Người dân nơi “chảo lửa” miền Trung trốn nóng thế nào?
Người dân trên ở khắp các vùng miền đang phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt.
Tại nhiều điểm vừa được tu sửa trên đường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh do nắng nóng, nhiệt độ cao đường phố đã chảy nhựa.
Anh Nguyễn Văn Thế, ở Phường Thạch Quý cho biết: "Vào khoảng 2h chiều 29.5, trong khi đi làm qua tuyến phố Nguyễn Du, tôi thấy đường bóng loáng, giống như có ai đang dội nước nhưng lại gần mới hay là do đường bị chảy nhựa. Tôi đạp chân lên phần nhựa bóng loáng thì nhựa dính chặt dưới đế dày.
Một điểm chảy nhựa trên đoạn đường Nguyễn Du mới được sửa. Ảnh: Hữu Anh
Được biết, tuyến đường Nguyễn Du có chiều dài hơn 2km, nhưng đoạn bị chảy nhựa dài khoảng 350m, nằm gần phía cuối đường, giao với ngã tư với đường Nguyễn Công Trứ - Lê Ninh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh).
Tại cung đường này, nhiều ổ gà, ổ voi mới được sửa chữa đã chảy nhựa, một số chỗ thì chảy loang lổ. Các phương tiện đi qua đây đều để lại những vết hằn bánh xe.
Nhựa đường chảy ra bám chặt vào đế giày người đi đường. Ảnh: Hữu Anh
Theo ông Đậu Tám- Phó phòng Kế hoạch Kỹ thuật Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh, hai tuần nay đơn vị đã thi công vá một số đoạn hỏng hóc, ổ gà, ổ voi. Sau khi vá xong phần đá rãi do xe vận tải chạy qua nhiều và người dân thấy bụi nên quét bột đá đi chỉ còn lại lớp nhựa. Do mấy ngày này trời nắng nóng bất thường khiến đường chảy nhựa. Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đơn vị sẽ tiến hành rãi đá 0,5 chống đường chảy nhựa.
Tại Nghệ An, nơi được xem là “chảo lửa” của cả nước, nhiêt độ lên đến trên 40 độ C. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Nắng nóng kéo dài khiến cho cây cối, hoa màu khô héo. Đặc biệt, dòng sông Lam khu vực huyện Nam Đàn, Thanh Chương trơ đáy.
Thời tiết nắng nóng khiến cho lượng bệnh nhân đến khám ở Bệnh viện Nhi Nghệ An tăng đột biến, chủ yếu mắc cách bệnh về đường tiêu hóa, cảm hàn... Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Nghệ An, đợt nắng nóng này có khoảng 1.300 bệnh nhi đến khám và điều trị.
Người dân đang từng ngày, từng giờ tìm cách chống chọi với nắng nóng. Đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương đang thấp thỏm vì thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi vì nắng nóng nên đã điều chỉnh lại mùa vụ cây trồng do thiếu nước.
Công nhân làm việc trên các công trường dưới thời tiết nóng bức. Anh Nguyễn Văn Sáu (quê Diễn Châu) nói: “Biết là lao động dưới nắng nóng sẽ dễ ốm. Nhưng ai cũng phải làm việc để lấy tiền nuôi gia đình. Nhiều lúc tự nghĩ là mình… không sợ nắng”.
Tại Huế, gần 2 tuần trở lại đây, nhiệt độ nhiều lúc lên đến hơn 40 độ C. Nắng nóng, người dân đổ ra bờ sông Hương để trốn nóng. Các công viên, gầm cầu cũng được người dân tận dụng làm nơi hóng mát.
Một gia đình vạn đò ở TP.Huế cũng phải chọn gầm cầu để tránh cái nắng như đổ lửa
Tại Đà Nẵng, những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời đạt ngưỡng 39 độ C. Không chịu nổi, người dân phải ra công viên, hoặc chui xuống gầm cầu bờ sông Hàn nằm ngủ.
Trong khi đó, nắng nóng gay gắt đã làm nhiều vùng tại Bình Định - Phú Yên thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Người dân địa phương đang tìm mọi cách để vượt qua mùa… thở dốc.
Thiếu nước, người dân phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000 – 70.000 đồng/m3. Nhiều gia đình còn phải bơm nước từ mương về để sử dụng.
Ông Trần Văn Nguyên – Phó Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết, nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra trên toàn khu vực Trung Trung Bộ. Dự báo, đợt nắng nóng này còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới.