưa hết bàng hoàng.

17h30 ngày 7/9, nam tài xế taxi về nhà ở phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, sau cuốc xe cuối cùng. Anh đỗ chiếc ôtô sát cửa, cách hai cây cổ thụ trồng trên vỉa hè chừng một mét vì nghĩ cây to, rễ lớn không thể đổ.

30 phút sau, một tiếng rắc lớn xé ngang tai, anh Tú thấy cành cây phượng rơi thẳng xuống khiến kính lái của ôtô vỡ vụn. Gia đình khuyên di chuyển xe ra chỗ khác nhưng thấy ngoài trời gió lớn, anh chần chừ. Đúng lúc đó, tiếng uỳnh thứ hai dội đến. Cây xà cừ cổ thụ hơn 40 năm tuổi, thân bằng hai người ôm, bật gốc đè lên khiến chiếc xe bẹp rúm.

Không chỉ hai cây cổ thụ trước cửa nhà, hàng chục cây khác trên cùng phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) cũng đổ rạp, nhẹ thì gãy cành, nặng thì gãy đôi hoặc bật gốc. "Cảnh tượng hoang tàn như sau một trận bom, lần đầu tôi chứng kiến", anh Tú nói.

Đến 12h ngày 8/9, phố Quán Sứ vẫn ngổn ngang cây xanh đổ gãy, nhiều cây nằm ngang đường chưa được dọn dẹp. Người dân phải đi lên vỉa hè.

Anh Lê Tú, 55 tuổi, đứng bất lực bên cạnh chiếc ôtô của gia đình bị cây đè ngang, bẹp rúm, trưa 8/9. Ảnh: Thanh Nga

Anh Lê Tú, 55 tuổi, đứng bất lực bên cạnh chiếc ôtô của gia đình bị cây đè ngang, bẹp rúm, trưa 8/9. Ảnh: Thanh Nga

Cách nhà anh Tú chừng một km, tại phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, bà Nguyễn Nghĩa, 64 tuổi, cùng người thân đang làm lại đường ống sau khi cây me gần 100 năm tuổi trồng trước cửa nhà bật gốc. "Cái thân cây phải ba người ôm nhưng nay chẳng còn. Khắp nơi đổ nát như thời chiến tranh", bà Nghĩa kể.

Cây me đổ khoảng 12h trưa 7/9. Sau tiếng gió rít, họ nghe thấy tiếng đổ ầm, một số nhà cảm nhận được độ rung. Khi chạy ra ngoài mới biết cây đổ ngang đường, nhưng giữa trời giông lốc không thể làm gì, họ đành lui vào trong nhà trú ẩn.

Một người dân trên phố Hàng Trống sửa lại đường ống nước sau khi cây me trước cửa nhà bật gốc, trưa 8/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một người dân trên phố Hàng Trống sửa lại đường ống nước sau khi cây me trước cửa nhà bật gốc, trưa 8/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

6h sáng nay, anh Trần Đức Anh, 42 tuổi, mở cửa nhà tại khu đô thị cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km, đập vào mắt là cảnh tượng ''tưởng chỉ có trong phim''. Cây cối hai bên đường đổ rạp. Những cây cổ thụ to từng là nơi ngồi hóng mát, tập thể dục của cư dân đều bị bão quật tan tác.

''Hơn 40 năm sống ở Hà Nội, tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như vậy'', anh nói. ''Quá đau lòng khi bao nhiêu cây xanh thân thuộc gục ngã trên đường''.

Trưa 8/9, hầu hết tuyến đường tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cây xanh bị đổ rạp sau bão vẫn đang ngổn ngang. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết có khoảng 17.000 cây gãy đổ trên địa bàn.

Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng. Giai đoạn 2016-2020, khoảng 1,6 triệu cây được trồng mới. Hiện trên địa bàn 12 quận nội thành có khoảng 8.000 cây cổ thụ. Các cây này có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng những hàng cây xanh không chỉ che nắng, che mưa cho người dân khi ra đường mà còn tạo cảnh quan, làm đẹp cho thành phố.

Trong khi đó, những gốc cây lâu năm còn là một phần ký ức của người Hà Nội, gắn với ký ức của nhiều người. Cây ở các con đường như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng còn mang dấu ấn lịch sử, là hơi thở của thời đại.

''Vì lý do cơn bão gây gãy đổ hàng nghìn cây xanh lâu năm, người Hà Nội không khỏi sốc và xót xa'', ông Trung nói.

Biết Hà Nội sẽ gánh chịu thiệt hại nặng vì bão nên ngay từ đêm qua, khi gió ngớt đã có một số người dân tình nguyện tham gia dọn dẹp, giải phóng đường.

Anh Trần Duy Tiệp, một nhiếp ảnh gia tự do ở Sóc Sơn, đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố, lúc gần 2h sáng. ''Tôi ở nhà cũng không ngủ được nên quyết định làm gì đó có ý nghĩa'', chàng trai Gen Z, nói. Xuất phát từ nhà lúc 1h45 đến 2h30 anh mới có mặt ở phố Thụy Khuê.

''Tôi run lên vì không ngờ cảnh hoang tàn, đổ nát đến vậy. Chỉ cần lơ là một giây thôi là có thể tông vào cây đổ'', Tiệp nói.

Cây đổ gãy trên phố Trích Sài lúc 2h sáng 8/9. Ảnh: Trần Duy Tiệp

Cây đổ gãy trên phố Trích Sài lúc 2h sáng 8/9. Ảnh: Trần Duy Tiệp

Sau khi tập hợp được gần 10 người, nhóm của Tiệp theo chân cán bộ phường và cảnh sát giao thông dọn dẹp một số khu vực trên đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (quận Tây Hồ). Đi đến đâu nhóm cũng thấy cây gãy đổ, biển quảng cáo của nhà hàng, doanh nghiệp, cột đèn rơi la liệt bên vệ đường. Có những cây xanh gần chục người mất đến 30 phút mới có thể dọn dẹp xong.

Từ sáng sớm nay, Đức Anh lên mạng xã hội kêu gọi cư dân chung tay vì biết với sức có hạn của lực lượng chức năng, nhân viên vệ sinh, không biết khi nào đường phố mới quang đãng trở lại.

Một ngày sau cây đổ, bà Nghĩa ở phố Hàng Trống cũng cùng một số hộ dân trên phố đang cùng nhau cắt cành để giải phóng đường. Theo bà, đường ống vỡ thì có thể sửa lại, nhưng cây đổ rồi bà sợ không còn cơ hội trồng cho cây thành cổ thụ như vậy nữa.

''Dân trong phố tôi ai cũng xót xa", bà nói.

Video: Lộc Chung - Văn Ngọc - Bá Nam

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều phố Hà Nội ngổn ngang cây đổ, hàng loạt phương tiện không thể di chuyển sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) quét qua

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Bão số 3 Yagi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN