Người dân chạy đua với bão số 9 từ nỗi ám ảnh 12 năm trước
Cũng vào khoảng thời gian này, cơn bão Durian xảy ra năm 2006 đã gây thiệt hại khủng khiếp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Bão số 9 (có tên quốc tế là Usagi) được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành từ Bình Thuận đến Bến Tre trong tối 24 - rạng sáng 25/11. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài biển đang có gió to sóng lớn, còn trong đất liền chỉ có gió nhẹ và trời mát mẻ, thỉnh thoảng hửng nắng.
Còn nhớ mãi sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 9 (Durian) cách đây 12 năm cũng vào khoảng thời gian này, người dân sống ở vùng ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khá lo lắng, ra sức chằng chống nhà cửa và neo đậu tàu thuyền trước khi cơn bão số 9 của năm 2018 đổ bộ vào.
Tại cảng Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), không chỉ tàu thuyền của tỉnh này mà còn có nhiều tàu thuyền của các tỉnh lân cận neo đậu trú bão.
Một ngư dân đang kéo dây gia cố tàu.
Bà Tư (51 tuổi, áo sọc đỏ) đang ngồi tại cảng Bình Châu chờ tàu của chồng là ông Trung (56 tuổi) trở về. Theo bà Tư, ông Trung đi tàu một mình ở gần bờ và sẽ kịp trở về cảng an toàn.
Các căn nhà ven biển đang được người dân ra sức chằng chống trong sáng 24/11.
Một người dân ở cảng Bình Châu đang lấy cát biển bỏ vào bao để chằng mái nhà.
Vợ chồng ông Kim Hùng và bà Võ Thị Xô (cùng 60 tuổi) đang cùng nhau kéo dây chằng lại mái nhà.
“Bão này chẳng không kinh khủng như hồi bão số 9 năm 2006 đâu nhưng cứ chằng lại cho an toàn. Nhà tôi dùng dây níu với lại và đặt các can nước lên trên chứ không dùng bao cát. Bỏ cát lên rồi tới khi bão qua thì cát nó cứ bay lung tung”, bà Xô nói.
Một số hộ dân khác vừa sử dụng dây vừa sử dụng những khúc gỗ to, nặng để gia cố mái nhà.
Cũng trong sáng 24/11, hàng chục cán bộ biên phòng xã Bình Châu đã ra cảng hỗ trợ người dân neo đậu tàu thuyền.
Một nhóm bộ đội biên phòng xã Bình Châu lên thuyền ra khơi thông báo, kêu gọi tàu thuyền còn đang ngoài khơi nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ở một số nơi khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn nhiều khối cát cho người dân xúc vào bao, mang về chằng mái nhà.
Những cây xanh có nguy cơ gãy đổ trong bão cũng đã được cưa bớt.
Ngoài biển Bà Rịa - Vũng Tàu, sóng đang vỗ từng cơn rất mạnh, tạo bọt trắng xóa. Mặt nước biển cũng có màu khác thường do ảnh hưởng của bão số 9.
Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận tới Bến Tre với cấp 7 đến cấp 8.
Theo bản tin 11h ngày 24/11 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 24/11, vị trí tâm bão số 9 (Usagi) ở đang cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (tức 75 - 100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 22h ngày 24/11, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7 - 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. |
Tại Bình Thuận, sóng tại vùng ven biển dâng cao khoảng hơn 2m. Người dân ở các chòi canh, nơi nuôi trồng thuỷ hải sản...