Người chế ngự đào tiến vua

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Chưa đến sáu mươi, nghĩa là còn trẻ so với nghề trồng đào cổ, nhưng nghệ nhân Đào Lê Hàm có gần 20 năm ngự ở “ngôi vua” trong nghề trồng đào Thất Thốn của làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Với hơn 30 năm làm nghề, không kể hết được bao lần thất bại, cuối cùng nghệ nhân Lê Hàm cũng đã “chế ngự” được loài đào tiến vua nở đúng vào dịp tết.

Một số khách hàng đến đặt thuê đào Thất Thốn của nghệ nhân Lê Hàm. Ảnh: Võ Hóa

Một số khách hàng đến đặt thuê đào Thất Thốn của nghệ nhân Lê Hàm. Ảnh: Võ Hóa

Vua của các giống đào

Làng Nhật Tân những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhìn đâu cũng thấy hoa đào. Từ cổng làng, chạy dọc theo các con đường bê tông ra bãi bồi sông Hồng dễ dàng bắt gặp những sắc đào rực rỡ, đua nhau khoe sắc. Trong số hàng chục giống đào được trồng tại đây, đào Thất Thốn vẫn đặc biệt và có sức hút riêng. Qua sự chỉ dẫn của một nghệ nhân có tiếng về hoa đào, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hàm, người đã “chế ngự” được loài đào đặc biệt này.

Từ con đường làng, bước qua cánh cổng gỗ với bức tường đá ong, đập vào mắt chúng tôi là tấm bảng “Thất Thốn - Đào Lê Hàm”. Trong sân, nhiều chậu đào Thất Thốn được chủ nhân đưa ra ngoài, và cạnh đó là vài dãy nhà quây kín tôn, máy điều hòa chạy hết công suất. Do được mách bảo từ trước, chúng tôi biết trong đó nhiều cây đào đang được chủ nhân “om” để có thể nở vào dịp Tết.

Những gốc đào Thất Thốn được cho vào phòng điều hòa để “ép” nở hoa. Ảnh: Võ Hóa

Những gốc đào Thất Thốn được cho vào phòng điều hòa để “ép” nở hoa. Ảnh: Võ Hóa

Ông Đào Lê Hàm đón những vị khách lạ bằng nụ cười hiền. Qua vài chuyện mở đầu, chúng tôi mới biết ông không phải họ Đào mà là họ Lê, Lê Hàm. “Do yêu đào quá nên tôi tự đặt cho mình là Đào Lê Hàm”- chủ nhân nói. Rồi ông cho hay, gia đình ông nhiều đời trồng đào tại vùng Nhật Tân này. Từ nhỏ, ông đã phụ giúp bố mẹ trồng đào, được tiếp xúc với các loại đào nên bản thân sớm hình thành tình yêu đặc biệt với loại cây này. Dù vậy, phải đến năm 1989, thời điểm rời quân ngũ, Lê Hàm mới bắt đầu thực hiện ước mơ thuở nhỏ của mình.

Đầu tiên, Lê Hàm định lập nghiệp với những giống đào mà ông có dịp biết đến từ thời trong quân ngũ. Những giống đào đẹp ở các vùng Bắc Giang, Lạng Sơn… được ông đưa về để phát triển. Ngoài việc trồng đào, khi biết ở đâu trồng hoặc bày bán đào đẹp là Lê Hàm tìm tới nhìn ngắm, rồi lân la hỏi chuyện để học kinh nghiệm. Nhưng qua thời gian, với những thăng trầm của nghiệp trồng đào, Lê Hàm dần nhận thấy không loại đào nào đẹp bằng đào Thất Thốn làng mình. “Nhưng để trồng được loại cây này không đơn giản, bởi hoa nở không theo quy luật, có năm đào nở quá sớm, có năm lại nở quá muộn, không đúng dịp Tết thì khách nào mua. Nhiều lần thất bại, có người khuyên tôi bỏ nghề”, ông Lê Hàm chia sẻ.

Theo ông Hàm, không biết tự bao giờ đào Thất Thốn xuất hiện ở vùng Nhật Tân. Các cụ cao niên trong làng, năm nay đều đã ngoài 80 và 90 tuổi kể lại, từ bé đã thấy loài hoa này. Để trồng được đào Thất Thốn không khó, nhưng để cây nở hoa đúng dịp Tết thì không đơn giản. Thất Thốn thường chỉ ra hoa sau rằm tháng Giêng, vì thế thường dành cho mùa lễ hội sau Tết. Người trồng Thất Thốn ở Nhật Tân cứ nản lòng dần khi họ áp dụng các thủ thuật như với đào thường là khoanh, tuốt lá, ghép mắt… để mong đào Thất Thốn ra hoa đúng dịp Tết nhưng đều bất lực.

Chính vì sự khó tính ấy mà nhiều người trồng đào Nhật Tân đã nản lòng với Thất Thốn. Bóng dáng loại đào tiến vua này thưa thớt dần trên đất Nhật Tân. “Thất Thốn đẹp cỡ nào mà lại dùng để tiến vua”- chúng tôi hỏi. “Thất Thốn có vẻ đẹp đặc biệt khi trên những gốc cây xù xì, gân guốc lại bung nở những cánh hoa mỏng manh, mềm mại như nhung. Sự đối lập ấy đã tạo nên nét khác biệt của loài hoa vương giả này, khiến chúng nổi bật, kiêu sa giữa một rừng đào mảnh mai khác”, ông Hàm cho biết.

Miệt mài theo đuổi trồng đào Thất Thốn, ông Lê Hàm lãnh đủ bao thất bại đến ê chề. Những năm mất mùa, nhìn bông đào trễ hẹn với từng người lướt qua khiến ông cay đắng, xót xa. Các phương pháp sưởi điện hay quây ni lông trở nên vô dụng. Không nản lòng, ông dùng kinh nghiệm năm trước làm bài học cho năm sau, rồi lại tiếp tục vấp ngã. Nhiều người khuyên ông dừng lại, nhưng ông vẫn kiên định với niềm say mê của mình.

Lắp điều hòa “chế ngự” hoa quý

Hơn 15 năm kiên trì theo đuổi, năm 2005, cuối cùng ông Hàm cũng “chạm” được bí quyết “ép” Thất Thốn nở đúng vụ. Theo ông Hàm, mô hình canh tác dùng điều hòa nhiệt độ phù hợp với loài hoa này. Bởi giống đào Thất Thốn cây nhỏ, khi mang vào phòng điều hòa không chiếm diện tích quá nhiều, mỗi phòng có thể chứa được trên dưới 20 gốc đào tùy loại to nhỏ. Tất cả điều đó cho thấy để trồng được giống đào này cần cả một kế hoạch, tính toán khoa học và kỳ công.

“Việc điều tiết để gốc đào đơm hoa, nảy lộc đúng dịp Tết vô cùng khó khăn, tôi đã nghĩ ra phải điều tiết bằng nhiệt độ luôn ở mức nhiệt độ ổn định. Tôi quyết định quây nhà tôn, lắp điều hòa 2 chiều cho các gốc đào. Nếu thời tiết quá lạnh, mình sẽ bật điều hòa nâng nhiệt độ lên, còn trời quá nóng sẽ hạ nhiệt độ xuống, miễn sao phù hợp với nhịp sinh trưởng vì lạnh quá hoặc nóng quá đào sẽ chết”, ông Lê Hàm chia sẻ.

Chén trà mềm môi, câu chuyện thêm đậm, ông Lê Hàm đặc cách cho chúng tôi vào phòng điều hòa để ngắm kỹ hơn giống đào đặc biệt này. Chỉ vào gốc đào cổ thụ cuối phòng, ông Hàm cho hay, đó là một trong số cây đã được chăm sóc suốt hơn 30 năm qua. Do đặc tính của hoa phải rất nghiêm ngặt với thời tiết nên rất ít khi ông mở cửa phòng điều hòa cho khách chiêm ngưỡng.

Năm nay vườn đào Thất Thốn của ông Lê Hàm có khoảng 100 gốc, từ cuối tháng 11 Âm lịch đã có khách đến đặt thuê đào đón Tết Nguyên đán. Tùy vào sở thích, nhu cầu của khách, ông có thể "ép" Thất Thốn nở đúng từng ngày. Người chơi đào Thất Thốn hầu hết đều tinh tế, yêu cầu cao. Có những vị khách kỹ tính, họ đến trước cả tháng để chọn cây vừa ý. Do đào quý, kỹ thuật chăm sóc khó nên ông thường chỉ cho khách thuê, không bán đào.

“Xưa kia chỉ có những bậc quyền quý, cao sang mới chơi đào Thất Thốn. Nay chỉ cần có chút hiểu biết và yêu là có thể săn được những gốc đào đẹp với giá phải chăng. Mức giá thuê cũng tùy thuộc vào kích thước, trung bình từ 5 đến 30 triệu đồng/cây. Tôi có những cây đặc biệt dành cho những khách hàng thực sự yêu đào, giá cả không thành vấn đề. Người chơi được thỏa nguyện với sở thích, người trồng cũng xứng đáng nhận được thành quả của mình”, ông Hàm nói thêm.                 

Ông Lê Hàm cho biết: “Thất Thốn được hiểu là mỗi thốn trên cành cây (độ dài bằng đốt ngón tay; thốn tiếng Hán Việt là đốt ngón tay), có thể trổ tới 7 bông hoa, hoa nở đẹp nhất trong 7 ngày, 7 năm mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh nên gọi là Thất thốn. Thất thốn đỏ từ rễ lên tới ngọn, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm. Thân cây ngắn, xù xì, lá to và dài xanh đậm. Vỏ cây nếu bóc ra có màu mận chín chứ không có màu gỗ như các loại đào thường”.

Sơn La nói gì về việc truy xuất nguồn gốc đào rừng khiến việc buôn bán tê liệt?

Hiện nay, Sơn La đã rà soát xong 7 huyện có đề nghị dán tem truy xuất nguồn gốc với 5.000 gốc đào và đã được cập nhật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiến Nghĩa - Võ Hóa ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN