Người dân quay lại Thủ đô sau Tết cần lưu ý gì để tránh ùn tắc?
Người dân quay lại Thủ đô sau Tết không nên di chuyển theo kiểu 'điền vào chỗ trống'. Thực tế, việc ùn tắc sau Tết là không thể tránh khỏi, các tài xế nên chủ động lịch trình di chuyển.
Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội cho biết, dự báo từ chiều 1/2 (mùng 4 Tết) - 2/2 (mùng 5 Tết), đông đảo người dân và phương tiện giao thông sẽ quay trở lại Thủ đô để bắt đầu làm việc, học tập.
Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại các tuyến cửa ngõ và khu vực trung tâm thành phố trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ dài, lực lượng CSGT chủ động lên phương án điều tiết, phân luồng bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đưa ra 1 số khuyến cáo đến người dân.
Theo đó, để chủ động các tình huống tăng đột biến phương tiện trong chiều tối, đêm 1/2 và ngày 2/2, các đơn vị địa bàn đã chủ động kết nối thông tin từ chỉ huy đến các tổ ứng trực trên đường; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Cục CSGT (Bộ Công an) và Sở GTVT Hà Nội, Công an các quận, huyện, thị xã trong thực hiện phân luồng, hướng dẫn, chỉ huy, điều khiển giao thông tại các vị trí trọng điểm, phức tạp trên địa bàn thành phố.
Ngay từ chiều 31/1 (mùng 3 Tết), nhiều người dân đã quyết định trở về Hà Nội sớm hơn để tránh tắc đường.
Sau kỳ nghỉ Tết, lưu lượng phương tiện, đặc biệt là xe khách liên tỉnh, gia tăng đáng kể trên các tuyến cửa ngõ Thủ đô. Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Đội CSGT đường bộ số 14 đã triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là tại các bến xe, tuyến đường cửa ngõ và khu vực tập trung đông người dân trở lại.
Còn trong khu vực nội đô, các Đội CSGT đường bộ số 6, số 7 cũng đã huy động 100% quân số, có phương án tiến hành phân luồng từ xa, chốt trực tại các điểm đen ùn tắc hướng dẫn người dân di chuyển an toàn, thuận lợi. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Để lộ trình từ quê quay trở lại thành phố sau Tết của người dân được an toàn, thuận tiện, Phòng CSGT Hà Nội lưu ý các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe, các chủ phương tiện, nhân dân khi di chuyển trên các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường nội thành, tuyến đường ra, vào Hà Nội, các địa phương liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông.
Đối với những người đi xe khách, phương tiện công cộng nên đặt vé sớm để tránh tình trạng hết vé và bắt xe dọc đường vi phạm trật tự an toàn giao thông đồng thời có nguy cơ bị nhà xe tăng giá vé, nhồi nhét khách, không bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với các phương tiện cá nhân nên đi sớm, tránh đi cùng một thời điểm vào khung giờ từ 8h đến 10h và từ 14h - 16h vì thời điểm này thường xảy ra ùn tắc giao thông. Trước khi khởi hành, kiểm tra kỹ an toàn phương tiện, lên lịch trình các cung đường để di chuyển vào trung tâm Thành phố, lựa chọn những tuyến đường phù hợp, trong quá trình di chuyển cũng nên cập nhật tình hình giao thông để có thể thay đổi cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng tiếp tục sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông để phát hiện và xử lý vi phạm từ xa, đồng thời khuyến khích người dân phản ánh các hành vi vi phạm qua trang Zalo của Phòng CSGT hoặc số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451. Các biện pháp trên nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, ngăn chặn nguy cơ ùn tắc, tai nạn trong thời gian cao điểm sau Tết.
Người dân quay lại Thủ đô vào ngày cuối nghỉ Tết Nguyên đán, lượng phương tiện tăng cao đột biến có thể khiến 1 số tuyến đường ùn tắc.
Thực tế, theo ghi nhận, để tránh tắc đường vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Tết Ất Tỵ, ngay từ chiều 31/1, nhiều người quyết định trở về Hà Nội sớm hơn. Do đó, một số tuyến đường cửa ngõ hướng về Thủ đô lưu lượng phương tiện đã gia tăng nhanh chóng. Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về Hà Nội; hướng lên nút giao đường vành đai 3 đôi lúc xảy ra hiện tượng ùn ứ.
Tương tự, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lưu lượng phương tiện tăng vọt theo hướng vào trung tâm Thành phố. Đoạn cuối tuyến, đường Cổ Linh, có đến 3-4 hàng ô tô đi kín mặt đường, phương tiện di chuyển chậm để qua đoạn giao cắt hướng về cầu Vĩnh Tuy.
Vì vậy, người lái nên xem trước các cung đường để lên kế hoạch di chuyển phù hợp nhất đồng thời có lộ trình dự phòng, tránh việc phải nhích từng mét trong một vài tiếng. Khi trên đường, hãy tận dụng các công cụ định vị và chỉ đường như Google Maps, Vietmap LIVE hay radio để nắm bắt tình hình giao thông. Từ đó, tài xế có thể điều chỉnh lộ trình một cách hợp lý trong trường hợp phía trước có ùn tắc.
Ngoài ra, người dùng nên tính toán để di chuyển vào giờ thấp điểm để tránh việc tắc đường. Thông thường, ngày cuối cùng của đợt nghỉ Tết sẽ là khoảng thời gian cao điểm, dễ xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là từ sau trưa đến chiều tối. Vì vậy, nếu có thể, hãy thu xếp đi sớm hoặc muộn hơn thời điểm trên.
Để tránh ùn tắc giao thông khi di chuyển từ các tỉnh miền Tây vào TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết, huyện Bình Chánh đã chỉ dẫn các lộ trình thay thế.
Nguồn: [Link nguồn]
-01/02/2025 11:44 AM (GMT+7)