Người đàn ông 10 năm sống kiếp "người rừng"

Người đàn ông da xanh xao, ốm nhom, đang ngồi tựa vào vách tường lát gạch sơ sài, ánh mắt vô hồn, tay chống ở thế "phòng thủ" trong căn nhà trống huơ trống hoác khiến ai mới gặp lần đầu cũng đều không dám lại gần.

Ông là "người rừng" có cái tên khá ấn tượng Lê Văn Mới Anh, 50 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Vì có triệu chứng tâm thần bất ổn, ông đã bị xiềng bằng dây xích trong căn nhà "trống" ở rừng dừa đã hơn chục năm nay.

Người đàn ông 10 năm sống kiếp "người rừng" - 1

“Người rừng” Lê Văn Mới Anh. Ảnh T.G

Cuộc đời buồn tủi

Vượt qua hơn 100 km đường bộ, đi qua con đường nhỏ heo hút giữa những hàng dừa xanh ngút, chúng tôi tìm về ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre khi trời vừa nhá nhem tối. Thế nhưng, phía sau không gian yên ắng, u tịch của rừng dừa thi thoảng lại có những tiếng đập thình thịch dội vào tường, càng làm tăng thêm vẻ huyền bí và rùng rợn của vùng đất hẻo lánh này. Thạnh Phú Đông vào mùa nước lên, nước ngập từ nhà ra ngõ, lội bì bõm dưới nước, mon men theo những hàng rào chúng tôi mới có cơ hội "mục sở thị" "tư dinh" của "người rừng" Mới Anh.

Người tiếp chúng tôi là anh Lê Văn Một (SN 1986), anh Một cho biết người đang bị nhốt trong căn nhà lát gạch sơ sài là bác ruột của anh, ông Lê Văn Mới Anh. Theo anh Một, vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, ông Mới Anh đã đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, như bao người đồng đội khác, ông trở về quê hương sinh sống và lập gia đình với một người con gái ở xã bên. Thời gian đầu cuộc sống gia đình của ông tuy còn chật vật thiếu thốn trăm bề, nhưng bù lại vợ ông đã sinh hạ lần lượt hai đứa con xinh xắn.

Cách đây khoảng hơn chục năm, đứa con đầu lòng của vợ chồng ông vì mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời khi còn quá nhỏ. Hai vợ chồng ông vì quá thương tiếc con nên tinh thần suy sụp hẳn. Chẳng bao lâu sau ông Anh bắt đầu có những biểu hiện lạ, cư xử khác hẳn thường ngày. Có khi vào nửa đêm, ông đùng đùng vác xẻng đi ra nghĩa địa gần nhà cào xới đất, miệng lẩm bẩm, tay mò mẫm như tìm vật gì đó. Sáng ra vợ thắc mắc có đêm chuyện ra hỏi, thì bị ông mắng xối xả, không kiềm chế được ông còn đem dao rượt vợ chạy khắp xóm.

Thấy ông Anh có triệu chứng tâm thần bất ổn, gia đình đã đưa ông đi điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm. Năm 2000, ông được đưa lên bệnh viện Tâm thần tỉnh Bến Tre khám bệnh, bác sĩ kết luận ông bị chứng tâm thần hoang tưởng. Sau 6 tháng điều trị ở đây, thấy ông Anh đã có nhiều dấu hiệu tốt hơn, không còn đi lang thang vạ vật, biết nghe lời người khác nên gia đình đã đưa ông về quê. Thế nhưng chỉ được một thời gian, căn bệnh của ông lại tái phát và trầm trọng hơn trước. Lúc ông "lên cơn" rất hung hăng và dữ tợn nên không một ai dám lại gần. Đồ đạc trong nhà cũng trở thành vật "hiến thân" "chịu trận" cho những cơn điên như thế của ông.

Thấy ông bỗng chốc biến thành con người khác, nhiều người dân trong vùng nghĩ ông đã bị "ma nhập". Một thời gian dài, mọi người truyền tai nhau lời đồn đại. Trước đây khi đang đi bộ đội ở bên Campuchia ông Mới Anh đã phải lòng cô gái xứ Miên và đã bị cô này bỏ "bùa yêu" với lời nguyền man rợ, rằng nếu bỏ rơi cô gái này để đến với người đàn bà khác ông Anh sẽ bị điên, những đứa con sinh ra cũng sẽ phải chết tức tưởi. Có bệnh thì vái tứ phương, sau khi điều trị bằng tây y không được, gia đình quyết định mời thầy cúng về "giải bùa". "Phần vì bán tính bán nghi, lại quá quẫn bách trước căn bệnh của bác tôi nên ba tôi đã đứng ra lo liệu việc mời thầy cúng về giải hạn, phá bỏ lời nguyền cho bác Anh. Biết bao nhiêu thầy cúng được mời về nhưng cũng đành bó tay lắc đầu", anh Một cho biết.

Quá sợ hãi và như tin vào lời nguyền chồng bị bỏ bùa nên một thời gian sau vợ ông đã bỏ về nhà mẹ đẻ. Hơn chục năm nay, kể từ ngày bỏ đi chưa ai trông thấy bà quay trở lại thăm người chồng điên loạn dù chỉ một ngày. Từ ngày con chết, vợ bỏ đi biệt tích, ông được người em trai Lê Văn Mới Em và đứa cháu ruột đem về chăm sóc. Hằng ngày ông như con "ma" lượn lờ trong nhà, hỏi gì cũng không đáp. Trong thoáng buồn khi nhớ lại hình ảnh của người bác ruột hơn mười năm trước anh Một buồn rầu: "Ngày đó khi còn được thả lỏng, nhiều lúc thấy hành động của bác rất lạ lùng nên mọi người nhiều lần quyết đưa bác quay lại bệnh viện tâm thần. Nhưng mỗi lần như thế bác ấy phản kháng rất dữ dội, la ó, vùng vẫy nên không ai dám chở đi".

Càng ngày ông càng "quậy" hơn, có hôm đi chơi về, thức ăn mọi người để phần ở trên bàn, ông không thèm ăn còn hất văng đổ tung tóe. Về sau mỗi lần lên cơn ông lại đập phá bàn ghế và thậm chí chửi bới bằng những thứ tiếng lạ. Vì hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng ông Mới Em phải đi xứ khác làm ăn và đã giao ông Anh để cho anh Một- con ruột của ông chăm sóc hằng ngày. Những hành động của ông Anh ngày càng khó kiểm soát và lo lắng ông sẽ gây hại cho trẻ em trong xóm. Nên gia đình ông Mới Em đã quyết định dựng căn chòi lá cách nhà không xa, nhốt ông giữa khu rừng dừa với sợi dây xích xiềng vào chân từ đó đến nay.

Hơn 10 năm sống kiếp "người rừng"

Trong "căn nhà" chẳng khác nào… chiếc hộp, rộng chừng 8m2 với tường xây bằng gạch đỏ, nền xi măng bốc lên mùi ngai ngái, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng thật chạnh lòng. Một người đàn ông ốm nhom, lom khom áp lưng vào vách tường, miệng lẩm bẩm. Trên người bận bộ quần áo hôi hám, nhàu nhĩ. Qua lời kể của anh Một, chúng tôi được biết trước đây vì không có tiền cất cho ông Anh ngôi nhà "đúng nghĩa" nên đành dựng tạm túp lều lợp phên dừa. Nhưng chỉ được vài hôm, thì ông đã phá tung. Cứ thế, gia đình lại cất căn chòi khác, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đến năm 2003, có đoàn thanh niên tình nguyện về giúp đỡ nên đã quyên góp tiền xây nên "căn nhà" hiện giờ mà ông Anh đang sinh sống.

Người đàn ông 10 năm sống kiếp "người rừng" - 2

Anh Lê Văn Một. Ảnh T.G

Trong căn nhà mùi hôi tanh bốc lên xộc thẳng vào mũi, ông Anh vẫn ngồi yên lặng trong tư thế bất động. Nhìn đôi bàn chân của ông không cho ai sờ tới đã hơn… chục năm nay với những móng dài, cáu bẩn. Nơi cổ chân bị xiềng lại đã có nhiều mảng bám của máu tứa ra, ruồi nhặng bâu đầy. Vì bị xích đã lâu nên mỗi bước đi của ông dường như càng khó khăn hơn. Anh Một cho biết thêm: "Cực chẳng đã chúng tôi mới phải giam bác ấy ở chỗ này. Chỉ có ba tôi mới được bác Anh cho phép… tắm cho bác ấy thôi. Nhưng vì sức khỏe yếu và mỗi lần cho bác uống thuốc rất khó nên cứ ba tuần ba tôi lại từ Long An về tắm cho bác". Thấy xung quanh nhiều muỗi, mọi người giăng mùng cho ông nằm, thì ông lại xé rách toạc. Một số vật dụng thường ngày ở trong "căn nhà" như cốc, chén, bàn ghế, ấm nước ông Anh đã đập phá hết, nên giờ chỉ có chiếc bàn nhựa và một bình nước đặt ở gần chỗ ông ngủ.

Nhìn cảnh người đàn ông gầy đét, xanh xao đang di chuyển từng bước chân nặng nề thi thoảng lại nhón lên vì dẫm phải vật cứng trên nền xi măng đã cũ khiến cho người đối diện không khỏi chạnh lòng. Chia tay "người rừng" Mới Anh khi trời vừa tối, nhưng hình ảnh về người đàn ông tâm thần miệng lảm nhảm, có khi cười ngờ nghệch… vẫn ám ảnh người viết không thôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Phết, chủ tịch xã Thạnh Phú Đông cho biết, chính quyền địa phương cũng thường xuyên cử cán bộ xuống hỏi thăm tình hình, giúp đỡ cho ông Anh. Chính quyền xã đã vận động từ thiện một công ty ở TP.HCM hỗ trợ cho gia đình chăm sóc ông Mới Anh mỗi tháng 200 ngàn đồng. Ban thương binh - xã hội xã cũng tặng cho gia đình 270.000/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN