Người đàn ông "sống khỏe" nhờ nghề... chăn trâu giữa trung tâm Sài Gòn
“Chăn trâu ở phố sướng hơn chăn trâu ở quê, cỏ nhiều trâu ăn hoài không hết”, ông Hải vui vẻ.
Thực tế, ở Sài Gòn có rất nhiều dân... "du mục". Tại những vùng ven như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12 hay huyện Hóc Môn, không hiếm đàn trâu, bò lúc nhúc cả trăm con trên đường.
Nhưng ngay trong Khu đô thị Vạn Phúc, nơi cách quận 1 chưa tới 5 km vẫn có cảnh hàng chục con trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ, tắm mát ở con kênh chảy ra sông Sài Gòn.
Chủ đàn trâu là ông Nguyễn Văn Hai (50 tuổi), gốc gác người địa phương. Mảnh đất ông Hai đang thả trâu, trước kia là đồng ruộng của gia đình ông.
“Gia đình tôi có hơn 4ha đất ở đây. Khu vực này sau được quy hoạch, làm dự án Khu đô thị Vạn Phúc. Năm 2001, chủ đầu tư thương thượng bồi thường xong, gia đình tôi giao đất cho họ”, ông Hai nói.
Đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, phía sau là tòa tháp cao nhất Việt Nam
Tiền đền bù được cha ông chia đều cho các con, vợ chồng ông chuyển về sống ngay cổng vào khu đô thị. “Hồi đó nhà tôi trồng lúa, có nuôi trâu rồi, nhưng chưa nhiều, chỉ có nuôi vài con phục vụ cho sản xuất”, ông cho biết.
Theo ông Hải, sau khi giải tỏa xong mặt bằng, dự án bị treo 1 thời gian không triển khai. Cánh đồng cỏ bạt ngàn, chạy xe máy mới hết, gia đình ông tăng đàn trâu từ đó. "Trâu mua ở Tây Ninh, Campuchia về nuôi. Nay đã gần 20 năm sống với nghề này rồi”, ông kể.
Ông Hải cho biết, nghề chăn trâu lấy công làm lãi
Theo ông Hải, trong khu vực này chỉ có duy nhất 1 đàn trâu của gia đình ông, đồng lại rộng nên không bao giờ phải lo việc thiếu cỏ cho trâu ăn. “Trâu được mình về vùng biên giới tìm mua. mua trâu gầy, nhỡ nhỡ về vỗ béo rồi bán lại cho lò mổ”. Ông Hải cho biết, vào mùa khô các vùng bưng biền thường không có thức ăn, trâu gầy, may mắn mua được cả đàn thì giá cả sẽ tốt.
“Khu Vạn Phúc này giống như bán đảo, kênh rạch nhiều, lại được sống Sài Gòn bao quanh nên cây cỏ lúc nào cũng xanh tốt. Trâu mua về vỗ béo chưa tới 1 năm, bán đã có lời tiền triệu”, ông nói.
Đàn trâu trị giá hàng trăm triệu của ông Hải
Ông Hải cho biết, nghề chăn trâu không cực nhọc, chỉ mất công coi đàn. “Chăn trâu ở phố sướng hơn ở quê vì không có vướng hoa mầu, mình cứ thả từ sớm tới chiều lại ra lùa đàn về. 4 năm trước nhà tôi bị trộm bắt mất 4 con trâu nên giờ ngày nào cũng phải cử người coi. Với lại, giờ khu vực này xây dựng nhiều, mình cũng phải coi không trâu nó ra phá công trình, cây xanh của người ta”, ông Hải kể.
Ông Hải ăn ngủ luôn tại cánh đồng với đàn trâu. Ông dựng một cái chòi chỗ gốc cây si mạn gần bờ sông. Tới bữa tranh thủ về cơm nước với vợ con, tối lại ra đây ngủ.
Theo người đàn ông này, sống với nghề chăn trâu vừa khỏe, thu nhập cũng kha khá. “Mỗi năm cũng lời được trên 100 triệu, tôi nay 50 tuổi, tiền bạc vậy dư sống rồi”.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lo lắng, sợ đàn trâu sẽ không tồn tại được lâu. Khu đô thị đang dần hình thành, nhiều công trình xây dựng mọc lên, cánh đồng cho đàn trâu của ông Hải cũng thu hẹp lại mỗi ngày.
“Họ đuổi mấy lần rồi, nhưng tôi bảo bao giờ xây tới đây thì tôi không thả trâu nữa. Trên phường họ cũng nói chủ đầu tư tạo điều kiện cho tôi kiếm kế sinh nhai”, ông cho biết.
Thỉnh thoảng lại có vài thương lái đến hỏi mua đàn trâu của ông Hải
Nhiều người dân sinh sống dọc tuyến đại lộ Thăng Long đã tận dụng khoảng đất trống trong hành lang an toàn đường bộ...