Người chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu qua đời

Nhà báo chiến trường Malcolm W. Browne - người chụp bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã qua đời tại Mỹ hôm 28/8, thọ 81 tuổi.

Vợ ông, bà Le Lieu Brown cho biết, ông qua đời trong bệnh viện ở New Hampshire. Từ năm 2000, ông đã bị bệnh Parkinson và những năm gần đây ông chủ yếu ngồi xe lăn. Ông được đưa tới bệnh viện ngày 27/8 do khó thở và đã không qua khỏi.

Người chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu qua đời - 1

Malcolm Wilde Browne thời trẻ

Bức ảnh chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã khiến chính quyền John F. Kennedy choáng váng và phải đánh giá lại chính sách đối với Việt Nam. Dù một số phóng viên phương Tây thời đó đã được thông báo trước về sự kiện này, nhưng chỉ có Browne đến nơi và chụp được bức hình.

Ngay lập tức, bức hình được đăng tải trên trang nhất của rất nhiều tờ báo trên thế giới.

Người chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu qua đời - 2

Bức hình chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu - Ảnh: AP

Bức hình trở thành một trong những hình ảnh tin tức mang tính biểu tượng của chiến tranh Việt Nam. Năm 1964, với vai trò là phóng viên AP, cùng với phóng viên của Times David Halberstam, cả hai đều đoạt giải Pulitzer cho những bài viết và hình ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Malcolm W.Browne từng học hóa học, lái xe bồn ở Hàn Quốc và có cơ hội viết cho một tờ báo quân đội. Sau đó, ông bước vào nghề báo rồi được cử tới Sài Gòn khi AP muốn mở rộng cơ quan thường trú. Cùng với Horst Faas và Peter Arnett, họ tạo ra một làn sóng giúp cho AP đoạt các giải Pulitzer - giải thưởng cao quý nhất của báo chí thế giới. 

Những cộng sự nhận xét Malcolm là một con người phức tạp, bí ẩn và độc lập. Theo Horst Faas: “Ông ấy là người cô đơn, làm việc một mình, không chia sẻ nguồn tin và không hay giao du gì với dân báo chí. Ông ấy không thỏa hiệp trong viết lách chỉ để làm hài lòng sếp hay bất kỳ ai”.

Sự nghiệp của Browne được gây dựng chủ yếu ở tờ The New York Times - nơi ông có 30 năm trong số 40 năm làm báo (mà cũng chủ yếu trên các chiến trường).

Ông may mắn thoát nạn khi 3 lần máy bay chở ông ở chiến trường bị bắn; nhiều lần bị trục xuất ra khỏi các quốc gia, và tên ông từng nằm trong danh sách “phải chết” ở Sài Gòn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.N (Tuổi Trẻ/New York Times, BBC)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN