Nhiều người đồng thuận xây 5 quảng trường ở khu vực hồ Thiền Quang
Hà Nội - Nhiều người dân đồng thuận với đề xuất xây dựng 5 quảng trường trong Đồ án thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang.
Chiều 29/2, UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến trực tiếp người dân vào Đồ án thiết kế với tỷ lệ 1/500. Nhiều người cho rằng việc lập đồ án chỉnh trang đồng bộ khu vực hồ Thiền Quang là cần thiết, trong đó có xây dựng 5 quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông và một quảng trường trung tâm.
Định hướng 13 phân khu chức năng trong đồ án. Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Ông Vũ Hy Chương, nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền, cho biết mấy chục năm qua khu vực hồ được cải tạo nhiều lần, nhưng chỉ là các hạng mục riêng lẻ nên không phát huy giá trị.
"Lần này quận lập đồ án chỉnh trang đồng bộ nên tôi rất đồng tình. Thiết kế rất hấp dẫn, chắc chắn người dân và du khách sẽ thích thú khi việc chỉnh trang hoàn thành", ông Chương nói, đề xuất chọn loại cây đặc trưng theo mùa để trồng tại từng quảng trường, ví dụ cây phượng sẽ được trồng ở quảng trường mùa Hạ.
Ngoài ra, ông Chương cũng lưu ý khu vực bán đảo hiện có Cung thanh niên. Vị trí này không nên xây dựng các công trình quy mô lớn, tránh phá vỡ cảnh quan chung và có thể ảnh hưởng đến kết cấu địa chất của bán đảo.
Mô hình 3D minh họa khu vực quảng trường trung tâm (phương án 1). Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Cũng nhất trí với các thiết kế của đồ án, bà Hoàng Thị Thanh Hà, nhà số 9 phố Nguyễn Thượng Hiền, đề nghị chính quyền và tư vấn nghiên cứu bổ sung các bãi trông giữ xe, nhà vệ sinh công cộng và vòi nước sạch xung quanh hồ.
Ông Nguyễn Trọng Huy, nhà số 154 Phố Huế, cho hay qua phương tiện truyền thông ông biết đến thông tin về đồ án thiết kế nhưng chưa rõ ràng. Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày và giải thích, ông đồng tình và mong đồ án sớm được thực hiện để người dân xung quanh, du khách đến chơi được thụ hưởng.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Tiến Quang, thiết kế đô thị khu vực hồ Thiền Quang phải đạt mục tiêu phát huy giá trị cảnh quan không gian của khu vực, đồng thời kết nối với công viên Thống Nhất. Trên cơ sở ý tưởng tư vấn, các đơn vị của quận đã xây dựng đồ án với 5 quảng trường.
Trong đó, quảng trường trung tâm là không gian trung tâm, nơi diễn ra các hoạt động chính của phố đi bộ cũng như các hoạt động chung của quận. 4 quảng trường còn lại là không gian mở, thực tế đã có nhưng đầu tư, sắp xếp chưa phù hợp với cảnh quan nên cần cải tạo.
Tiếp thu đề xuất của các đại biểu tham gia buổi lấy ý kiến, ông Quang cho hay sẽ nghiên cứu để cập nhật vào đồ án với ý kiến trồng cây đặc trưng theo mùa vào từng quảng trường. Trong đồ án có thiết kế các nhà vệ sinh, khu vực uống nước công cộng và khu vực xung quanh hồ sẽ được lắp đặt wifi miễn phí.
Mô hình quảng trường mùa Hạ (góc đường Trần Nhân Tông - Quang Trung). Nguồn: UBND quận Hai Bà Trưng
Theo ông Dương Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, phường lấy ý kiến cộng đồng qua nhiều hình thức, trong đó có trực tiếp. Việc người dân sinh sống xung quanh khu vực thực hiện đồ án cho ý kiến rất quan trọng vì họ là người hiểu rõ nhất về hiện trạng khu vực cũng như mong muốn chỉnh trang hồ làm sao để mọi người được thụ hưởng một cách tốt nhất. Dự kiến cuối tháng 3, việc lấy ý kiến sẽ kết thúc để các đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo quận xem xét quyết định.
Hồi đầu tháng 2, Quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến người dân về đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang, tỷ lệ 1/500. Khu đất nghiên cứu lập thiết kế đô thị rộng 11,7 ha, nằm trên hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, phía bắc giáp đường Nguyễn Du, phía tây giáp phố Trần Bình Trọng, phía đông giáp phố Quang Trung và phía nam giáp phố Trần Nhân Tông.
Trong đồ án, đơn vị tư vấn đề xuất thiết kế đô thị với 13 khu vực, trong đó có 5 quảng trường. Quảng trường trung tâm nằm ở phía đường Trần Nhân Tông, giáp công viên Thống Nhất, là khu văn hóa nghệ thuật đa năng, trung tâm buôn bán, giao thương hàng hóa và nơi dừng nghỉ cho du khách. Bốn quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông được xây gần bốn góc hồ Thiền Quang.
Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 ha.
Hiện trạng quanh khu vực hồ Thiền Quang - địa điểm được đề xuất xây dựng 5 quảng trường đang trong tình trạng nhiều hạng mục xuống cấp.
Nguồn: [Link nguồn]