Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị?

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cảnh báo nếu đề án thất bại, sẽ ảnh hưởng lớn đến nhân dân. Còn một số đại biểu HĐND lại cho rằng chưa thấy người dân được lợi gì trong đề án chính quyền đô thị này.

Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị? - 1

Bản đồ TP.HCM khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị với chính quyền thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh có chức năng kinh tế khác nhau.

Trình bày tại Hội nghị về đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM do HĐND thành phố tổ chức ngày 10/8, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ - cho biết: Chính quyền đô thị TP.HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị đặc biệt được tổ chức trên nguyên tắc chính quyền địa phương có 2 cấp, gồm cấp chính quyền TP.HCM và chính quyền cấp cơ sở.

Chính quyền TP.HCM gồm 13 quận nội thành hiện hữu, là một đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò trung tâm. Cấp chính quyền cơ sở gồm 4 đô thị vệ tinh thành lập mới, tạm gọi thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc, và 3 thị trấn, 35 xã còn lại.

Chính quyền TP.HCM sẽ quản lý cấp chính quyền cơ sở theo cơ chế phân cấp. Tại các quận, phường thuộc chính quyền TP.HCM chỉ còn cơ quan đại diện hành chính của thành phố.

Mô hình phát huy tối đa tính tự chủ

Ông Nguyễn Thanh Chín - Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM - đánh giá mô hình trên còn quá rối rắm, khó hiểu và ví von nó như “mèo tam thể” để so sánh với mô hình một trục duy nhất từ trung ương xuống thành phố, quận huyện, phường xã, thị trấn như hiện nay. Ông cũng đặt vấn đề chi phí cho tất cả các việc tổ chức, xây dựng theo đề án này.

Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị? - 2

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - chủ trì hội nghị.

Nhiều đại biểu băn khoăn 4 thành phố vệ tinh cơ bản cũng là sáp nhập lại chính những quận huyện đã được tách ra từ chủ trương năm 1997. Vì thiếu kinh phí, mà nhiều cơ sở vật chất của một số nơi từ khi tách ra đến nay vẫn còn chưa có. Do đó, rất lo ngại về vấn đề này khi xây dựng mô hình mới. Một số đại biểu khác đưa ra câu hỏi việc phân quyền theo đề án có phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ nữa không?

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Lâm Thiếu Quân đề cập ngay đến lợi ích của người dân: “Tôi chưa thấy người dân được lợi gì trong đề án này? Tại sao không quan tâm hơn đến mong đợi hiện nay của người dân là gì và tìm cách giải quyết mong đợi đó trong đề án?”

TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, người được xem như một trong các kiến trúc sư trưởng của đề án - cho rằng để trả lời các câu hỏi trên, cần nhớ lại bối cảnh năm 2001.

“Vào lúc đó, TP.HCM đã đứng trước áp lực phải phát triển kinh tế, xã hội để có thành quả đóng vào 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng tài sản quốc gia vậy mà không có được bất cứ một cơ chế nào để tự chủ về ngân sách. Cần làm cái gì cũng chỉ toàn đi xin thôi. Mô hình chính quyền đô thị được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích của dân làm mục tiêu chính với cơ chế thành phố phải là nơi dự toán ngân sách chứ không đi xin ngân sách nữa”, ông nói.

Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị? - 3

TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, người được xem như một trong các kiến trúc sư trưởng của đề án chính quyền đô thị.

Theo ông Lịch, chính quyền đô thị sẽ mang đến cho người dân một nền hành chính lấy lợi ích của dân là chính. Tư tưởng xây dựng siêu đô thị lớn TP.HCM thành 5 thành phố mang ý nghĩa chia nhỏ hơn để dễ quản lý. Công chức của quận phường nội thành là công chức của thành phố trung tâm còn công chức của các phường thành phố vệ tinh là công chức của thành phố vệ tinh đó. Như thế, hiệu quả công vụ hành chính cho dân sẽ cao hơn khi giảm trung gian theo phân chia công vụ 3 cấp như hiện nay.

Quan trọng hơn, các chính quyền này tập trung lo phúc lợi đô thị cho người dân bằng cơ chế tự chủ tài chính do HĐND của mình quyết định. Khi đó, tạo ra cơ chế cạnh tranh, chính quyền cơ sở nào có vòng ngân sách tự chủ lớn thì địa vị pháp lý lớn, tùy theo năng lực tài chính của mình. Theo ông Lịch, được như vậy, thì giải quyết bất cứ vấn đề gì ở chính quyền cơ sở đều sẽ nhanh hơn vì được tự chủ.

Vướng đến 102 luật, quy định hiện hành

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, đại biểu Lâm Thiếu Quân nhận xét tinh thần đề án là rất tốt để có thể giải quyết nhiều bất cập hiện tại của thành phố. Tuy nhiên, đề án thiếu rất nhiều căn cứ khoa học.

“Chúng tôi yêu cầu ban soạn thảo đề án phải chứng minh được bằng con số trong thực tiễn rằng chính quyền đô thị hữu ích hơn mô hình cũ cái gì, hoạt động hiệu quả hơn cái gì? Lợi ích cũng phải tính được bằng chi phí, tính bằng công sức của người dân. Hiện đề án mới chỉ đặt ra các mục tiêu chung thôi chứ chưa chứng minh được bằng con số cụ thể”, ông Quân nói.

Đặc biệt, cũng theo ông Quân, đề án hiện vướng đến 102 bộ luật và nghị định hiện hành. Do đó, tính khả thi rất thấp.

“Tôi thấy Hiến pháp mới vẫn chưa được quyết xong, chắc chắn khi Hiến pháp mới đưa ra cơ cấu tổ chức HĐND và chính quyền dân cử ở các cấp thì lúc đó chúng ta sẽ phải sửa hoàn toàn đề án. Hơn nữa, trong dự thảo đề án đã liệt kê sẽ vướng hơn 100 luật, nghị định. Đặt trường hợp dẫu cho Quốc hội có cho thành phố một cơ chế ưu đãi nào đó để thực thi đề án này thì cũng phải sửa luật. Hơn 100 luật, nghị định thì đợi đến bao giờ mới sửa xong?”, ông Quân cho biết.

Hai bộ luật vướng nhiều nhất hiện nay là luật tổ chức HĐND và luật về ngân sách.

Trước băn khoăn của đại biểu, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định lại trọng tâm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM là có tự chủ để tăng trưởng và phục vụ nhân dân tốt hơn. Bà yêu cầu, đề án phải cam kết dù đi theo mô hình nào đi chăng nữa, thì đóng góp của TP.HCM cho cả nước là không những không giảm mà trái lại tăng hơn hiện tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Ngọc (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN