Người chết vì sét đánh có thực "thiêng"?
Các câu chuyện về sự huyền bí, linh thiêng của những tử thi bị sét đánh từ lâu đã có sức hút lớn đối với những kẻ dị tín. Nhưng theo các nhà khoa học, đó là những niềm tin thiếu cơ sở.
Sự mê tín dị đoan của bọn trộm cắp
Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cho hay, ông đã gặp rất nhiều trường hợp bị sét đánh. Qua nghiên cứu các trường hợp bị sét đánh, ông rút ra kinh nghiệm, việc ai đó bị sét đánh không có gì huyền bí cả. Trước đây, những người đi làm đồng hay bị sét đánh. Đó là do họ thiếu hiểu biết, họ không biết rằng những đồ vật kim loại như cuốc, xẻng, liềm... là những vật đồng hành với thần chết. Người ta cho rằng, những người bị sét đánh là do bị ma nhập, thần thánh phạt. |
TS.KTS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng Dụng (UIA) cho hay: "Tôi có biết chuyện bọn trộm cắp lấy đầu lâu người bị sét đánh. Chúng bỏ cái đầu lâu đó vào chiếc mâm đồng rồi xoay một vòng. Nếu đầu lâu quay mặt về hướng nào thì chúng sẽ đi về hướng đó để ăn trộm. Không ai biết những lời đồn đại đó có hiệu nghiệm hay không. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là do người ta đồn thổi, hư cấu. Nhưng vì mê tín dị đoan, những kẻ có dã tâm xấu sẵn sàng bới xác của người bị sét đánh chết để lấy một số bộ phận".
Ông Khanh khẳng định, việc kẻ xấu đào mộ, lấy một số bộ phận của người bị sét đánh là có thật. Vì thế, các gia đình có người thân bị sét đánh chết, khi chôn cất phải canh chừng nghiêm ngặt. Thực tế, có bọn lấy đầu lâu để ăn trộm, đánh số đề, đầu cơ...
Vì nó liên quan may rủi nên bọn chúng sẵn sàng đào bới mộ, lấy xương bàn tay, ống chân, đầu gối. Đó là hành động của bọn mê tín di đoan và trộm cướp. Để tạo niềm tin trong quá trình trộm cắp, bọn chúng sẵn sàng làm mọi việc kể cả làm việc bất nhân, vô đạo đức.
Ông Khanh cũng đã nghe nhiều chuyện về những kẻ đào trộm mộ người bị sét đánh để lấy xương bàn tay, xương đầu gối làm thuốc chữa bệnh. Đã có bao nhiêu vụ việc như thế thì chưa có con số thống kê, kê khai khẳng định là có thật.
Ông Khanh bảo: "Kể cả tử thi của người bị sét đánh có thể chữa được bệnh thì cũng không ai dám công bố, mà đã công bố thì không có thật. Vì có kẻ ăn trộm nào dám công bố là tôi có đầu lâu nên đi ăn trộm không bị bắt. Người chữa bệnh bằng xương của người bị sét đánh cũng không dám công khai".
Nhiều người đồn rằng, đá bị sét đánh cũng chữa được bệnh
Lý giải lời đồn thổi
Ông Khanh cho biết: Việc kẻ xấu lấy bộ phận xương bàn tay của người bị sét đánh và cho rằng nếu xoay bàn tay đó chỉ về hướng nào, sẽ theo hướng đó đi trộm cắp. Điều đó có thể liên quan đến quan niệm "Thiên lôi chỉ đâu đánh đó" của người xưa.
Vì những người chết do sét đánh xưa kia người ta hay gọi là "thiên lôi" đả. Và gắn vào cái câu nói: "Thiên lôi chỉ đâu đánh đó" để làm ám thị, bài thuốc tinh thần, thực chất là sự mê tín dị đoan. Ngày xưa người ta cho rằng việc ai đó bị sét đánh là sự huyền bí chứ không phải là điện từ trường đánh.
Ông Khanh cho hay, việc người đi đường gặp dông bão và bị sét đánh là hiện tượng bình thường. Đó là hiện tượng hai đám mây trái dấu phóng vào nhau sinh ra nguồn điện mạnh. Người bị sét đánh giống như cột thu lôi bị nguồn điện phóng xuống. Chỉ có điều khác là người bị phóng thì bị cháy, còn cột thu lôi sẽ dẫn điện xuống đất.
Ông Khanh cho rằng, việc trộm cắp xác bị sét đánh là sự mê tín dị đoan của kẻ bất nhân
Khi bị tia lửa điện phóng vào người giống như điện giật. Điện giật 220V còn gây chết người, huống hồ khi sét đánh với nguồn điện năng hàng nghìn V thì người cháy thành than là bình thường. Đó là hiện tượng tự nhiên, không có gì mang tính huyền bí cả.
Người bị sét đánh giống như dây thu lôi bị sét đánh, nhưng điện trở người lớn hơn dây thu lôi. Khi sét đánh, nguồn điện đó phóng mạnh vào người, đốt cháy các bộ phận trong cơ thể, gây nên tử vong. Sét còn tàn phá cả cây cối, nhà cửa. Vì vậy, bây giờ người ta đã dùng nhiều cột thu lôi, để dẫn nguồn điện do sét tạo ra xuống đất.
Đá bị sét đánh cũng không có tác dụng
Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Nghiên cứu cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cho biết: "Trước đây nhiều nơi cũng đồn thổi là những viên đá trên núi bị sét đánh có tác dụng chữa bệnh. Nhiều người mang đến cho tôi xem, những loại đá đó và bảo: Xoa đâu khỏi đó".
Thiếu tướng, TS Chu Phác khẳng định, đá và người bị sét đánh đều không có tác dụng gì cả
"Tôi cũng đã nghiên cứu kỹ những viên đá đó, nhưng thực sự nó không có tác dụng về chữa bệnh. Kể cả những viên đá có thể tích tụ được điện cũng không thể chữa bệnh được. Không biết ở nơi khác đá đó đã chữa bệnh được cho ai không thì tôi không biết, nhưng tôi thử nghiệm và thấy không có tác dụng. Đó chẳng qua là những lời đồn đại của người dân mà thôi", TS Chu Phác nói.
"Việc ai đó bị sét đánh cũng là việc bình thường. Người dân không nên hoang mang trước tin đồn, mê tín dị đoan vô căn cứ. Khi gia đình nào có người chết do sét đánh cũng nên chôn cất, trông coi cẩn thận. Khi gặp trời mưa không nên tập trung đông người để trú dưới cây to. Không nên đi thành hàng ở rãnh nước, vì nước dẫn điện chỉ một người bị sét đánh có thể kéo theo mọi người bị nguồn điện giật. Đối với nhà ngói khi dông bão, mọi người không được tập trung ở giữa nhà mà nên tập trung hai đầu nhà để ẩn nấp". "Ngày xưa khi hành quân chúng tôi từng gặp trường hợp khi cả đoàn đang đi thì bất ngờ sét đánh trúng một người, cả mấy người đều ngã xuống. Lúc đầu mọi người rất hoang mang, lo sợ. Nhưng sau đó tôi giải thích cho mọi người hiểu rằng: Khi đi dưới nước sét đánh thì nguồn điện sẽ dẫn theo nước nên mọi người bị giật. Sau này rút kinh nghiệm mọi người đã đi trên cạn. Nếu có bị sét đánh thì chỉ một người bị". Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác |