Người cha gần 20 năm giả câm, điếc tìm con gái bị bán

Nhận được tin con gái bị lừa bán qua biên giới, người cha già hoàn toàn suy sụp. Thế nhưng với bản lĩnh và tình yêu thương vô bờ, ông đã vượt qua mọi gian khó để tìm lại con gái.

Nhận được tin con gái bị lừa bán qua biên giới, người cha già hoàn toàn suy sụp. Thế nhưng với bản lĩnh và tình yêu thương vô bờ, ông đã vượt qua mọi gian khó để tìm lại con gái. Trên hành trình gian khổ ấy, người cha già thậm chí phải giả câm, giả điếc, lặn lội sang xứ người. Sau gần 20 năm miệt mài tìm kiếm, cuối cùng người cha ấy cũng có cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và thấm đẫm nước mắt cùng con gái.

Người cha mưu trí

Người cha gần 20 năm giả câm, điếc tìm con gái bị bán - 1

Người mẹ già Nông Thị Tập gần 20 năm trời trông ngóng con trở về

Ở bản Đồng Sinh, xã Tân Lập (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), câu chuyện về người đàn ông dân tộc Nùng – Ban Văn Mình (SN 1943) gần 20 năm ròng rã đi tìm kiếm người con gái mất tích, vẫn khiến người dân cảm phục mỗi khi nhắc đến. Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện năm xưa, người đàn ông nhỏ bé mà nghị lực ấy không kìm nén được cảm xúc. Thương con bao nhiêu, ông Mình lại căm phẫn bọn buôn người mất nhân tính ấy bấy nhiêu. “Đến giờ phút này nghĩ lại, tôi vẫn còn hận bọn bất nhân đó. Chỉ vì mấy đồng bạc mà chúng đang tâm đẩy cha con tôi vào cảnh chia ly”, ông Mình ngậm ngùi.

Ban Thị Hoạt (SN 1979) là con gái thứ 7 của ông Mình. Theo người cha già kể thì tai họa ập xuống vào ngày 09/11/1993, đúng ngày ông mang trầu cau đi hỏi cưới cho người con trai thứ 5. Khi ấy, ở nhà chỉ còn lại Hoạt cùng với mẹ già là bà Nông Thị Tập. Lúc trở về, ông Mình ngã ngửa khi biết con gái mất tích. “Vừa về đến đầu làng, gặp ai người ta cũng hỏi tôi: Đã tìm thấy con Hoạt chưa? Nó đi đâu thế? Sao lại bỏ đi mà không nói với ai câu nào? Nghe vậy, tôi chột dạ rồi ngẩn người ra một lúc lâu. Sau đó, tôi hỏi lại một người làng thì được biết, Hoạt (lúc đó mới 14 tuổi) đã bị người ta lừa đi mất”, ông Mình nhớ lại.

Về đến nhà, ông Mình mới biết Hoạt đã đi theo một người phụ nữ tên Huệ, quê ở Bắc Giang, trước đây thường đến địa bàn này làm thuê. Đau đớn hơn, người phụ nữ này đã từng được gia đình ông cưu mang giúp đỡ. Sau khi xem xét sự tình, ông Mình phán đoán rất có thể con gái đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Ông kể lại: “Tôi nhớ có lần cô Huệ ngủ lại nhà và nói chuyện với Hoạt rất khuya. Nghe cô ấy rủ sang Trung Quốc chơi, con Hoạt còn tưởng đi xem tàu hỏa nên phấn khích và đòi đi. Khi đó, tôi nghĩ cô ấy nói đùa, ai ngờ, lúc không có người ở nhà, người đàn bà này lại làm cái chuyện táng tận lương tâm như vậy”.

Manh mối đã có, ông nhanh chóng thông báo cho mọi người trong gia đình rồi chia nhau tìm kiếm. Hai ngày sau đó, ông phát hiện Huệ đang làm thuê bên xã Quyết Thắng và báo công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Huệ khai họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Huệ, quê ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chứ không phải ở Bắc Giang. Thường ngày, người đàn bà này lân la đến các xã vùng cao để làm thuê nhưng chủ yếu là tìm kiếm và lừa đảo các cô gái nhẹ dạ, rồi lừa bán qua Trung Quốc kiếm tiền. Sau khi lừa được Hoạt, Huệ đã bán cho một người đàn ông tên Chung (quê Bắc Giang) làm cửu vạn tại khu vực cửa khẩu Cổng Trắng, huyện Văn Lãng, để bán sang Trung Quốc. Từ thông tin này, ông Mình liền nhờ sự giúp đỡ của công an địa phương, rồi đi gõ cửa từng nhà, hỏi từng người, cuối cùng đối tượng Chung cũng bị bắt giữ. Chung khai tên thật là Hứa Hồng Chương. Sau khi mua Hoạt từ tay Huệ, Chương đã bán lại cho một người phụ nữ khác tên là Tô Thị Cạn, cũng ở khu vực cửa khẩu Cổng Trắng. Từ đây, một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em được hé mở. Sau 10 ngày đêm ông Mình thức trắng lặn lội cùng lực lượng công an, cuối cùng vụ án cũng được phá.

Thế nhưng sự việc không hề đơn giản như ông nghĩ. Khi rơi vào tay bà Cạn, ngay lập tức Hoạt bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Điều đáng nói, Hoạt bị đưa đi đâu, làm gì, bà Cạn không hề hay biết.

Cuộc hội ngộ đầy nước mắt

Người cha gần 20 năm giả câm, điếc tìm con gái bị bán - 2

Ông Ban Văn Mình kể lại quãng ngày dài tìm kiếm con gái mất tích

“Khi biết tin thủ phạm bị bắt giữ, cả gia đình tôi vui lắm. Bao nhiêu hy vọng về việc tìm được Hoạt trở về, chúng tôi đều chờ ngóng từ công an cả. Thế nhưng cái Hoạt nhà tôi bị đưa đi đâu thì không ai biết. Chỉ biết rằng, nó bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 10 triệu đồng. Khi biết tin ấy, ông Mình nhà tôi tức giận lắm. Ông ấy bảo, dù có khó khăn như thế nào, nếu con Hoạt còn sống, nhất định sẽ có ngày ông ấy tìm ra”, bà Tập (vợ ông Mình) nhớ lại.

Một lần nữa, ông Mình lặn lội tìm kiếm con gái nhưng lần này “biển sâu hơn” vì bên kia biên giới muốn tìm được đâu phải là chuyện đơn giản. Phần vì không có tiền, phần vì chẳng biết ngôn ngữ. Gom góp tiền bạc rồi nhờ sự giúp đỡ của một người cháu họ ở gần của khẩu Cổng Trắng, ông Mình quyết định sang bên kia biên giới một lần nữa. Nhờ người cháu họ giúp đỡ, ông Mình được yêu cầu phải giả câm, điếc. Bởi nếu để lộ ra thì việc tìm con gái sẽ khó khăn hơn, cũng là để đảm bảo an toàn cho Hoạt. Tuy nhiên sau 2 ngày cùng với cháu tìm kiếm gần chục nhà chứa sát biên giới Việt – Trung không có kết quả, ông Mình đành trở về Việt Nam và chờ đợi thời cơ khác.

Do cuộc sống nghèo khó, lại thường xuyên bệnh tật nên hành trình tìm con gái bị bắt cóc của ông Mình đành phải gác lại. Sau hơn 10 năm tạm dừng, đến năm 2006, tích góp được một ít tiền, người cha già khởi động lại cuộc tìm kiếm. Ông Mình rơm rớm nước mắt kể lại: “Sau bao năm tìm kiếm mà chưa có thông tin gì của con gái, tôi đoán Hoạt có thể sẽ bị bán để làm vợ một người nào đó ở Trung Quốc. Nghĩ thế, tôi tìm đến các gia đình có con bị bán sang Trung Quốc từ thông tin mà công an cung cấp. Lặn lội khắp nơi từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, cho đến Hà Nam, Hải Dương ở đâu có tin, tôi tìm đến hỏi thăm. Cuối cùng, ông trời không phụ công, một niềm hi vọng mới đã đến khi tôi gặp được Hương, một cô gái ở tỉnh Hưng Yên cũng bị bán qua Trung Quốc. Rất may mắn, Hương biết một chút thông tin về con gái tôi, cô ấy đã hướng dẫn nó cách liên lạc về gia đình”.

Vào một ngày đầu năm 2012, ông Mình cùng với những người trong gia đình một lần nữa không kìm được nước mắt khi nhận được lá thư gửi về từ bên kia biên giới. Run rẩy lật từng trang giấy, người cha già không tin nổi vào mắt mình, khi từng dòng chữ ghi cụ thể địa chỉ mà con gái ông đang cư ngụ. “Nhận được tin con, dù rất vui mừng nhưng tôi không thể vội vàng được. Nếu để cho gia đình nhà chồng Hoạt biết chuyện, cha con chúng tôi sẽ khó lòng gặp được nhau. Nhờ sự giúp đỡ của người cháu bên Bằng Tường (Trung Quốc), tôi lại phải giả câm, giả điếc đi tìm con. Nhưng lần này đi, tôi dẫn theo cả bà Tập”, ông Mình chia sẻ.

Đau đớn nhìn cô con gái 14 tuổi năm nào, giờ đã là mẹ của 2 đứa con và làm vợ của người chồng chỉ kém ông Mình có vài tuổi, người cha già nghẹn lời ôm chầm con gái vào lòng. “Đêm ấy, sau gần 20 năm, tôi và con mới được ngủ cùng nhau. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc, bao nhiêu năm tháng, bao nhớ nhung muộn phiền đành nhờ những giọt nước mắt sẻ chia. Nhớ con lắm nhưng không thể đưa con về nước được vì nó còn có gia đình và con cái nữa”, bà Tập xót xa.

Đầu năm 2013, sau khi gom góp được một chút tiền, Ban Thị Hoạt tìm về với gia đình. Ngày đi chỉ là một cô bé 14 tuổi, khi trở về cô đã là một người hoàn toàn khác. Nhiều người trong bản khi hay tin Hoạt trở về đã lặn lội hàng chục cây số tìm đến gia đình ông Mình để chia sẻ niềm vui ngày đoàn tụ. Trong niềm vui ấy, mọi người càng khâm phục hơn khi biết rằng, trong gần 20 năm dài đằng đẵng, người cha già vẫn lặn lội tìm kiếm đứa con gái từng ngày, từng giờ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Phong (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN