Người đàn bà cưu mang bệnh nhân HIV

Hơn hai năm kể từ khi mở mái ấm tình thương để nhận nuôi bệnh nhân bị nhiễm HIV, không ít lần bà phải nghe những lời thị phi, dè bửu, thậm chí xa lánh của những người cùng khu phố.

Bà Đỗ Thị Quý (57 tuổi ở khu phố 6, thị trấn Củ Chi, Củ Chi, TP. HCM) hơn 2 năm nay đã làm cái việc khác người là lập ra mái ấm tình thương, chăm sóc những bệnh nhân HIV. Bà Quý bảo, cơ duyên khiến mình nảy sinh ý định làm việc này từ khi người con cả của bà bị nghiện dù năm lần bảy lượt đi cai mà vẫn tái nghiện. Đến khi có một người bên Australia về nước gặp và giúp đỡ thì con bà đã cai nghiện thành công. Cảm phục tấm lòng của ân nhân đã giúp đỡ, lại nghĩ đến những lần đưa con đi cai nghiện bà đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương khi vừa nghiện vừa bị nhiễm HIV nên bị gia đình xa lánh khiến trong suy nghĩ của bà bật lên một ý tưởng đó là mình phải làm gì đó để giúp những con người bất hạnh này.

Hình ảnh những người bất hạnh cứ luẩn quẩn trong đầu bà suốt một thời gian khiến bà quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình thật nhanh. Nghĩ là làm, bà đã tìm hiểu về căn bệnh HIV và được biết căn bệnh này cũng không dễ bị lây như mọi người lầm tưởng. Vì vậy bà đã đưa về nhà hai bệnh nhân và cho sống chung để giúp đỡ họ. Thời gian đầu, các con bà phản đối kịch liệt, tuy nhiên bà đã cố gắng phân tích, thuyết phục để các con mình chấp nhập. Sau một thời gian, khi hiểu ra tấm lòng của mẹ, các con bà đã quay lại ủng hộ việc làm hết sức nhân văn này của mẹ mình.

Người đàn bà cưu mang bệnh nhân HIV - 1

Bà Quý coi những bệnh nhân bị HIV như con đẻ của mình.

Ban đầu bà chỉ nghĩ sẽ giúp một vài người nhưng chẳng hiểu thế nào mà bệnh nhân tìm đến ngày càng nhiều, ngôi nhà chẳng mấy chốc đã quá chật chội không thể nhận thêm nên bà đã bàn bạc với các con chuyển xuống thị trấn Củ Chi để thuê địa điểm khác cho rộng rãi hơn. Khi mới chuyển về đây, bà và các thành viên trong mái ấm vấp phải sự kỳ thị xa lánh của những người dân cùng khu phố bởi họ sợ bị lây nhiễm. Còn chính quyền địa phương cũng đôi lần gây khó dễ với lý do lo ngại những thành viên mà bà nhận cưu mang trở lại con đường cũ gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Trước những áp lực đó nhiều lúc tưởng chừng bà đã suy sụp, nhưng mỗi khi nghĩ đến nếu giải thể thì những số phận này sẽ đi về đâu hay để họ quay lại còn đường cũ. Nếu điều đó xảy ra thì rất nguy hiểm, bởi theo bà một người bị bệnh HIV có tâm lý chán nản thì họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí là nguồn lây bệnh cho nhiều người khác. Chính vì điều đó mà bà đã ra sức thuyết phục để chính quyền địa phương thông cảm và tạo điều kiện để mái nhà tình thương được phép hoạt động.

"Ngày mới chuyển xuống đây mọi thứ thiếu thốn nhưng được cái mấy đứa nó cũng ngoan ngoãn đùm bọc lấy nhau và biết nghe lời, khi khỏe thì ngồi xâu hạt cườm thành túi để kiếm thêm thu nhập. Đến giờ dù vẫn phải đi thuê nhưng mọi thứ cũng tạm ổn", bà tâm sự.

Công việc thường ngày của bà là chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ cho từng người, coi họ như con. Nhưng cũng có khi do làm quá sức nên bà lâm bệnh, những lúc như vậy bà mới cảm nhận được tình cảm của những đứa con không ruột thịt dành cho mình. Một câu mẹ "cố lên", hai câu mẹ "cố lên", rồi phân công từng người chăm sóc cho bà. Cũng chính từ sự quan tâm ngược lại đó mà bà có cảm giác như mình khỏe nhanh hơn.

Hơn 2 năm đã trôi qua bà đang nhận nuôi và chăm sóc cho 15 bệnh nhân gồm cả nam và nữ mang căn bệnh HIV. Dù phải chịu nhiều điều tiếng và sự xa lánh của mọi người nhưng bà chưa bao giờ coi đây là công việc nhằm mục đích vụ lợi. Bà làm việc này bởi niềm vui và coi đó là như làm phúc, tích đức cho đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Minh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN