Người cả đời giữ rừng lim quý cho bản làng

Sự kiện: Thời sự Quảng Bình

Đó là ông Trương Quốc Đô ở xã vùng cao Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Năm nay đã gần tuổi 70, ông Đô đã đi hàng ngàn kilomet đường rừng, nắng cũng như mưa, ông lặn lội trong cánh rừng già để bảo vệ từng gốc cây, từng khoảnh rừng hàng chục hecta gỗ lim quý hiếm.

Ông bảo “phải mất hàng trăm năm mới có những cây gỗ quý, song mình không bảo vệ lâm tặc chỉ cưa trong vòng vài tiếng, giữ rừng không phải chỉ giữ cho bản thân mà là giữ cho con, cháu, cho bản làng”.

Đứng bên gốc lim lớn phải hai ba người ôm, ông Đô hào hứng khi nói về tiểu sử cây lim già. Tuổi thơ của ông lớn lên bên gốc lim này, và cánh rừng Cồn Lim ở xã Tân Hóa ông xem như chính ngôi nhà mình. Trong những năm chiến tranh, ông Đô cùng đám bạn tuổi thơ vẫn thường leo trèo, chạy nhảy trong khu rừng này để bắt chim, lấy tổ ong tìm mật.

Cả cuộc đời ông Đô gắn bó với rừng.

Cả cuộc đời ông Đô gắn bó với rừng.

Khi nhiều đơn vị bộ đội đi qua, ông và đám bạn lại trở thành những chú liên lạc chỉ đường, hoặc báo cho mọi người nước lũ dòng suối khi đầy khi vơi để tránh đi qua… Thời ấy, cậu bé Đô cảm thấy xót xa khi những vạt rừng bị bom đạn vạt ngang, tình yêu rừng cũng bắt đầu từ những ngày đó. Sau chiến tranh, thấy những cánh rừng cứ mất dần, mất dần do lâm tặc khai thác, ông Đô lo lắm.

Ông báo với chính quyền địa phương xin được bảo vệ rừng lim. Lúc đầu cơ quan chức năng ái ngại, vì lo sợ giao rừng cho ông rồi lại để lâm tặc phá hết. Thấy ông trình bày cách giữ rừng bằng tấm lòng nhiệt huyết vì rừng, lực lượng chức năng lên khoanh đo, đếm cây giao cho ông bảo vệ.

Từ ngày được giao cho khoanh nuôi, bảo vệ cánh rừng Cồn Lim, ông Đô rất ít khi ở nhà, cuộc sống của ông gắn bó với cây rừng. Ông kiểm đếm từng gốc cây, ông nhớ tiểu sử nhiều cây lim già, ông yêu chúng như sinh mạng của mình. Có những lần vừa bưng bát cơm lên, nghe tiếng cưa máy xè xè, ông biết lâm tặc vào trộm rừng, ông lại vội chạy vào rừng.

Đến nơi có tiếng cưa, ông phát hiện một nhóm lâm tặc gồm 3 người dùng máy cưa và các phương tiện khác chuẩn bị hạ một cây lim cổ thụ. Ông lao vào ôm lấy thân cây, nhóm lâm tặc lôi ông ra, ông lại lao vào ôm gốc cây. Chúng đánh ông, ông gào lên như con hổ giữ canh rừng, chúng đánh ông đến ngất xỉu rồi bỏ đi. Mấy đứa con của ông thấy bố lên rừng lâu không quay lại ăn cơm nên đi tìm và phát hiện đưa ông về…

Hơn 30 năm trăn trở, đau đáu, chăm sóc của ông Đô, đến nay rừng Cồn Lim cây mọc tươi tốt, trở thành cánh rừng già với nhiều loại gỗ quý hiếm. Khu rừng Cồn Lim có nhiều cây lim cổ thụ với tuổi đời trên trăm năm. Ngoài ra, những cây lớn có đường kính to khoảng từ 0,5-1m được ông gìn giữ, coi sóc như là “báu vật”.

Suốt hơn 30 năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, có lần ông từng bị trọng thương, nguy hiểm đến tính mạng phải nghỉ ở nhà cả tháng trời nhưng ông không bao giờ nản chí, ông quyết bảo vệ từng cây rừng và trong nhiều lần đối mặt đó, lâm tặc nghe đến tên ông Đô “hổ” cũng phải rùng mình, khiếp sợ.

Cứ thế, qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, năm này qua năm khác, từ tờ mờ sáng ông Đô khăn gói lên rừng đến khi trời nhá nhem tối mới trở về nhà. Ông tâm sự những ngày vất vả nhất là vào mùa hè, nắng oi bức nên rừng dễ bị cháy, ông phải rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra thật kĩ. Ông phát sạch thực bì, phát cây cỏ dại làm rào cản cháy.

Hễ thấy người lạ vào rừng là ông đuổi ngay còn người dân vào lấy củi khô là ông nhắc nhở cẩn thận như không hút thuốc, không đốt ong và sử dụng vật dụng dể cháy nổ và theo sát họ cử chỉ họ rồi mới yên tâm ra về.

Nhờ sự chăm sóc, bảo vệ chu đáo mà rừng ở Cồn Lim do ông Đô canh giữ, bảo vệ ngày càng phát triển tươi tốt. Nhờ uy tín, dũng mạnh và sự bảo vệ nghiêm ngặt của ông hàng chục năm qua đã khiến lâm tặc không dám vào rừng phá nên mới có thành quả như hôm nay.

Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho hay: Trương Quốc Đô là một tấm gương sáng, điển hình trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng và góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng rất đáng được tuyên dương, khen thưởng.

Quyết không bán để bảo vệ hơn 40 tổ ong rừng trong vườn nhà

Một cây gạo trong vườn nhà dân mỗi năm có hơn 40 tổ một ong rừng "khủng" treo trên các cành cây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sông Lam-Lam Hồng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN