Người dân Cần Thơ chạy đua mua gạch xây tường chắn triều cường

Sự kiện: Tin nóng

Nhiều người dân Cần Thơ đang bị cuốn theo vòng xoáy của triều cường với đủ thứ phiền toái trong cuộc sống…

Xây, rồi đập

Ngày 6/11, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, cho biết mực nước triều cường trên sông, rạch tại TP Cần Thơ đang bắt đầu lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng 10 âm lịch.

Một khu vực bị ngập nặng ở quận Ninh Kiều.

Một khu vực bị ngập nặng ở quận Ninh Kiều.

Dự báo, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch tại TP Cần Thơ tiếp tục lên cao trong những ngày tới. Mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vào sáng 6/11 là 2,09m (cao hơn mức báo động 3).

Các khu vực trũng thấp, đường giao thông có cốt nền thấp tại quận nội ô Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng tiếp tục bị ngập do triều cường. Trong những ngày giữa tháng 10 âm lịch (từ nay đến 11/11), mực nước triều cường vào buổi sáng sẽ lên cao hơn mực nước triều vào buổi chiều…

Thông tin triều cường lại lên cao đã khiến người dân ở quận Ninh Kiều cuống cuồng mua gạch, xi măng về xây “đê” chống ngập.

Mỗi lần triều cường lên cao, người dân lại rục rịch mua gạch, xi măng về xây tường chắn nước.

Mỗi lần triều cường lên cao, người dân lại rục rịch mua gạch, xi măng về xây tường chắn nước.

Chủ quán cà phê Hiền (ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao với Đồng Khởi, phường Tân An) cho biết: “Đợt triều cường vừa qua, nó tràn vào trong quán gây đảo lộn mọi thứ. Hết cách tui đành cho xây bục chặn nước lại. Ban đầu tui xây 2 ô gạch, nhưng nước vẫn tràn qua, nên phải xây thêm 1 ô nữa”.

Ghi nhận tại tuyến đường dọc theo khu vực hồ Búng Xáng (phường An Khánh), mỗi lần triều cường lên cao là các dãy nhà dân, hàng quán... đều bì bõm nước.

Một hộ dân cho xây tường chắn nước rất cao để ngăn nước.

Một hộ dân cho xây tường chắn nước rất cao để ngăn nước.

Nhân viên tại quán trà sữa Phúc Tea cho biết: “Một năm ít nhất 3 lần quán phải mua gạch, xi mặng về xây bục chống ngập. Khi triều cường đi qua, nước rút thì lại đập bỏ. Số tiền bỏ ra tuy không lớn (chỉ vài trăm ngàn đồng), nhưng nó khiến người dân mệt mỏi và phiền toái”.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, tình trạng ngập ở Cần Thơ, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, sự điều tiết của nước lũ thượng nguồn… còn có nguyên nhân do hệ thống thoát nước cũ kỹ, lạc hậu không đảm bảo tải lưu lượng, nhất là khi mưa lớn kéo dài.

Những bức tường chắn nước như thế này cứ xây dựng rồi lại đập bỏ, khiến người dân mệt mỏi với đủ thứ phiền toái.

Những bức tường chắn nước như thế này cứ xây dựng rồi lại đập bỏ, khiến người dân mệt mỏi với đủ thứ phiền toái.

Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt Cần Thơ đã dồn lực triển khai gói thầu CT3-PW1.11, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước của 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Tuy nhiên, điều này đã đẩy người dân vào “cuộc đua” nâng nền nhà vì mặt đường mới cải tạo đã cao hơn rất nhiều.

Ghi nhận tại các tuyến đường vừa được nâng cấp, cải tạo như đường Trần Phú (phường Cái Khế), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh)…; rất nhiều nhà dân đã thấp hơn mặt đường.

Anh Huỳnh Tấn Triển (56 tuổi, chủ quán bán cơm tấm trên đường Nguyễn Văn Cừ) cho biết: "Trước đây, con lộ này ngập rất dữ. Bây giờ đường được nâng cấp với cao độ tăng 50cm so với mặt đường cũ, và nhà tui bị lọt thỏm xuống dưới vì thấp hơn mặt đường mới.

Lo ngại mùa mưa hoặc triều cường nước sẽ tràn vào nhà, không thể kinh doanh mua bán. Hết cách, tui đành phải kêu thợ đến nâng nền nhà lên 50 cm, tốn kém cả trăm triệu đồng”.

Chạy vòng vòng chống ngập

Theo các chuyên gia, qua khảo sát thực tế cho thấy, tại các khu vực ngập nặng ở Cần Thơ, người dân thường chọn giải pháp như nâng nền nhà, xây bậc thềm hoặc tường chắn nước, sử dụng vật liệu chống thấm… Trong số đó, nâng nền nhà là lựa chọn phổ biến hơn cả.

Mỗi lần nâng nền các hộ dân thường xét đến chênh lệch cao độ giữa nền nhà với mặt đường hoặc vỉa hè trước nhà để xác định cao độ cần nâng.

Nhiều tuyến đường ở Ninh Kiều được nâng cấp, với cao độ mặt đường cao hơn trước từ vài chục cm, buộc người dân phải chạy đua nâng nền nhà.

Nhiều tuyến đường ở Ninh Kiều được nâng cấp, với cao độ mặt đường cao hơn trước từ vài chục cm, buộc người dân phải chạy đua nâng nền nhà.

Tuy có hiệu quả nhất định, nhưng việc nâng nền nhà cũng mang lại nhiều rắc rối. Cụ thể, khi nâng nền bao nhiêu thì chiều cao từ nền đến tầng trệt sẽ bị rút ngắn bấy nhiêu, gần như phá vỡ bố cục không gian ban đầu và gây cảm giác ngột ngạt, tù túng cho người sử dụng.

Thêm vào đó, khi nâng nền nhà sẽ tạo ra sự chênh lệch cao độ giữa nền nhà và điểm giao thông tiếp giáp trên vỉa hè. Dẫn đến việc bắt buộc người dân phải xây thêm bậc thang hoặc bậc tam cấp để đi lại, dắt xe ra vào.

Trong số này, có rất nhiều bậc tam cấp được xây dựng tùy tiện, chắn luôn cả hệ thống thoát nước, cản trở lưu thông, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

"Trong bối cảnh các biện pháp chống ngập đang trong tình trạng "tiền đổ xuống, nước dâng lên", việc quản lý, điều hành của các ban ngành thành phố nên linh hoạt, kế thừa kinh nghiệm sống chung với con nước của người dân Nam Bộ từ bao đời nay.

Biết cách xoay xở, thích ứng tốt trước khó khăn hiện tại để giảm thiểu thiệt hại cho người dân là phẩm chất cần có của chính quyền trước khi nói đến tham vọng xây dựng những thành phố thông minh, sáng tạo", tiến sĩ Kinh tế, thạc sĩ Luật học - Trần Hữu Hiệp, người dân Cần Thơ, nói vậy.

Trước mắt, theo ông, để khắc phục, bên cạnh chi tiền chống ngập, cần chuyển từ tư duy chống ngập triệt để sang điều tiết nước linh hoạt, với các tính toán khoa học và thực tế, đồng thời thích ứng bằng cách điều chỉnh lịch làm việc, thời gian đi lại.

Clip ngập tỉnh lộ 923 xuyên qua vùng nông thôn ở huyện Phong Điền, quận Ô Môn (Cần Thơ):

Nguồn: [Link nguồn]

TP HCM đối mặt với triều cường có thể lên đến 1,7 m

Đỉnh triều đo được tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên đến 1,73 m, vượt báo động 3. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 5 đến 7 giờ và từ 17 đến 19 giờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN