Người có biệt tài nhìn hậu môn gà kiếm 90 triệu đồng/tháng giờ ra sao?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Mặc dù thu nhập rất “khủng” nhưng nghề soi hậu môn phân loại giới tính gà lại có tuổi nghề không cao vì thị lực kém dần.

“Bàn tay vàng” trong làng soi giới tính gà

Ở Việt Nam, các lò ấp trứng gà cũng như trang trại chăn nuôi rất phổ biến. Tuy nhiên, người làm nghề phân loại giới tính gà lại rất hiếm, có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc phân loại giới tính gà có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp các trang trại áp dụng vào từng mô hình chăn nuôi phù hợp. Gà mái được nuôi chủ yếu để lấy trứng, gà trống sẽ nuôi để lấy thịt.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên thế giới có 2 phương pháp phân loại giới tính gà. Thứ nhất là phương pháp phân biệt giới tính bằng máy, chủ yếu thịnh hành ở các nước phương Tây. Thứ hai là phương pháp soi lỗ huyệt (hậu môn) gà, phổ biến ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Dung – “bàn tay vàng” trong làng soi giới tính gà

Chị Nguyễn Thị Dung – “bàn tay vàng” trong làng soi giới tính gà

Nhắc đến nghề soi lỗ huyệt gà, ít ai không biết đến tên tuổi của chị Nguyễn Thị Dung (SN 1986) ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chị được xem là "đỉnh cao" trong làng phân loại giới tính gà.

Sở dĩ gọi như vậy là bởi chưa có ai học được nghề nhanh như chị. Người bình thường nhanh thì mất 4-5 tháng để biết nghề, để thành thạo nghề có khi mất đến hàng năm. Thế nhưng, riêng chị Dung, chỉ chưa đầy 3 tháng chị đã có thể làm nghề thành thạo mà soi lại rất chuẩn. Không những vậy, chị còn dạy nghề cho rất nhiều người.

Cách đây chừng 5 năm, tôi có dịp ghé thăm trang trại của gia đình chị Dung cũng như tận mắt xem chị ngồi soi giới tính gà. Cứ khoảng 2-3 giây là chị có thể biết được con nào là gà trống, con nào là gà mái. Mỗi ngày chị phân loại được 10.000-15.000 con, năng suất làm việc khó ai có thể sánh kịp.

Theo chị Dung, những con gà con mới ra lò khoảng 2-3 tiếng đồng hồ sẽ dễ soi nhất. Chị cầm gà trên tay, tay trái phải bóp nhanh để vắt phần phân còn lại của gà vào ống nhựa, tay phải nhẹ nhàng vạch hậu môn gà lên xem. Ngón tay cái ấn để hậu môn lòi ra. Nếu là gà trống, nốt đỏ (gai giao cấu) nổi lên giống cục u nhỏ như đầu kim, gà mái thì không có.

Mỗi ngày, chị Dung có thể phân loại được hơn 10.000 con gà với thu nhập “khủng” khoảng 90 triệu đồng/tháng

Mỗi ngày, chị Dung có thể phân loại được hơn 10.000 con gà với thu nhập “khủng” khoảng 90 triệu đồng/tháng

Tháng 7/2022, trao đổi với PV, chị Dung chia sẻ, chị vừa quay lại đi làm từ đầu năm 2022 sau hơn một năm nghỉ sinh. Con nhỏ, khối lượng công việc nhiều nên chị phải rủ thêm người đi làm cùng.

“Trước đây cứ mình tôi rong ruổi đến các lò ấp ở mãi Đông Anh, Bắc Ninh… làm nhưng giờ con nhỏ nên tôi phải nhờ người đi làm cùng. Công việc cố định rồi, nhờ người làm cùng thì sẽ nhanh hơn, mình được về sớm hơn để chăm lo cho con cái. Cũng may là có mấy người tôi đào tạo ra làm được nghề nên có thể nhờ vả”, chị Dung nói.

Hiện chị Dung nhận phân loại giới tính cho 4 lò gồm: Quốc Oai (Hà Nội) 1 lò; Đông Anh (Hà Nội) 1 lò; Bắc Ninh 1 lò và 1 lò của gia đình. Chị cứ quay vòng từ lò này sang lò kia nhưng không khi nào hết việc.

Trừ khi làm ở lò của gia đình, còn không thì ngày nào chị cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hôm nào rủ được người đi làm cùng thì chị về sớm hơn một chút.

Nghề hái ra tiền nhưng ít người làm

Chị Dung chia sẻ, nghề soi giới tính gà có thể hái ra tiền nhưng rất ít người làm. Năm 2010, khi chị Dung vào nghề, số người làm nghề này có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sau nhiều năm, số lượng người làm nghề có tăng nhưng cũng chỉ chừng hơn chục người, đa phần những người này do chính chị Dung đào tạo ra.

Trong trí nhớ của mình, chị Dung nhớ đã nhận và dạy nghề cho khoảng 20 người. Phần lớn những người này đã thành thạo và phân loại được giới tính gà, chỉ có một vài người không theo được nghề do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngoài làm việc, chị Dung còn nhận đào tạo nghề cho những người có nhu cầu do nghề này đang rất hiếm người làm

Ngoài làm việc, chị Dung còn nhận đào tạo nghề cho những người có nhu cầu do nghề này đang rất hiếm người làm

Chị chia sẻ, cái vất vả nhất của nghề này là phải ngồi nhiều. Mỗi ngày, chị ngồi trung bình khoảng 10 tiếng đồng hồ, về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến cột sống. Hơn nữa, gà mới nở, lông tơ bay tứ tung nếu hít phải dễ mắc bệnh về đường hô hấp.

Bên cạnh đó, việc phải căng mắt nhìn vào hậu môn của gà cũng đòi hỏi người có thị lực tốt và đương nhiên về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới thị lực. Đó là còn chưa kể môi trường làm việc trong các lò ấp nhiều mùi hôi thối, ẩm mốc và phải nghe tiếng gà kêu “chiêm chiếp” cả ngày.

“Nghề này có thu nhập tốt nhưng tuổi nghề không cao. Những người từ 18-25 tuổi thích hợp để học nghề và làm đến khoảng 40 tuổi là nghỉ vì lúc đó mắt kém dần. Tay chân có thể chậm đi nhưng nếu mắt kém thì không làm được nữa”, chị Dung tâm sự.

Mặc dù mới đi làm trở lại sau khi sinh con nhưng chị Dung vẫn giữ được năng suất làm việc trên 10.000 con gà mỗi ngày. Giá phân loại hiện tại là 300 đồng/con, trung bình mỗi ngày chị kiếm được không dưới 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng chị có thể kiếm được khoảng 90 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lương chuyên gia nước ngoài tại TP.HCM chỉ khoảng 13 triệu đồng/tháng

Trước đây, TP.HCM thu hút chuyên gia nước ngoài bằng mức lương đến 150 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn khoảng 13 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN