Người đàn ông 50 năm nhặt xác giữa biển khơi
Gần 50 năm lặng lẽ nhặt xác giữa biển khơi mang về an táng, ông đã lập một "nghĩa trang" hàng chục ngôi mộ, lấy ngày kỵ chung vào rằm tháng Chạp hàng năm cho những vong hồn cô quạnh.
“Nghề” gia truyền
“Tôi làm việc nghĩa không mong đợi người ta trả ơn. Ra biển gặp xác người là ngư dân kiêng kỵ rồi; nhưng ai cũng sợ, cũng kiêng thì lấy đâu ra người vớt, mang họ vào đất liền mà an táng”, ngư phủ Trần Doanh (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tâm sự với tôi về “nghề” vớt thi thể của mình.
Bước vào cái tuổi xấp xỉ 60, nhìn ngư phủ Trần Doanh quắc thước lạ. Nhà ông án ngữ trên triền đê nơi xóm đá, hướng mặt ra mặt biển. 15 tuổi, ông theo cha đi thuyền từ cửa biển Thuận An xuôi ngược các vùng biển trong tỉnh kiếm tôm cá mưu sinh. Đó là chuyến ra khơi đầu tiên trong đời, nói như ông, lần đầu tiên biết đến vị mặn của biển cả, vị đắng của những nhọc nhằn và vị ngọt của những sản vật tươi ngon vùng đầm phá.
Chuyến ra khơi lần đó in đậm trong ký ức non nớt của cậu bé Trần Doanh, khi thuyền vừa cách cửa Thuận An chừng 4 đến 5 hải lý, trên mặt nước còn dát ánh vàng của bình minh vừa ló rạng, thi thể của một người phụ nữ xấu số dập dềnh theo sóng nước khiến cả chủ thuyền và bạn thuyền, ai nấy mặt xanh lét. Một phút định thần, cha ông báo cho những bạn thuyền gần đó biết rồi quyết định vớt xác. Những ngư dân khác đều sợ, không chịu được mùi xú uế vào khoang thuyền nên trốn biệt. Chỉ còn hai cha con, quần thảo với thi thể đã trương phình. Gói thi thể vào tấm bạt cũ kỹ, cha ông cho dong thuyền vào bờ chuẩn bị chôn cất.
Ngư phủ Trần Doanh và chuyến ra khơi cứu người, cứu tàu
Vớt người, cứu thuyền gặp nạn
Thấm thoắt, cậu bé Trần Doanh ngày nào đã trở thành một ngư phủ thực thụ. Lần vớt xác thứ hai được ông kể là vào năm 1996, cũng là thi thể một người nữ, trạc tuổi 40. Sáng đó, thuyền ông Doanh ra khơi, định bụng hướng ra phía đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đánh cá. Khi thuyền vừa đi được nửa chặng đường thì phát hiện thi thể người phụ nữ mặc áo yếm theo kiểu miền Bắc. Trong người có 82 đồng bạc lẻ và một con dao díp dùng để bổ trầu. Bỏ nhỡ chuyến ra khơi, ông vớt thi thể xấu số mang vào xóm Cồn chôn cất. Hôm đó, đúng ngày rằm tháng Chạp. Về sau, những thi thể ông mang vào bờ chôn cất đều lấy ngày này làm kỵ chung cho những vong hồn xấu số.
Người con trai của ông Doanh lại không “nối nghiệp” cha. Khoảng năm 1998, ông cùng người con trai duy nhất của mình là anh Trần Thanh Minh đi biển. Lần đó gặp thi thể chỉ còn nửa người, đã thối rữa nhiều ngày. Anh Minh cùng cha vớt thi thể lên mang vào bờ. Ba ngày anh Minh không ăn uống gì được, chỉ nôn thốc nôn tháo, rồi lăn ra ốm một trận nhừ tử. Bận đó, khi mang thi thể vào bờ, ngư dân xóm Đá một phen kinh hãi. Cả thôn bỏ chạy, chỉ mình ông mua tiểu về khâm liệm thi thể người xấu số. Cũng từ đó, người con trai ông không theo nghiệp biển nữa, ở nhà mở cơ sở sửa máy tàu.
Từ chuyến ra khơi đầu tiên, nói như ông, cái việc nghĩa “quái dị” kia đã theo ông trong suốt hơn nửa đời người theo nghiệp biển. Trong mảng ký ức nhàu nát như bọt biển giữa trùng khơi, ông cũng không còn nhớ bao nhiêu lần mình ra tay nghĩa hiệp cứu người. Chỉ biết rằng, ngư dân vùng xóm Đá, sau những ngày kinh hãi, có ý tránh xa ông, giờ đây họ xem ông như một kỳ nhân vùng biển.
Không chỉ vớt thi thể người trôi dạt, ngư phủ Trần Doanh còn là ân nhân của những bạn thuyền ra khơi không may gặp nạn giữa đầu sóng ngọn gió. Năm 2012, giữa mùa đánh bắt cá, cả làng chài Hải Tiến hối hả vào vụ. Vùng gần đảo Cồn Cỏ vốn là địa điểm đánh bắt mang lại nhiều tôm cá cho bà con ngư dân. Thuyền ông Doanh ra khơi chừng được hai ba ngày thì bắt gặp thuyền bạn ở vùng Vinh Thanh chết máy lênh đênh giữa dòng. Lúc đó chừng 10 giờ đêm. Để cứu những ngư dân, cứu tàu, ông phải quay lại bờ lấy thêm lương thực, nước uống và dầu ra tiếp tế cho bạn thuyền, ra lại nơi tàu gặp nạn đã là 4 giờ sáng. Ông giúp đỡ những ngư dân đưa vào bờ, rồi liên lạc với bộ đội biên phòng ra ứng cứu.
Trải qua gần 50 năm gắn với nghiệp biển, ngư phủ Trần Doanh cũng không còn nhớ bao nhiêu lần mình cứu tàu thuyền của bạn gặp nạn trên biển. Khi thì phuy nước ngọt, can dầu. Có lúc, những ngày biển động dữ dội, giữa từng cột sóng lớn, ông không ngại hiểm nguy xông thẳng qua tàu bạn giúp họ sửa máy móc hỏng hóc. Với ông, không mong đợi gì hơn, nhiều ngư dân được cứu ở các vùng biển lân cận, trở về đất liền, chỉ cần nghe được tiếng cảm ơn của họ là ông vui lắm rồi…
“Nghĩa trang” ông Doanh
Chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi, ông lặng lẽ cầm nén nhang ra thắp ở những am thờ ông lập ngay trước sân nhà. Những người xấu số bỏ lại mình trên biển, được ông mang về chôn cất ở xóm Cồn, riêng am thờ được ông lập cạnh nhà, cứ mỗi chuyến ra khơi, không chỉ ông mà ngư dân trong vùng đều dâng hương, cầu mong một chuyến ra biển bình yên, thuyền đầy ắp tôm cá.
Gần 50 năm lặng lẽ nhặt xác giữa biển khơi mang về an táng, ông đã lập một “nghĩa trang” hàng chục ngôi mộ, lấy ngày kỵ chung vào rằm tháng Chạp hàng năm cho những vong hồn cô quạnh. Không chỉ tự tay khâm liệm, lo tiền mai táng mà hàng năm, ông còn bỏ kinh phí tu bổ cho những người xấu số có mồ yên mả đẹp. Những ngôi mộ ở xóm Cồn nằm giữa rừng dương bát ngát được ông Doanh cho xây xi măng, quét vôi trắng. Trên những tấm bia thường không có tên tuổi, quê quán của người quá cố mà chỉ có tên người phụng lập.
Nhớ lại những ngày làm việc nghĩa, ông tâm sự: “Mình đã đưa người ta vào bờ rồi mà không lo khâm liệm, chôn cất đàng hoàng thì tội lắm. Tiếc là những thi thể mình vớt được, trên người thường không có một dòng thông tin nào về quê quán, thân nhân, nên mấy chục năm qua những nấm mồ vô danh vẫn không có người tới nhận”.