Người đàn bà chuyên chôn cất thai nhi
Gần 10 năm gắn bó với công việc ít ai dám nghĩ tới: Chôn cất thai nhi, và dù việc đã quá quen thuộc, nhưng chưa bao giờ cô thôi xót thương cho những sinh linh vội lìa đời. Cô là Nguyễn Thị Nhiệm - “mẹ” của những linh hồn bé nhỏ tại nghĩa trang thôn Đồi Cốc (Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, HN).
Ám ảnh...
Nói đến Đồi Cốc (tên khác là Bến Cốc), nhiều người vẫn xúc động trước sự hiện diện của khu nghĩa trang dành riêng cho các thai nhi sớm lìa đời được đưa về đây an táng. Nhưng ít ai biết rằng, những nấm mồ nhỏ bé đó đã được sự chăm chút thường xuyên của cô Nhiệm.
Cô Nhiệm là một trong những người đầu tiên vận động để mở rộng khu nghĩa trang như hiện nay và cũng chính cô là người đã đưa các hài nhi xấu số về nơi an nghỉ... Đã nhiều năm nay, ngày nào cô Nhiệm cũng ra nghĩa trang để khâm liệm và chôn cất các hài nhi.
Ngược dòng thời gian, cô kể chúng tôi nghe về duyên kiếp với nghề, khi cô mới hơn mười tuổi, những ấn tượng về các em bé bị bỏ rơi, trong đó, nhiều thai nhi chết yểu bị vứt đường, vứt chợ rất tội nghiệp khiến cô không thể cầm lòng. Đến giờ, cô là một thành viên chủ chốt của Nhóm Bảo vệ sự sống Bến Cốc (được thành lập năm 2007).
Cô Nhiệm
Người dân nơi đây cho biết, nghĩa trang có cách đây ít lâu, ban đầu chỉ là vài ngôi mộ nhỏ do một người đàn bà đắp lên. Về sau, họ mới biết, người đã lặn lội tới cổng bệnh viện nhặt xác trẻ mang về chôn tại đây chính là cô Nhiệm trong làng. “Cô ấy là người mở đầu cho những công việc này, từ đó tới nay, cả làng đều chung tay cùng cô Nhiệm” - ông Nguyễn Văn Thạo, người tham gia sáng lập Nhóm Bảo vệ sự sống Đồi Cốc - cho biết.
Nhớ lại chuyện này, cô Nhiệm bùi ngùi: “Một ngày, tình cờ cô đi chợ ở xóm bên cạnh. Ở bên đấy có người phát hiện một xác em bé ở ngay trên đường. Thấy thương quá nên cô đem về chôn. Nghĩ nhiều lắm, rồi cô quyết định chôn ở ngoài ruộng của nhà”. Vừa nói, cô vừa giở sổ, cho chúng tôi xem danh sách dài các trẻ được an nghỉ tại đây.
Không khí u buồn bao trùm nghĩa trang
Duyên nghiệp…
Kể về những ngày đầu đến với công việc lạ này, cô Nhiệm như sống lại với nỗi trăn trở xen lẫn sợ hãi ban đầu, cô nói: “Khi trông thấy các bé chết yểu không nguyên dạng cũng sợ lắm chứ! Nhưng thương các em, cô quên luôn cả sợ hãi”. Người phụ nữ ấy đã đến nhiều bệnh viện, để đón thi hài những đứa trẻ đoản mệnh. Cô Nhiệm đã trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ xấu số khi cô tìm cho mỗi đứa trẻ một cái tên rồi cùng bà con trong làng an táng cho chúng. Lúc đầu, khó khăn chồng chất, khi gia cảnh thì nghèo, mà người ta vẫn chưa biết hành động của cô. Có buổi đi xe buýt, cô bị đuổi xuống vì không có tiền. Nài nỉ mãi, cô mới được bác tài cho quá bộ. Rồi đến bệnh viện, cô cũng bị nghi làm việc xấu và họ yêu cầu cô phải trả tiền thì mới được mang hài nhi đi. Nhiều lần khó khăn, cô cũng định bỏ cuộc, nhưng thấy xác những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, cô lại tiếp tục công việc.
Thương vợ, thương các thai nhi nên cứ ngày hai buổi (sáng 4h, chiều 17h), chồng cô Nhiệm lại chạy xe máy đến các cơ sở y tế thu nhận các hài nhi xấu số về chôn cất. Các hài nhi đưa về có bé mới được 2-3 tháng, có bé đã được 5-6 tháng. “Có lần cô tìm được một thai nhi vẫn còn sống. Cô đặt tên em là Tiểu Duyên. Nhưng em cũng chỉ sống được vẻn vẹn 19 ngày rồi mất. Thương là vậy, nhưng số phận đã an bài rồi... Dân làng Đồi Cốc ai cũng xót xa cho số phận những hài nhi bị bỏ rơi. Người góp của, kẻ góp công. Chỉ mong sao không phải làm việc này nữa, bởi lúc đó thì không còn những sinh linh bé bỏng phải chết yểu do sự hồ đồ của người lớn” - cô Nhiệm tâm sự.