Người cha già và mâm giỗ 64 người lính Gạc Ma

Sự kiện: Thời sự

Đã hơn 30 năm nay, cụ Hoàng Nhỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cha của liệt sỹ Hoàng Văn Túy vẫn đều đặn làm mâm giỗ cho con trai và những đồng đội của con hy sinh trong trận thảm sát tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Với cụ Nhỏ, 64 người lính hy sinh ngày ấy đã hòa vào nhau làm một, như chính con trai của cụ vậy.

Người cha già và mâm giỗ 64 người lính Gạc Ma - 1

Mâm giỗ chung 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma

64 chiếc bát, 64 đôi đũa

Đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe của cụ Nhỏ yếu đi rất nhiều trong ngày giỗ của “các con” năm nay. Cụ ngồi ở góc giường, còn con cháu trong gia đình tất bật chuẩn bị cho mâm cúng đầy đủ các sản vật của làng biển Hải Ninh.

Anh Hoàng Văn Vũ, người con út ở cùng với cụ Nhỏ vừa kê bàn vừa trò chuyện với chúng tôi. “Năm nay cụ yếu hẳn, đi lại phải có con cháu dìu, nhưng cụ không quên ngày giỗ của các anh. Cứ đến gần ngày giỗ là cụ luôn nhắc nhở con cháu chuẩn bị từng li từng tí một các lễ vật trên bàn cúng. Điều mà cụ nhắc nhiều nhất là phải đủ 64 chiếc bát, 64 đôi đũa, không để thiếu một cái bát, hay chiếc đũa nào trên bàn cúng” - anh Vũ tâm sự.

Ngồi trò chuyện với cụ Nhỏ, dù mắt đã mờ không nhận ra chúng tôi là ai, nhưng khi nhắc đến tên từng người cụ đều nhớ. Cụ cảm ơn anh em chúng tôi, vẫn thường ghé thăm đúng ngày giỗ các con của cụ. Đôi mắt mờ đục của người cha già rướm lệ khi nhắc về người con yêu quý của mình.

Cụ nói, anh Túy là con thứ tư của cụ, nhập ngũ năm 1985. Tết năm 1988, trước khi ra Trường Sa anh được về ăn tết với gia đình 2 ngày. Anh nói với cụ, có lẽ đây là chuyến đi cuối cùng ra Trường Sa của anh, bởi chỉ còn 3 tháng nữa là anh được ra quân. Nhưng anh đã không ra quân mà mãi mãi nằm lại ở Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. “Ngày Túy hy sinh tui nóng ruột vô cùng, đêm không ngủ được cứ bồn chồn mà không hiểu vì răng. Ngày đó, thông tin liên lạc không có, mãi một tháng sau tui mới nhận được tin con hy sinh trong trận chiến giữ đảo trước quân Trung Quốc ở Trường Sa. Đau lắm, thương lắm nhưng biết mần răng, con hắn đi bảo vệ Tổ quốc mà” - cụ Nhỏ tâm sự.

Anh Vũ kể: “Sau khi nghe tin anh Túy hy sinh, tưởng chừng như cụ không qua khỏi. Ngày nào cũng vậy, cụ bỏ ăn, bỏ uống ra bờ biển ngóng về phía Trường Sa. Phải mất nửa năm sau ông cụ mới lấy lại được thăng bằng”.

Khoảng 10 giờ, mâm cúng được sắp xếp xong, với đầy đủ con cháu trong gia đình. Anh Vũ vào mời cụ Nhỏ ra dự lễ. Anh dìu cụ đi từng bước ra chiếc chiếu đặt phía sau bàn cúng. Vừa ngồi xuống, cụ Nhỏ hỏi ngay “đã đếm đủ 64 chiếc bát, 64 đôi đũa chưa?”. Mọi người đồng thanh trả lời “dạ đủ rồi ạ!”, lúc đó cụ Nhỏ mới yên tâm ngồi xuống.

Năm nay mắt cụ Nhỏ quá mờ, không còn tự mình đọc sớ, cụ dặn anh Vũ đọc thay cụ. Anh Vũ gọi tên đầy đủ 64 người lính đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma. Sớ có đoạn viết: “Hôm nay là tròn 31 năm các con nằm lại giữa biển khơi vì chống lại bọn xâm lược. Các con đã hy sinh vì bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Bọ (ba) không có chi hơn, chỉ có ba chén rượu lạt (nhạt) và nén hương thơm thắp lên đây mời các con cùng về dự…”.

Niềm động viên cuối cùng

Anh Vũ kể, năm nào cũng vậy, cứ vào gần ngày giỗ của các anh, cụ Nhỏ đêm nào cũng thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, khấn cầu cho những người lính biển ở Trường Sa được an toàn, khấn cầu con của cụ và đồng đội độ trì cho các thế hệ lính biển sức khỏe, sự kiên cường. Cụ cũng lên lịch mời hàng xóm, cán bộ xã cùng về dự bữa cơm mặn tưởng nhớ ngày con mình và đồng đội đã xả thân vì biển đảo trong sự kiện bi tráng Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Cụ Nhỏ nói: “Cứ 5 năm thì làm một bữa giỗ 5 mâm, còn những năm khác thì chỉ trong gia đình. Làm giỗ, sắp 64 đôi đũa, 64 cái bát để mời đồng đội của con cùng về dự. Tiền chế độ liệt sĩ nhà nước cấp 1 triệu đồng mỗi tháng, tui gom góp mua hương hoa đèn nến. Các con không sinh ra một ngày, nhưng hy sinh cùng ngày, cùng giờ, cùng tháng nên ai tui cũng coi như con của mình

Ngày giỗ, trước là giỗ con trong nhà, sau thì trịnh trọng mời đồng đội của con cùng về hưởng chút hương hoa, lễ bạc để cảm ơn các con đã cùng nhau chiến đấu. Khi còn sống thì mỗi đứa một quê, khi mất cùng nhau thì khấn mời đồng đội của con cùng chung bữa cơm đạm bạc. Tui nghĩ, mẹ cha của các liệt sĩ dù ở địa phương mô, đến ngày cúng giỗ cho con cũng đều mời đồng đội của con về nên tui cũng làm như vậy, đâu cũng là con cái của mình”.

Anh Vũ tâm sự: Là con út trong gia đình và được thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại, anh luôn tâm niệm lời dặn của cụ, rằng: “Nếu cha trăm tuổi thì con phải thay cha làm giỗ cho các anh, không được bỏ. Con mà trăm tuổi thì dặn lại con cháu thay con làm việc này”. Mặc dù phải đi vào Nam đánh cá thuê, nhưng năm nào cũng vậy, phải đợi xong ngày giỗ, anh Vũ mới lên đường. “Cụ càng yếu, mình phải càng làm chu tất ngày giỗ cho các anh, nếu không cụ sẽ tủi thân, lo lắng sau này con cháu sao nhãng việc này” - anh Vũ nói.

Năm nay cũng vậy, sau lễ cúng cụ lại kéo tôi vào góc giường hỏi nhỏ: “Việc ông nhờ con, con hỏi cho ông chưa?”. Nhìn cụ ngày một yếu, tôi thật sự áy náy không biết phải trả lời cụ thế nào.

Người cha già và mâm giỗ 64 người lính Gạc Ma - 2

Cụ Hoàng Nhỏ ngày một già yếu vẫn đau đáu ngóng con từ phía biển

Chuyện là, năm 2017, một nữ doanh nhân ở TPHCM, sau khi đến thăm cụ, vì cảm phục trước nghĩa cử của cụ Nhỏ mà hằng tháng gửi cho cụ một khoản tiền và cụ liên tưởng đến cô người yêu “tin đồn” của anh Túy. Cụ Nhỏ nói: “Ngày ở Cam Ranh nghe nói thằng Túy có yêu một cô. Ngày hắn về ăn Tết để lên đường ra Trường Sa, tui có hỏi, hắn chỉ cười rồi nói “ra quân con đưa người yêu về ra mắt cha”, chơ hắn không nói nhiều về cô người yêu của hắn. Có phải cái cô hay cho ông tiền là người yêu của thằng Túy không chú?”.

Biết là chắc chắn không phải, nhưng mỗi lần gặp cụ Nhỏ tôi phải luôn né tránh bằng cách chưa hỏi được. Lần này cũng thế, sau khi nghe tôi nói chưa hỏi được, mắt cụ lại đượm buồn. Cụ Nhỏ nói: “Nếu đúng là cô ấy thì đúng là phúc cho thằng Túy, phúc cho cái nhà này. Tui sẽ xin phép cô ấy nhận làm con. Nếu được như rứa, đó là niềm động viên cuối cùng của thằng Túy để lại cho tui đó”.

Anh Vũ tâm sự: Là con út trong gia đình và được thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại, anh luôn tâm niệm lời dặn của cụ, rằng: “Nếu cha trăm tuổi thì con phải thay cha làm giỗ cho các anh, không được bỏ. Con mà trăm tuổi thì dặn lại con cháu thay con làm việc này”.

Chiêm ngưỡng Khu tưởng niệm Gạc Ma từ trên cao

Công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhằm tri ân 64 anh hùng, liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma năm 1988 sẽ chính thức khánh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN