Người đàn ông 20 năm sửa xe miễn phí
20 năm nay, ông đã sửa xe miễn phí cho không biết bao nhiêu người khuyết tật qua đường, “tiền công” họ gửi ông là những nụ cười và lời cảm ơn.
Ông Phạm Văn Lương, 47 tuổi làm nghề sửa xe ở ngã tư góc phố Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
Cha con ăn ngủ ở góc tường nhà vệ sinh
Năm 1991, ông Lương vào Sài Gòn lập nghiệp, lập gia đình. Vợ ông đã bỏ đi khi đứa con thứ 2 vừa tròn một tháng tuổi. Những ngày ấy, ông bế bồng thằng con đầu 1 tuổi đi cùng, vừa sửa xe vừa trông nom nó. Hai cha con ăn ngủ lề đường, che mưa nắng ở góc tường nhà vệ sinh công cộng và trụ điện ở gần đó.
Đến nay, ông vẫn trong cảnh “gà trống" nuôi hai cậu con trai trong căn phòng trọ nhỏ trên đường Bàn Cờ - Quận 3.
Ông Phạm Văn Lương với công việc vá xe hàng ngày
Có một tấm lòng cảm thương sâu sắc dành cho những người khuyết tật, đó là những gì chúng tôi nhận thấy khi tiếp xúc với ông Lương. “Con người sống trên đời, cái bất hạnh của người này đôi khi là niềm mong mỏi, là ước mơ, là khát khao của người kia” - ông Lương chia sẻ về quan niệm sống. Ông tự nhận mình là người may mắn khi có một cơ thể trọn vẹn và ông muốn chia sẻ sự may mắn đó cho những người khuyết tật.
Ông kể lại rằng, 20 năm hành nghề, ông đã sửa xe miễn phí cho không biết bao nhiêu người khuyết tật vô tình đi ngang qua góc đường này. Có một ông cụ bị cụt một chân đi bán vé số, cụ khó nhọc cho chiếc xe lăn lên lề đường và năn nỉ: “Chú làm ơn làm phước” vá giùm vì “đi bốn, năm chỗ rồi mà người ta không chịu vá cho”. Ông Lương cẩn thận dìu cụ vào ghế ngồi, vá xe xong và mỉm cười: “Cụ đi cẩn thận nhé, con không lấy tiền cụ đâu!”. Ông cụ cảm ơn rất nhiều và nói: “Nếu thế thì chú làm cái bảng, cho anh em khuyết tật chúng tôi biết mà vào, chứ vá xe lăn, xe lắc, người ta ngại lắm!”.
Sửa xe miễn phí cho người khuyết tật
Sau lần chữa xe cho ông cụ cụt chân, tấm bảng có dòng chữ “Bơm vá sửa xe - Người tàn tật bơm vá miễn phí” được dựng lên cạnh chiếc máy bơm hơi của chú. Kể từ đó, người khuyết tật biết và lui đến nhiều hơn, khiến chú rất vui.
Tiếp xúc với nhiều người khuyết tật, ông Lương hiểu được cảm giác của họ là sợ nhận được sự thương hại. Chính vì thế mà thái độ của ông đối với họ luôn đầy thiện ý và cởi mở. “Người khuyết tật hay mặc cảm, tự ti lắm, nên tui phải thật sự vui vẻ, nói năng nhẹ nhàng tạo cảm giác thân quen, gần gũi để họ khỏi phải ngại ngùng gì hết” - ông Lương chia sẻ.
Nhớ những ngày đầu, vài người bán cháo, bán nước vỉa hè hoặc mấy bác chạy xe ôm ở góc đường này cứ bảo ông Lương là “khùng”. Họ nói: “Bơm vá xe có được mấy đồng đâu mà lại miễn phí cho người ta, còn xởi lởi, lúc dắt cụ bị mù lên ghế ngồi, lúc đạp xe giúp ông bị yếu chân…”
Ông Lương chẳng phân trần gì, chỉ cười cười. Rồi thời gian trôi đi, mọi người dần quen với việc làm của ông, cũng chẳng ai thắc mắc hay nói bóng nói gió gì nữa, vì biết ông làm thế từ cái tâm và ông hạnh phúc mỗi khi giúp được người khuyết tật.
Không chỉ giúp đỡ riêng người khuyết tật, mà ông còn sẵn sàng sửa xe miễn phí hoặc lấy giá rẻ đối với người nghèo.
Cây cột điện ngay cạnh chỗ sửa xe của ông ngày nào cũng có sẵn một, hai thùng trà đá nhỏ để mời “khách thập phương”. “Tui cũng khổ nên tui biết. Người ta đi chữa bệnh, vất vả lắm, rồi mấy người đi bán vé số nữa, suốt ngày chẳng dám mua lấy một ly trà đá để uống. Thôi thì tui pha trà để sẵn đó, ai muốn uống thì lại uống cốc cho vui, cũng cho họ đỡ tốn kém”- ông Lương cười xòa giải thích.
Ngồi trò chuyện với ông, tôi thấy được niềm vui lấp lánh trong đôi mắt người đàn ông đã ngoài tứ tuần này khi nói về hai đứa con, về thành tích học tập, sự ngoan ngoan ngoãn, vâng lời của chúng. Rồi ông kể về cô chủ nhà tốt bụng hay giúp đỡ ba bố con, lúc thì đem cho bát canh, lúc thì giúp ông đi đón hộ thằng nhỏ đi học về… Ông nói đó là sự giúp đỡ mình nhận được khi mình biết giúp đỡ người khác.