Người dân bắt đầu có hộ chiếu vắc-xin
Hiện có 19 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam và người mang hộ chiếu vắc-xin của các quốc gia này sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc-xin ở nước sở tại
Từ ngày 15-4, Bộ Y tế bắt đầu cấp đồng loạt hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Thời hạn của hộ chiếu vắc-xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp.
Gần nửa triệu người đã có hộ chiếu vắc-xin
Anh Vũ Minh C., ngụ tại TP Hà Nội, cho biết cách đây ít ngày khi truy cập ứng dụng PC-Covid, anh đã nhận được thông tin về hộ chiếu vắc-xin được hiển thị với mã QR. Theo anh C., trong số 3 mũi vắc-xin, có 2 mũi được tiêm tại Bệnh viện Bạch Mai và 1 mũi được tiêm tại Bệnh viện E Trung ương. Trong khi đó, cùng tiêm 3 mũi vắc-xin ở một bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn TP Hà Nội, chị Trần Ngọc A. cho biết khi truy cập ứng dụng, chị nhận được thông báo "PC-Covid chưa nhận được thông tin về hộ chiếu vắc-xin của bạn từ Bộ Y tế".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết những ngày qua, Bộ Y tế đã bắt đầu ký xác nhận kết quả tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của cơ sở gửi lên hệ thống. Đến thời điểm này, khoảng 500.000 người đã có xác nhận hộ chiếu vắc-xin trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid. Hiện các địa phương và cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng đang xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số trước khi chuyển dữ liệu lên hệ thống để Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế xác nhận hộ chiếu vắc-xin cho người dân.
Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại một cơ sở y tế ở TP Hà Nội
Tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) - một trong những cơ sở có số lượng mũi tiêm vắc-xin Covid-19 cao với trên 300.000 mũi - thông tin của người tiêm đã được cập nhật trên phần mềm tiêm chủng quốc gia và hiển thị trên ứng dụng PC-Covid. Tuy nhiên, theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình cập nhật thông tin cũng gặp nhiều khó khăn như sai số căn cước công dân, địa chỉ, mỗi mũi tiêm lại sử dụng một số điện thoại...
Giải thích về việc đến nay nhiều người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin, thông tin được cập nhật đầy đủ trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid nhưng hiện vẫn chưa thấy hộ chiếu vắc-xin, ông Duy cho biết nhiều địa phương và cơ sở tiêm chủng còn chậm trễ trong việc xác nhận thông tin người tiêm bằng chữ ký số.
19 nước công nhận
Bộ Y tế cho biết hộ chiếu vắc-xin gồm 11 thông tin gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vắc-xin... Thông tin được hiển thị bằng mã QR để bảo mật, tránh lộ, lọt thông tin cá nhân. Thời hạn của hộ chiếu vắc-xin là 12 tháng kể từ ngày cấp, khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Cũng theo ông Duy, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc-xin mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm. Quá trình này được thực hiện do các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng là đầu mối để ký số. "Dữ liệu tiêm của người dân sẽ được ký 2 lần. Lần thứ nhất sẽ ký tại địa phương, tại các cơ sở tiêm chủng để xác nhận các thông tin này chính xác, bảo đảm tính pháp lý, quyền lợi của người dân. Sau đó dựa trên các dữ liệu tiêm đã được ký số của địa phương, Bộ Y tế sẽ ký số xác nhận hộ chiếu vắc-xin cho người dân" - đại diện Cục Công nghệ Thông tin giải thích.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế - Cục Công nghệ thông tin, cho biết hộ chiếu vắc-xin điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.
Theo đại diện của Bộ Ngoại giao, người mang hộ chiếu vắc-xin được Việt Nam và các nước công nhận, sẽ áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc-xin sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận. Hộ chiếu vắc-xin được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực... Hiện 19 nước đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam.
Từ ngày 15-4, Bộ Y tế bắt đầu cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân. Nếu các thông tin tiêm chủng thiếu, sai sót người dân sẽ chưa được cấp hộ chiếu vắc-xin.
Nguồn: [Link nguồn]