Người đàn bà “điên” dành cả thanh xuân để thương người mắc bệnh chân, tay cụt dần

Bà không lập gia đình, bỏ nghề giáo viên đi học làm y tá để về chăm sóc cho những người mắc bệnh phong (hủi) ở trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh).

Bỏ nghề giáo vào trại phong chăm sóc người bệnh

Trại phong Quả Cảm xưa nay trở thành Khoa phong của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh (xã Hòa Long, huyện Yên Phong). Trại được xây từ năm 1913, từng là nơi chữa trị, sinh sống của gần 300 người bệnh. Trải qua hơn 100 năm, hiện Khoa phong chỉ còn 79 người vẫn đang sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Xuân, người đã dành cả thanh xuân của mình để chăm sóc, lo lắng cho những người từng bị xã hội hắt hủi, xa lánh.

Bà Nguyễn Thị Xuân, người đã dành cả thanh xuân của mình để chăm sóc, lo lắng cho những người từng bị xã hội hắt hủi, xa lánh.

Đến trại phong Quả Cảm, người ta sẽ không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1957, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Bà được coi như “linh hồn” của trại phong. Người đã dành cả thanh xuân của mình để chăm sóc, lo lắng cho những người từng bị xã hội hắt hủi, xa lánh.

Quả thực, bà quả cảm như chính cái tên của trại phong vậy. Mọi người còn hay gọi bà là Sơ Xuân vì bà theo đạo Thiên chúa giáo. Trước khi đến với trại phong Quả Cảm, bà Xuân là giáo viên mầm non ở quê nhà.

Bà kể, một lần, bà đến nhà thờ Bắc Ninh và được nghe mọi người nói về những người phong, hồi ấy, mọi người vẫn gọi là người hủi. Bà chỉ biết những bệnh nhân phong là những người rất vất vả, thiếu thốn… thế nhưng chưa hình dung ra được người bệnh thế nào.

Sau đó, bà tình cờ đọc một cuốn sách "Lạc quan trên miền thượng", viết về một linh mục công giáo của Pháp khi đến Việt Nam đã lập ra một trại phong ở Di Linh (Lâm Đồng). Trong thâm tâm bà nghĩ, người ta là người Pháp mà còn sang Việt Nam giúp người phong, còn mình thì không làm được gì.

Các bệnh nhân phong người cụt chân, người cụt tay, ngón chân, ngón tay co quắp… khiến bà bàng hoàng, xót thương.

Các bệnh nhân phong người cụt chân, người cụt tay, ngón chân, ngón tay co quắp… khiến bà bàng hoàng, xót thương.

Trong lòng luôn canh cánh suy nghĩ ấy, bà Xuân quyết định tìm đến trại phong và bà chọn Quả Cảm vì cùng tỉnh. Bà đi để tận mắt chứng kiến những người mắc bệnh phong sống như thế nào.

Lần đầu đến trại phong Quả Cảm, xuất hiện trước mắt bà là những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ. Các bệnh nhân phong người cụt chân, người cụt tay, ngón chân, ngón tay co quắp… khiến bà bàng hoàng, xót thương.

Trong chuyến thăm trại phong Quả Cảm lần đầu tiên ấy, bà Xuân thấy một cụ ông quê Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) ốm rất nặng. Nhưng chỉ một tuần sau bà quay lại, cụ ông đó đã ra đi.

Một đám tang không kèn, không trống, không có người thân, họ hàng đưa tiễn. Họ về với thế giới bên kia một cách âm thầm như chưa từng xuất hiện trên thế gian vậy. Điều ấy khiến bà Xuân đau xót, thôi thúc bà phải làm điều gì đó để giúp đỡ những người bệnh đang còn sống.

Nghĩ là làm, bà Xuân có một quyết định “điên rồ”. Bà nghỉ làm giáo viên và xin vào trại phong Quả Cảm để chăm sóc, giúp đỡ những người bệnh phong.

“Đi làm giáo viên cũng cơm một ngày 2 bữa, lên đây cũng cơm một ngày 2 bữa mà lại có thể giúp đỡ được những người cô độc và khốn khổ thế này thì đáng lắm chứ.

Người thân, họ hàng bảo tôi điên nhưng cũng đúng, tôi “điên” thật. Mình bị “điên” nên mới bỏ nhà vào trại phong, bị “điên” nên mới thương những người bị xã hội xa lánh. Nhưng chẳng ai ngăn cản được quyết định của tôi”, bà Xuân chia sẻ.

Học y tá, tự làm chân giả cho bệnh nhân

Năm 1987, bà Xuân khăn gói xin vào làm tại trại phong Quả Cảm. Khi ấy, bà vừa tròn 30 tuổi. Cả ngày, bà tất bật với công việc phục vụ, dọn dẹp, cơm nước… cho các bệnh nhân phong. Cứ thế, bà bị cuốn vào công việc khiến bà chẳng còn màng chuyện chồng con.

Bà Xuân nghiên cứu làm chân giả cho bệnh nhân

Bà Xuân nghiên cứu làm chân giả cho bệnh nhân

Một người con gái đang độ tuổi thanh xuân, từ bỏ một công việc được nhiều người kính nể để vào làm ở trại phong khiến nhiều người không khỏi hoài nghi. Ngay cả chính những người ở trại phong khi đó cũng cảm thấy bất ngờ về việc làm của bà Xuân.

Thế nhưng, sau một năm dài đằng đẵng, bà Xuân vẫn miệt mài làm công việc giống như tạp vụ, chăm sóc các bệnh nhân phong. Mọi người đã hiểu được tấm chân tình của bà.

Thấy bà Xuân làm việc không màng chút lợi ích nào, Giám đốc trại phong khi ấy đã đề nghị bà đi học lấy bằng y tá về sẽ nhận vào làm nhân viên của trại. Bà Xuân cũng rất sẵn sàng.

Người đàn bà “điên” dành cả thanh xuân để thương người mắc bệnh chân, tay cụt dần - 4

Năm 1988, bà Xuân vào trại phong Quy Hòa (Bình Định) để học làm y tá. Kết thúc khóa học, bà làm đơn xin làm nhân viên của trại phong Quả Cảm. Thế nhưng, Sở Y tế Hà Bắc khi ấy chưa chấp nhận ngay vì nghi ngờ trước sự chuyển việc kỳ lạ của bà Xuân.

“Chắc họ nghĩ chẳng có ai lại tình nguyện đi vào trại hủi làm việc cả. Do đó, họ phải điều tra xem tôi là người như thế nào, có mục đích gì trước khi tiếp nhận. Mãi đến tháng 3/1992, tôi mới chính thức trở thành y tá của trại phong Quả Cảm”, bà Xuân nói.

Với những chiếc chân giả, bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn

Với những chiếc chân giả, bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn

Hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, chứng kiến nhiều người cụt chân phải tự làm chân giả bằng các ống gỗ, ống tôn… đi lại khó khăn và xước xát hết chân, bà Xuân lại nảy sinh ra ý tưởng mới. Bà muốn làm chân giả để người bệnh đi lại dễ dàng hơn.

Năm 1992, bà đề xuất với trại phong cho vào trại phong Bến Sắn (Bình Dương) học làm chân giả. Sau đó trở về, trại phong hỗ trợ bà thành lập Phòng Chức năng chỉnh hình - nơi chuyên làm các dụng cụ để hỗ trợ bệnh nhân. Những chiếc chân giả do tự tay bà đo và làm cho các bệnh nhân vừa vặn hơn, nhẹ hơn nên di chuyển cũng thuận lợi hơn.

Bà Xuân tự đo và đóng từng đôi dép cho các bệnh nhân

Bà Xuân tự đo và đóng từng đôi dép cho các bệnh nhân

Tiếp đó, đến năm 1999, bà đi học sửa chữa giày dép. Bà tự đo và đóng từng đôi dép cho các bệnh nhân. Người mắc bệnh phong có người thì cụt hết ngón chân, có người thì ngón co quắp nên để đóng được một đôi dép vừa chân là cả một quá trình gian nan. Thế nhưng vì bệnh nhân phong, không việc gì mà bà Xuân không làm được.

Người mắc bệnh phong có người thì cụt hết ngón chân, để đóng được một đôi dép vừa chân là cả một quá trình gian nan.

Người mắc bệnh phong có người thì cụt hết ngón chân, để đóng được một đôi dép vừa chân là cả một quá trình gian nan.

Đến năm 2012, sau 25 năm làm việc, người đàn bà “điên” năm nào đã đến tuổi nghỉ hưu. Thấy mình vẫn còn sức khỏe, vẫn muốn “đồng cam cộng khổ” với các bệnh nhân phong, bà Xuân làm đơn xin ở lại làm việc tại trại phong Quả Cảm.

Chữ "thương" nặng hơn chữ "sợ"

Bà Xuân tâm sự: “Lần đầu lúc mới tiếp xúc với các bệnh nhân phong, nhìn những ngón tay, bàn chân co quắp, cụt ngủn… sợ chứ, nhưng chữ "thương" nặng hơn chữ "sợ". Thương họ bệnh tật, tuổi già ở đó không có người thân chăm sóc. Nghĩ đến họ cũng như bố mẹ mình, đang chờ người chăm sóc nên tôi chẳng còn e ngại”.

Cả tuổi thanh xuân của bà Xuân đã gắn liền với trại phong và những bệnh nhân phong ở trại phong Quả Cảm.

Cả tuổi thanh xuân của bà Xuân đã gắn liền với trại phong và những bệnh nhân phong ở trại phong Quả Cảm.

Cái mùi ám ảnh bà Xuân nhất có lẽ là mùi thịt thối. Bà bảo, hầu hết các bệnh nhân phong có vết thương hở, lở loét, có người nhiễm trùng nên mùi thịt thối rất ghê rợn. Y tá như bà Xuân thường xuyên phải tiếp xúc với các vết thương ấy, phải mất cả tháng trời bà mới quen với cái mùi xú khí ấy.

Không chỉ giúp đỡ người bệnh phong trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe, bà Xuân còn làm cầu nối để giúp cho nhiều bệnh nhân phong đến với nhau, kết nghĩa phu thê.

Bà Xuân còn đích thân đứng ra mượn đất của bệnh viện, cất những “tổ ấm” cho nhiều đôi vợ chồng, cấp vốn làm ăn cho nhiều gia đình. Chính vì thế, nhiều người con của các cặp bố mẹ mắc bệnh phong đã trưởng thành, trở thành giáo viên, bác sĩ…

Cả tuổi thanh xuân của bà Xuân đã gắn liền với trại phong và những bệnh nhân phong ở trại phong Quả Cảm. Bà không nghĩ mình thiệt thòi vì cho rằng, các bệnh nhân còn thiệt thòi hơn. Ở cái tuổi ngoài 60 tuổi, bà Xuân chẳng còn những ao ước hay mong muốn cho riêng mình.

Bà bảo: “Giờ tôi chỉ mong được ở lại Khoa phong này đến cuối đời. Được sống, được làm việc và cùng chia sẻ ngọt bùi với các bệnh nhân, thế là đủ rồi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Người phụ nữ khốn khổ sống cô độc trong khu nhà bỏ hoang giữa rừng

Là một trong những bệnh nhân đầu tiên đến với trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội), trải qua hơn nửa thế kỉ, chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Hoàn Như ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN