Người đặc biệt ở miền Tây: Kỳ nhân Bảy Núi

Sự kiện: An Giang Thời sự

Dù đã cứu sống biết bao người nhưng những “thần y” trị nọc rắn ở vùng Bảy Núi (An Giang) đều cương quyết từ chối nhận tiền bạc hay lễ vật.

Mỗi năm, những “thần y” ở vùng Bảy Núi (thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang) đã hốt thuốc và điều trị thành công cho hơn 100 người bị rắn độc cắn. Trong đó, chùa Phnom Pơ Li được nhiều người tìm đến nhờ cứu chữa.

Chiếc lưỡi đen kỳ bí

Rắn độc là nỗi ám ảnh đối với người dân đi rừng hoặc lội ruộng ở vùng Bảy Núi. Phần lớn các thầy thuốc trị rắn đều là lão nông hoặc các vị sư được người dân trọng vọng.

Tại khu vực núi Dài Nhỏ, thầy thuốc Chau Phonl (ngụ ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên) nổi tiếng khắp vùng bởi có chiếc lưỡi đen khá đặc biệt.

Theo ông Phonl, cách đây khoảng 20 năm, cha ông cũng có chiếc lưỡi đen kỳ lạ và được người dân khắp nơi trong vùng tìm đến để nhờ liếm lấy nọc rắn. Lúc sắp qua đời, người cha để lại cho ông quyển sách về một số loại thảo dược chuyên trị rắn độc cắn với lời dặn là không được vụ lợi khi cứu người. Mỗi thế hệ trong gia tộc ông cũng chỉ một người có chiếc lưỡi đen được kế nghiệp tổ tiên. Ngay cả ông Phonl lúc ấy cũng không tin việc này có thật.

Người đặc biệt ở miền Tây: Kỳ nhân Bảy Núi - 1

Ông Chau Phonl và cây ngải móc dùng để trị rắn cắn

“Tôi không ngờ là ngay sau đó, chính cái lưỡi đen này đã cứu đứa con trai của tôi bị rắn độc cắn sống lại. Mọi thứ đều đơn giản vì tôi chỉ cần đưa lưỡi vào vết thương hút nọc rắn ra rồi lấy thuốc gia truyền giã nhuyễn đắp lên. Chưa đầy 30 phút sau, con tôi tự đứng dậy rồi chạy ra ngoài chơi đùa với mấy đứa nhỏ ở xóm. Thấy vậy nên từ đó đến nay, tôi luôn chuyên tâm để cứu người” - ông Phonl bộc bạch.

Ngoài những vị thuốc được cha truyền lại, sau nhiều năm tìm tòi, ông Phonl phát hiện thêm vô số cây thuốc mới tại vùng Bảy Núi có thể trị được nọc độc của rắn, rết cũng như một số loại bệnh thông thường khác cho người dân. Trong đó, một loại cây được ông Phol cho là “thần dược” trong việc trị rắn cắn là ngải móc (còn gọi là ngải trời). Cây này được ông trồng ngay trước sân nhà để tiện cứu người trong trường hợp khẩn cấp.

Ở vùng này, người dân chủ yếu bị rắn hổ chuối hoặc chàm quạp cắn. Ông Phonl khẳng định chỉ có thể cứu được nếu như người nhà đưa nạn nhân tới trong vòng 3 ngày. Trong trường hợp bị rắn hổ mang chúa hay rắn hổ sơn cắn thì bệnh nhân rất khó sống vì nọc rắn chạy tới tim chỉ sau 1 ngày.

“Tôi không từ chối bất cứ ai nếu như người ta tin tưởng. Tôi cũng không cần ai phải trả ơn vì đó là lời thề đối với tổ nghiệp. Tôi chỉ mong bà con chở người bị rắn cắn tới đây càng sớm càng tốt để việc trị bệnh hiệu quả hơn” - ông Phonl bày tỏ.

Cứu tinh dưới chân núi Nam Quy

Ở vùng núi Nam Quy thuộc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, nhiều người đều nhớ đến vị sư đã cứu sống hàng loạt nạn nhân bị rắn độc cắn trong cơn thập tử nhất sinh. Đó là cố Hòa thượng Chau Som - sãi cả chùa Phnom Pi Lơ (còn gọi là chùa Nam Quy trên). Trước khi viên tịch vào năm 2004, Hòa thượng Chau Som đã cứu sống ít nhất 1.000 người bị rắn cắn.

Để có người nối nghiệp, Hòa thượng Chau Som đã chọn đại đức Chau Soc Kol và anh ruột là đại đức Chau Kim Sa. Từ đó đến nay, mỗi năm, 2 vị sư trẻ này đã tiếp nhận và chữa trị thành công cho khoảng 100 người bị rắn cắn.

Giống như cách chữa trị của thầy thuốc rắn Chau Phonl ở huyện Tịnh Biên, anh em đại đức Chau Soc Kol và Chau Kim Sa cũng cho nạn nhân nằm dưới đất trong khoảng thời gian nhất định rồi mới chọn loại thuốc phù hợp với từng loại nọc rắn để điều trị. Các loại thuốc gồm phèn xanh, thuốc xỉa, rượu trắng, củ môn, trái trúc và một loại ngải rừng cực mạnh do cố Hòa thượng Chau Som đã dày công nghiên cứu.ư

Người đặc biệt ở miền Tây: Kỳ nhân Bảy Núi - 2

Đại đức Chau Soc Kol bên vườn thuốc quý trị rắn cắn trồng trước sân chùa Nam Quy trên

“Thật sự thì chính những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi đã cứu sống con người chứ không có gì khác cả” - đại đức Chau Soc Kol khẳng định.

Theo vị đại đức này, nếu rắn hổ đất cắn thì họng nạn nhân bị kéo đờm, mắt thâm quầng; còn rắn hổ mây cắn thì trong vòng 30 phút, họng kéo đờm, mắt đục. Riêng rắn chàm quạp cắn sẽ làm cho nạn nhân mê sảng, lỗ chân lông và chân răng chảy máu. Thầy thuốc phải biết được những dấu hiệu này để đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc chữa trị cho phù hợp.

Ông Chau An (ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết cách nay không lâu, trong lần đi thăm ruộng gần nhà, ông bị rắn chàm quạp cắn sưng tấy phần chân trái. Ngay sau khi cố gượng về đến nhà thì ông An ngã quỵ, toàn thân trở nên tím tái. Khi được người thân chở đến chùa Nam Quy trên để nhờ các sư cứu chữa thì nọc độc đã làm ông gần như sắp tắt thở vì máu đã rịn ra từ lỗ chân lông ở một số nơi. Lúc này, đại đức Chau Soc Kol đặt ông An xuống nền đất để quan sát vết thương xem loại rắn độc nào cắn rồi dùng loại thuốc gia truyền đắp vào.

“Chỉ sau 3 ngày nằm lại tại chùa, tôi đã có thể đi đứng bình thường. Nếu như không được các sư ở chùa Nam Quy trên cứu kịp thì chắc chắn tôi mất mạng rồi chứ đâu còn sống khỏe mạnh như hôm nay”- ông An cảm kích.

Theo bà Trương Thị Nhỏ (ngụ xã An Nông, huyện Tịnh Biên), gia đình bà có đến 3 người bị rắn độc cắn và đều được các sư ở chùa cứu sống. “Quý báu nhất là các sư không đòi hỏi bất cứ điều gì ngoài mong muốn được chữa bệnh cứu người” - bà Nhỏ xúc động.

Triệu phú người Khmer

Không chỉ có tài năng đặc biệt, hay làm việc thiện, nuôi con cái thành tài, nhiều người Khmer còn sáng tạo và ứng dụng những phương thức sản xuất mới, trở thành triệu phú trong vùng.

Theo ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 2.749 người Khmer đạt danh hiệu “Nông dân giỏi sản xuất và kinh doanh giỏi” với mức thu nhập 100-500 triệu đồng/người/năm. Các xã, thị trấn ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên đều có câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác trồng trọt và chăn nuôi.

M.Hương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thốt Nốt ( Người lao động)
An Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN