Người đàn ông bị nọc độc rắn hổ mang chúa núi Bà Đen tấn công sẽ xuất viện trong 2 tuần tới
Nạn nhân người Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn hiện tình trạng nguy hiểm nhất đã qua, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không còn thở oxy, tự ngồi dậy được, ăn uống được...
Sáng 5-9, cập nhật về diễn tiến nạn nhân rắn hổ mang chúa cắn, BS Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết, bệnh nhân Phạm Văn Tâm (38 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) đã được chuyển về lại từ Khoa Hồi sức cấp cứu và đang nằm Khoa Bệnh Nhiệt đới.
"Hiện tình trạng nguy hiểm nhất đã qua, rất khả quan, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, không còn thở oxy, tự ngồi dậy, ăn uống được, sinh hoạt thì còn hỗ trợ chút xíu do còn vết thương" - BS Sang thông tin.
Tùy tốc độ mô hạt vết thương hoại tử lên tốt, anh Tâm sẽ được ghép da trong vòng 1 đến 2 tuần tới
BS Sang cho biết, vết thương hoại tử sau khi mổ cắt lọc 3 lần hiện đang đặt VAC - một kỹ thuật thuật mới, sử dụng máy hút liên tục để kích thích trong vùng vết thương hoại tử đã mổ. Kỹ thuật VAC này nhằm kích thích mô hạt lên và giữ môi trường độ ẩm vết thương mức độ ổn định, ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời bệnh nhân được cho sử dụng thuốc uống chống nhiễm trùng, tăng cường dinh dưỡng đường miệng liên tục. Khi nào mô hạt lên được tốt thì mới tiến hành kế hoạch ghép da cho bệnh nhân.
Nói về thời gian bệnh nhân xuất viện, BS Sang cho rằng, tùy tốc độ tiến triển mô hạt vết thương. Nếu mô hạt lên tốt, nuôi đầy thịt vết thương thì sẽ tiến hành ghép da, ít nhất phải từ 1 đến 2 tuần nữa. Sau khi ghép da xong bệnh nhân phải để kiểm tra thay băng thường kỳ vài ba lần, xem miếng da được lấy chỗ khác đắp qua có dính hay không, làm thẩm mỹ xem da có "ăn" tốt hay không. Nếu chỗ vết thương ghép da tốt thì kế hoạch nằm viện sẽ rút ngắn, còn da không ăn tốt thì sẽ ghép lần 2. Tuy vậy, dự kiến ước tính thời gian ra viện cũng tầm trong khoảng 2 đến 3 tuần tới.
Sức khỏe anh Tâm tỉnh táo hoàn toàn, không còn thở oxy, tự ngồi dậy, ăn uống được.
Nhấn mạnh về trường hợp "thập tử nhất sinh" này, BS Sang cho rằng có Bệnh viện Chợ Rẫy mới đầy đủ các chuyên khoa hỗ trợ bệnh nhân từ đầu đến cuối. "Thời nguy hiểm nhất qua rồi, bây giờ bệnh nhân chỉ săn sóc vết thương, chống nhiễm trùng, nuôi dưỡng vết thương đầy mô hạt, ghép da nữa mà thôi" - BS Sang nhấn mạnh.
Như đã thông tin, sáng 19-8, trong lúc đi làm thuê ở một rẫy mãng cầu ở khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh), anh Tâm phát hiện một con rắn hổ mang chúa nặng 4,6kg, dài hơn 2,5m.
Con trai anh kêu cha bỏ chạy nhưng do gia đình khó khăn nên anh quay lại bắt con rắn để bán lấy tiền. Khi bắt anh Tâm bị con rắn cắn vào đùi. Anh Tâm được chở đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu, rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch và được cứu chữa cho đến nay.
Ông Phạm Văn Tâm bị rắn hổ mang chúa cắn ở khu vực núi Bà Đen đã hồi phục thần kỳ, hiện đã bình phục 70% sức khỏe,...
Nguồn: [Link nguồn]