Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải

Những bộ quần áo dệt bằng tay vẽ hoa văn sáp nến của người Mông không có nhiều. Người Mông giờ chỉ mặc quần áo truyền thống vào dịp lễ đặc biệt. Những thiếu nữ cũng không còn nhiều người học và lưu giữ món nghề độc đáo của dân tộc mình.

Những món hàng thổ cẩm được thêu và dệt bằng tay của người dân tộc Mông là một nét văn hóa độc đáo được du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích. Nhưng hiện nay những mặt hàng đó càng khan hiếm bởi số người biết làm không nhiều.

Tại chợ Sa Pa, trung tâm thị trấn du lịch Sapa đa phần là loại hàng dệt bằng máy nhập từ Trung Quốc. Giờ đây, người dân tộc Mông cũng chỉ mặc quần áo khăn truyền thống của dân tộc mình vào những dịp lễ đặc biệt. Nhiều bản làng của người Môn đã mất đi nhiều nghề dệt, thêu và vẽ sáp nến truyền thống. Nhưng tại Bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, Sa Pa, Lào Cai, cách trung tâm thị trấn Sa Pa chừng hơn 10km, một bản làng chưa bị "du lịch hóa" vẫn còn một người lưu giữ những nét truyền thống này.

Theo chân anh Vàng A Chư, một người chuyên dẫn khách leo đỉnh Phanxipăng từ Sapa vào bản Sín Chải, chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Hạng Thị Sai, “nghệ nhân” gần 90 tuổi, người cuối cùng biết vẽ các hoa văn bằng sáp nến trên vải. A Chư cho biết, nghề này ở bản anh đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền.

Cuộc sống của người Mông đen đơn giản, vào ngày mùa thì trồng lúa và thảo quả, hết mùa thì chỉ vào rừng kiếm củi và nuôi con trâu con ngựa. Người phụ nữ Mông quanh năm may vá. Từ khi trên lưng mẹ, những bé gái người Mông đã biết đến sợi chỉ, sợi lanh… Cô gái Mông có nương trồng lanh của riêng mình để lấy sợi dệt vải may quần áo cho cha mẹ, anh, em và làm cho chính mình bộ váy áo đẹp trong ngày cưới sao cho độc đáo hơn người.

Chỉ với 4 màu chính là xanh, đỏ, trắng, vàng... tất cả đều được thêu bằng tay. Họ thường tước lanh, se lanh khi đi đường, thêu hoa văn khi ngồi nghỉ. Bộ váy áo của người phụ nữ Mông quả thật rất đặc biệt, đặc biệt từ cách làm ra nó đến những điều thiêng liêng lắng sâu trong đó.

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 1

Vào ngày nhàn rỗi, phụ nữ Mông quây quần bên bếp lửa thêu thùa, may vá

Ngồi bên bếp lửa, trả lời chúng tôi chỉ bằng những từ “chi pâu” ,”chi pâu” rồi bà Sai lắc đầu rồi, cười móm mém. Gần 90 tuổi mà mắt bà vẫn tinh tường, ngồi nắn nót vẽ từng nét nến nhỏ lên mảnh vải lanh. Phiên dịch cho chúng tôi là cô cháu dâu năm nay mới 19 tuổi của bà tên là Châu Thị May. “Bà bảo ở bản Sín Chải này chỉ còn bà là tha thiết với những nét hoa văn bằng nến, còn các cụ già khác đều đã không làm. Tất cả 9 người con dâu của bà đều không biết vẽ. Con dâu út đang sống cùng với bà, tên Giàng Thị Già, năm nay 40 tuổi cũng không biết vẽ”.

Người Mông tại Sín Chải sống tự cung tự cấp, nhưng món đồ làm tay của họ không bán ra ngoài. Trong nhà bà Sai, tất cả quần áo truyền thống đều do bà, con dâu và cháu gái bà làm ra. Mỗi tuần, bà Sai có thể vẽ được 5 đến 7 chiếc gối. Bà thêu và hoàn chỉnh xong một chiếc áo trong vòng 2 tháng nhưng chưa lần nào bà mang ra chợ bán.

Dụng cụ vẽ hoa văn bằng nến cũng rất đơn giản, chỉ cần một chiếc bút đặc biệt làm bằng đồng và tre, một bát nến luôn đặt gần bếp lửa cho đủ nóng. Dưới bàn tay khéo léo của “nghệ nhân” Sai, những  hoa văn được vẽ lên thẳng tắp như kẻ chỉ.

Theo phong thục của người Mông, những chiếc áo, chiếc gối của người phụ nữ làm ra chỉ để cho con cháu trong nhà dùng. Đặc biệt, những chiếc áo, gối có hoa văn từ sáp nến được để dành cho nhiều dịp quan trọng, và dành cho những người đã mất mặc khi mai táng. Bà Sai cho biết, bà đã làm xong từ rất lâu quần áo và gối cho mình lúc mất.

Xem cụ bà 90 tuổi tinh tường vẽ hoa văn nến trên vải:

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 2

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 3

Vải lanh được trải thẳng và vạch viền trước khi vẽ

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 4

90 tuổi cụ Sai vẫn vẽ được những nét thẳng tắp

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 5

Dụng cụ đơn giản: Tay cầm vót bằng tre, đầu bút bằng đồng

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 6

Nến nung chảy trong chiếc bát là nguyên liệu để vẽ

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 7

Phân chia mảnh vải thành các ô để vẽ hoa văn chi tiết hơn

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 8

Cô cháu dâu Chu Thị May là người duy nhất trong nhà theo bà học nghề. May nói: "Mới học được 2 ngày thôi, nhưng có lẽ khó lắm, không học đâu"

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 9

May bảo, ai muốn học thì bà chỉ luôn cho, nhưng ít có ai kiên trì để học hết được các hoa văn của bà.

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 10

Mảnh vải trắng này khi được nhuộm chàm lên và phơi khô thì nến sẽ rơi đi, những nét vẽ có màu trắng đục, tạo ra các hoa văn trên nền màu xanh chàm rõ rệt

Người cuối cùng vẽ sáp ở bản Sín Chải - 11

Một chiếc vỏ gối của người Mông đen khi hoàn thiện

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN