Người đàn ông hiến tạng cứu sống 5 cuộc đời khác và giọt nước mắt người ở lại
Đã hơn 14 ngày kể từ đêm định mệnh mà vợ chồng ông Be, bà May tiễn đưa người con trai về nơi chín suối nhưng những giọt nước mắt vẫn chỉ chực rơi trên gò má hai đấng sinh thành.
Cuộc gọi cuối cùng
Từ trung tâm TP.Hà Nội, tôi đã vượt qua chặng đường hơn 30km để tìm về nhà anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989, trú xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội). Anh Chính là một trong những trường hợp hiếm hoi khi được gia đình đồng ý hiến các bộ phận cơ thể của anh để cứu sống 5 bệnh nhân khác. Tôi về nhà anh trong một buổi tối giữa tháng 3, khí trời Hà Nội đầy sương, những ngôi nhà ven đường tối đen vì mất điện và nhà anh Chính cũng không ngoại lệ.
Anh Nguyễn Văn Chính và chị Nguyễn Phương Oanh trong ngày hạnh phúc.
Anh Nguyễn Văn Ba (SN 1991, em trai ruột anh Chính) đón tôi từ giữa phố Chợ, xã Quảng Bị, vòng qua những con đường làng ướt thẫm sương để về được ngôi nhà nơi đặt bàn thờ người đàn ông xấu số. Chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990, vợ anh Chính) thẫn thờ ôm cô con gái 14 tháng tuổi ngồi cách di ảnh chồng chỉ vài mét vẫn không kìm được nước mắt khi nói về đêm định mệnh khiến chị mất anh mãi mãi.
“Vì hoàn cảnh mưu sinh, vợ chồng em ở mỗi người một nơi. Em bán hàng ở khu vực Mỹ Đình, còn anh Chính bán vịt quay ở khu vực bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) cùng chú Ba. Bình thường em ở với ông bà ngoại, anh Chính sau khi nghỉ hàng thì về nhà ông bà nội”, chị Oanh chia sẻ.
Ngôi nhà nơi anh Chính và gia đình sinh sống.
Tối 5/3, anh Chính nói với vợ đi uống bia cùng bạn ở Văn La, Hà Đông. Đến 0h35 rạng sáng 6/3 (tức 1/2 âm lịch), chuông điện thoại của chị Oanh reo nhưng ở đầu dây bên kia lại là một giọng nói hoàn toàn xa lạ. Người này thông báo cho chị biết anh Chính bị tai nạn, được người dân đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
“Lần cuối cùng em nghe được giọng nói của anh ấy là khoảng 11h tối 5/3. Anh ấy nói đang chuẩn bị thanh toán để về nhà. Ấy thế mà anh ấy nói chẳng giữ lời, bỏ lại mẹ con em đi chẳng về nữa”, chị Oanh nghẹn ngào.
Người vợ, người mẹ trẻ mạnh mẽ
Vội vàng gửi cậu con trai lớn 7 tuổi và cô con gái nhỏ mới 14 tháng tuổi cho ông bà ngoại, người mẹ trẻ phi như bay về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Chương Mỹ nơi chồng chị nằm đó. Chị cảm thấy tim như ngừng đập khi nhìn thấy anh, thoi thóp với các ống thở, máy móc hỗ trợ sự sống.
“Cảm giác đó thực sự tồi tệ. Sau khi nghe bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não, khả năng chết não cao, tỉ lệ sống không còn nhiều, em chẳng biết đã trải qua ngày hôm đó như thế nào. Nhưng mà còn nước còn tát, chồng em còn một hơi thở, em vẫn phải làm mọi thứ để giành lại anh ấy”, chị Oanh nói.
Chị Oanh và gia đình đã quyết định chuyển anh Chính từ BVĐK Chương Mỹ sang BVĐK Hà Đông, nhưng tình trạng của anh vẫn chẳng tốt hơn là bao. Chị tiếp tục chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức với hi vọng mong manh rằng phép màu sẽ đến với người đàn ông của chị. Thế rồi, các y, bác sĩ ở Việt Đức cũng lắc đầu với tỉ lệ sống chỉ còn 3% của anh Chính, chị Oanh chỉ còn cách đưa chồng về nhà.
“Sau 1 ngày 1 đêm thở ô xi, tình trạng của anh ấy bỗng nhiên tốt lên một chút. Em cứ ngỡ phép màu đã đến với gia đình em, nhưng không anh ạ. Khi em lại đưa anh ấy vào Việt Đức một lần nữa, tình trạng của anh ấy càng tệ hơn. Đấy cũng là lúc cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tìm đến nhà em, chia sẻ một vài điều về hiến tạng”, chị Oanh kể lại.
Chị Oanh đã rất phân vân về đề nghị của vị cán bộ đồng thời cũng lo lắng về sự phản đối của gia đình nhà chồng, lời gièm pha của hàng xóm hay những trở ngại về phong tục, cuộc sống ở quê… Nhưng dường như trái tim đang đập của anh nói với chị rằng đó là định mệnh, là mong muốn của anh khi chưa kịp nói với vợ lời trăng trối.
“Không tự nhiên mà tình trạng của anh ấy khi trở về nhà lại tốt hơn. Em nghĩ đó là định mệnh, là mong muốn của bản thân anh. Anh ấy ra đi khi chưa kịp nói lời trăng trối với mọi người, cũng chẳng còn nói yêu em, thương con được nữa”, chị Oanh rơi nước mắt.
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh
Ông Nguyễn Văn Be (SN 1958, bố đẻ anh Chính) cho hay thời điểm đầu tiên nhận được cuộc điện thoại của con dâu nói muốn hiến bộ phận cơ thể anh Chính, ông đã rất sốc.
“Cái Oanh nó nói nội tạng thằng Chính vẫn còn tốt, nên hiến tạng để cứu sống những người khác. Cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi, Chính nó mất rồi thì giữ lại cũng chẳng để làm gì. Tôi mới đầu nghe cũng sốc lắm, con trai vừa mất, con dâu lại đề nghị hiến tạng, vừa đau xót mà vừa giận nữa chú ạ”, ông Be chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị May (SN 1957, mẹ đẻ anh Chính) khi biết nội dung cuộc điện thoại của chị Oanh còn “giãy nảy” đòi đưa con trai về ngay lập tức. Theo bà May, anh Chính đã mất rồi thì nên đưa anh nguyên vẹn về với đất, sau này không phải lo lắng những vấn đề tâm linh hay “miệng đời” nói ra nói vào.
“Con tôi nó ra đi khi vẫn còn trẻ, có mấy ai đau đớn như vợ chồng tôi? Cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh nào mấy ai hiểu? Nhưng sau nhiều giờ đồng hồ được con dâu với các y, bác sĩ thuyết phục, vợ chồng tôi rồi cũng xuôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chẳng tin được thằng Chính nó đã bỏ vợ chồng tôi mà đi bất ngờ như thế”, bà May ngấn nước mắt.
Bệnh nhân 8 tuổi được cứu sống khi nhận một phần gan của anh Chính.
Cách đây 14 ngày, đám tang anh Nguyễn Văn Chính được diễn ra dưới sự đưa tiễn của hàng trăm người dân xã Quảng Bị. Một cuộc đời đã kết thúc, một người đàn ông đã ra đi khi mái đầu vẫn còn xanh, tang thương phủ trắng con đường đưa linh cữu. Nhưng chính người đàn ông ấy đã tạo ra phép màu cứu sống 5 cuộc đời khác khi 2 bệnh nhân suy gan, ung thư gan được anh cứu sống. Ngoài ra, 2 quả thận, tim của anh cũng được ghép thành công cho 3 người khác. Trong đó, bệnh nhân trẻ nhất nhận được một phần gan của anh Chính mới chỉ 8 tuổi.
“Gia đình tôi rất mong được gặp những người đã được thằng Chính hiến tạng, cũng chẳng phải để nhận lời cảm ơn mà chỉ để nhìn thấy rằng con trai tôi vẫn còn đâu đó trên cõi đời này”, cặp vợ chồng lớn tuổi nói.
Trước khi rút ống thở của chồng để đưa sang phòng mổ lấy tạng, chị Oanh nghẹn ngào cầm lấy tay anh áp lên bụng mình,...