Người dân nghi ngờ bị virus Covid 19 nên khám ở đâu?
Lo lắng dịch bệnh do Covid-19 gây ra, số lượng người dân từ các địa phương lên khám trực tiếp tại một số bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, TPHCM gia tăng. Việc tập trung khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến Trung ương sẽ tăng khả năng lây lan trong cộng đồng.
Khu vực cách ly người nghi nhiễm tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư Ảnh: Th.Hà
Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã phân tuyến chỉ đạo ở các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh.
Cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các tuyến huyện - tuyến cơ sở đầu tiên và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, Trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế đã công bố hàng loạt bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế tuyến huyện có khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến y tế cơ sở. Việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đánh giá việc phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm/nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị.
192 người rời khỏi Sơn Lôi trước khi xã bị cách ly
Sáng 16/2, đại diện Văn phòng UBND huyện Bình Xuyên cho biết, trước khi xã Sơn Lôi bị cách ly hoàn toàn nhằm phòng, chống Covid-19, đã có 192 người rời khỏi địa phương này.
Báo cáo của Công an huyện Bình Xuyên cho hay, số người này rời khỏi xã Sơn Lôi từ ngày 1- 13/2. Danh sách từng cá nhân đang được cơ quan công an tiếp tục xác lập cụ thể, kèm theo tình trạng bệnh lý (nếu có). Đại diện huyện Bình Xuyên cho biết sẽ thông báo danh sách này cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để chính quyền sở tại có biện pháp giám sát phù hợp. Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, những trường hợp này không thuộc diện nghi ngờ hoặc đã tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính Covid-19. Họ thuộc diện cách ly bình thường theo thời hạn 20 ngày.
Ngoài xã Sơn Lôi, hiện toàn huyện Bình Xuyên còn cách ly 137 hộ gia đình, 102 người đang được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh. Trên địa bàn huyện đã thành lập các chốt phòng, kiểm soát Covid-19 nhằm hạn chế, kiểm soát sự lây lan, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân. Tính đến thời gian này, những trường hợp có nguy cơ lây lan, mắc nhiễm Covid-19 đã được giám sát rất chặt chẽ, kiểm soát tốt về mặt y tế, đặc biệt tại xã Sơn Lôi.
Không để người mắc hoặc nghi ngờ ra khỏi khu cách ly Bộ Y tế mới đây có văn bản yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không để người bệnh nghi ngờ và dương tính với Covid-19 ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện. Đồng thời, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định). “Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu. Tuyệt đối quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh Covid-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định. Trong trường hợp chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí phương tiện, nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện tuyến trên bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh; thực hiện theo đúng quy định về bàn giao người bệnh cho bệnh viện nhận chuyển tuyến. |
Nguồn: [Link nguồn]