Người dân có sợ phiền toái với CMND mẫu mới?

Việc cho phép giữ lại CMND mẫu cũ (9 số) cắt góc sẽ giúp công dân sử dụng CMND mẫu mới (12 số) giao dịch thuận tiện.

Một số ý kiến bạn đọc băn khoăn về việc mang CMND mẫu mới (12 chữ số) có gặp phiền toái khi giải quyết thủ tục liên quan đến những giao dịch cũ. Chúng tôi đã liên hệ với Tổng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và các ngân hàng, nơi điển hình thường xuyên xảy ra giao dịch phải sử dụng CMND.

CMND cũ cắt góc sẽ giải quyết vướng mắc

Đại tá Phùng Đức Thắng (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng Cục VII - Bộ Công an) cho biết, sau thời gian cấp CMND mẫu mới, người dân phản ánh gặp một số khó khăn liên quan như khám chữa bệnh, gửi tiền, vay vốn ngân hàng… Vì vậy, mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BCA để tháo gỡ vướng mắc cho người dân.

Đại tá Thắng cho hay, theo Thông tư, khi đổi CMND cũ sang CMND mới, công dân sẽ được giữ lại CMND cũ cắt góc. Nếu CMND cũ còn rõ nét, cán bộ làm thủ tục cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm. Sau đó ghi vào hồ sơ và trả CMND đã dược cắt góc cho công dân. Với CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét, cán bộ làm thủ tục thực hiện tương tự nhưng cấp kèm theo giấy xác nhận số CMND.

Việc cắt góc CMND là của cán bộ công an. Công dân không được tự ý cắt góc CMND cũ. CMND đã cắt góc chỉ sử dụng để xác nhận số CMND cũ giúp giải quyết giao dịch của công dân trước khi đổi CMND mới. CMND cũ đã bị cắt góc không có giá trị sử dụng nên không có thời điểm hết hiệu lực.

Trong mọi trường hợp, nếu công dân có nhu cầu, cơ quan công an vẫn cấp Giấy xác nhận số CMND cũ. Việc này sẽ được thực hiện từ ngày 16/6/2014.

Người dân có sợ phiền toái với CMND mẫu mới? - 1

Chứng minh nhân dân mẫu mới

Chúng tôi đặt câu hỏi về những trường hợp đã mất CMND cũ (9 số), Thiếu tướng Trần Văn Vệ (Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục VII - Bộ Công an) cho biết, cơ quan công an có thể xác minh và cấp giấy chứng nhận về số CMND cũ cho họ. Công dân phải tự có trách nhiệm bảo quản giấy chứng nhận này để phòng sau này phải giải quyết những giao dịch cũ.

"Đây chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng cơ quan cấp CMND đều có thể giải quyết được hết." - Tướng Vệ nói.

Ngân hàng không yêu cầu giấy xác nhận

Đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, để giúp khách hàng giao dịch bằng CMND mẫu mới thuận tiện, ngân hàng này đã có hướng dẫn cụ thể. Khi giao dịch tại Vietinbank, khách hàng chỉ cần xuất trình CMND mới, không yêu cầu xuất trình “giấy xác nhận về số CMND cũ” của cơ quan công an.

Khi được hỏi về cách giải quyết trường hợp gửi tiền bằng CMND cũ (9 chữ số), nay rút tiền bằng CMND mẫu mới (12 chữ số), đại diện Vietinbank cho biết, Ngân hàng vẫn thực hiện mọi thủ tục bình thường theo quy định hiện hành. Khách hàng xuất trình sổ/ thẻ tiết kiệm, CMND mới và giấy xác nhận thông tin CMND cũ (nếu có – VietinBank không yêu cầu).

Nhân viên Vietinbank sẽ rà soát chữ ký, mẫu dấu (nếu có) trên các chứng từ giao dịch của khách hàng, đảm bảo khớp đúng với hồ sơ giấy của khách hàng đang quản lý tại Ngân hàng; Đối chiếu, kiểm soát các thông tin khác của khách hàng trên CMND mới với hồ sơ của khách hàng đang quản lý tại Ngân hàng (họ tên, ngày sinh, nguyên quán…).

Đại diện Vietinbank cũng lưu ý, để hợp pháp hóa và thuận tiện cho các giao dịch tại ngân hàng, ngay khi khách hàng được cấp CMND mẫu mới, KH nên đến ngân hàng làm thủ tục cập nhật thông tin liên quan đến chủ tài khoản (thay đổi số CMND).

Cũng với câu hỏi tương tự, Đại diện Ngân hàng An Bình cho biết, khi làm thủ tục, khách hàng xuất trình CMND mới (12 chữ số) và CMND cũ (9 chữ số) bị cắt góc. CMND cũ (9 chữ số) không có giá trị pháp lý nhưng dùng làm căn cứ đối chiếu thông tin khách hàng đã đăng ký ban đầu tại ngân hàng.

Nhân viên ngân hàng sẽ kiểm tra thông tin CMND cũ (9 chữ số) bị cắt góc phía trên bên phải khớp đúng các thông tin đã đăng ký tại ABBANK; Hình ảnh khách hàng và được đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, nhân viên đối chiếu các thông tin của CMND mới (12 chữ số) khớp đúng tương đối với CMND cũ (9 chữ số) nhằm tránh giả mạo CMND.

Trong trường hợp không có CMND cũ cắt góc, khách hàng trình CMND mới (12 chữ số) và giấy xác nhận số CMND cũ. Nhân viên ngân hàng cũng kiểm tra thông tin giấy xác nhận số CMND cũ và thực hiện các bước tương tự.

Đại tá Phùng Đức Thắng cho hay, đến nay, Tổng Cục Cảnh sát QLHC về TTATXH đã cấp CMND mẫu mới cho toàn Hà Nội và đang lắp đặt thiết bị, tích hợp, chạy thử hệ thống cấp CMND mẫu mới cho Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình.

Sau khi cấp xong ở các tỉnh thành này, Tổng Cục VII tiếp tục triển khai ra 10 địa phương tiếp theo. Trong đó có 7 tỉnh miền Bắc gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, và 3 tỉnh, thành miền Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh. Dự kiến đến đầu năm 2015 sẽ hoàn thành.

Đại tá Phùng Đức Thắng cho biết, hiện nhiều người lầm tưởng số CMND (12 chữ số) là số định danh cá nhân. Nhưng thực chất không phải. Số định danh cá nhân gồm 12 số được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam và gắn với người đó từ khi sinh ra cho đến khi chết, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, những dữ liệu khác về công dân.

Còn số CMND mới có 12 số, được cấp cho công dân khi làm thủ tục cấp CMND, mỗi công dân được sử dụng một số duy nhất cho đến khi chết và không cấp lại cho người khác. Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định về số định danh cá nhân và lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ ký ban hành. Trong Dự thảo, Bộ Công an đề xuất sử dụng số CMND (12 số) để làm số định danh cá nhân. Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, số CMND (12 số) chính là số định danh cá nhân. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN