Người bỏ tiền tỷ nối những nhịp cầu

Đến giờ, những cây cầu phao bắc qua sông của anh đã giúp nhiều vùng quê nghèo đổi thay nhờ đi lại thuận tiện. Ấy thế mà nhiều người vẫn bảo anh “điên”...

Một thời chìm nổi

Tôi từng gặp anh Trần Văn Trường trong cái ngày anh bắt tay vào xây dựng cây cầu phao nối liền hai bờ sông Tả Trạch ở xã Hương Thọ (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế), nhưng hồi ấy anh bận túi bụi nên chẳng chuyện được nhiều.

Thế rồi sau nhiều lần hẹn, tôi tiếp tục tìm về xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), với mong muốn gặp lại “người điên”. Mở đầu câu chuyện, anh bảo: Sau khi hoàn thành cây cầu ở Hương Thọ, tui lại khởi động xây dựng một cây cầu phao khác, vì thế lúc nào cũng bận túi bụi, hiếm khi có thời gian rảnh rỗi…

Sau khi xuất ngũ, anh Trường về quê lập gia đình trong cảnh túng thiếu trăm bề. Không chấp nhận nghèo đói, năm 2005, anh vay vốn nuôi tôm với hy vọng đổi đời, nhưng thật oái oăm khi những hồ tôm gần đến kỳ thu hoạch thì bị trận lũ lớn cuốn trôi tất cả, khiến gia đình anh còng lưng gánh khoản nợ 150 triệu đồng. Sau đó, anh lọ mọ vào vùng rừng núi của huyện Triệu Phong chăn bò thuê cho một chủ trang trại để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Với số tiền ít ỏi tích góp được, 2 năm sau, anh về quê quyết tâm cùng vợ mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ.

Người bỏ tiền tỷ nối những nhịp cầu - 1

Anh Trần Văn Trường trên cây cầu phao bắc qua sông Tả Trạch.

Khi việc buôn bán đang thuận lợi thì tai họa lại giáng xuống. Đứa con trai 10 tuổi của anh đang khỏe mạnh thì bị tai nạn, dẫn tới chấn thương sọ não. Hơn nửa năm vay mượn tiền nuôi con ở bệnh viện, khoản nợ ngân hàng của gia đình càng thêm ngập đầu, khiến việc buôn bán không thể tiếp tục. Lâm vào cảnh đường cùng, anh bèn viết đơn xin làm nghề chèo đò qua sông Bến Hải để kiếm đồng ra đồng vào, mưu sinh cho qua ngày đoạn tháng...

Ngày đó, đoạn sông này không có cầu nên người dân trên địa bàn quanh năm phải phụ thuộc vào con đò nhỏ tròng trành. Việc đi lại hết sức vất vả và nguy hiểm, nhất là đối với những em học sinh hàng ngày phải vượt sông tới lớp. Những chuyến đò chênh vênh vượt dòng nước xiết cứ luôn ám ảnh anh Trường trong từng giấc ngủ.

Nhớ lại thời còn trong quân ngũ, có lần đi qua một xã miền núi, anh thấy người ta bắc cầu phao qua sông rất thuận tiện và an toàn. Từ đó, anh Trường nung nấu ý định bắc một cây cầu phao qua sông Bến Hải, để người dân không phải nơm nớp lo sợ mỗi khi vượt sông bằng đò nữa...

Nối những bờ vui

Ý tưởng thì hay, nhưng để thực hiện nó không đơn giản chút nào, nhất là khi gia đình anh đang trong cảnh gạo chợ nước sông. Khi anh bàn với vợ vay mượn tiền làm cầu phao, đương nhiên vợ anh gạt phắt, bảo anh đã nghèo còn hoang tưởng. Nhưng tính anh vốn táo bạo, đã tâm đắc cái gì là quyết làm bằng được. Không được vợ ủng hộ, anh tìm “liên minh” qua kênh bạn bè. Khi nghe anh nói về lợi ích của cây cầu phao đối với dân sinh rất “lọt tai”, 3 người bạn “chân đất” là Trần Công Chức, Trần Duy Bôn và Phạm Dũng đã quyết định góp sức cùng anh xây cầu.

Hay tin những nông dân này cầm cố tài sản vay tiền ngân hàng làm cầu phao, ai cũng bảo họ “bị điên”. Thậm chí có người còn kháo rằng, các anh vay mượn tiền tỷ đầu tư xây cầu, chắc chắn một ngày không xa sẽ… không còn cái quần mà mặc! Nhưng sự ủng hộ của đa số người dân đối với việc xây cầu đã khiến các anh bỏ ngoài tai những lời vào ra ấy. Sau vài tháng ngược xuôi vay vốn, mua sắm vật liệu và thi công, cuối cùng cây cầu phao đầu tiên bắc qua sông Bến Hải đã hình thành.

Cây cầu dài 120m, rộng 2,5m, với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ đồng đã chấm dứt cảnh “lụy đò” đằng đẵng của người dân địa phương. Đến giờ, anh Trường vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tháng 5/2013, người dân các xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) và Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) hết sức vui mừng khi một cây cầu phao bắc qua sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương) được xây dựng.

Không vui sao được khi từ thuở khai thiên lập địa đến nay, người dân nơi đây hàng ngày vẫn phải trao gửi tính mạng cho những con đò nhỏ mong manh, chứa đầy ẩn họa. “Cha đẻ” của cây cầu dài 160m, rộng 2,5m, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng này không ai khác chính là anh Trường.

Anh Trường kể, trong một lần đi thăm gia đình bà con xa ở Hương Thọ, anh nhìn thấy nhiều người dân và học sinh qua sông bằng chiếc đò mỏng manh, lắc lư trên dòng nước chảy xiết mà rùng mình. Rong ruổi tại nhiều thôn “ốc đảo” ở đây như Sơn Thọ, Thạch Hàn, La Khê Trẹm, Kim Ngọc, Đình Môn… anh được nghe thêm về nhiều trường hợp người dân gặp nguy hiểm khi đi đò ngang, nhất là những ngày mưa gió. Càng xót xa hơn khi nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì cách trở đò giang. Về nhà, anh trằn trọc không ngủ được, những hình ảnh người dân và các em học sinh đi đò liêu xiêu trong mưa gió khiến anh không thể chợp mắt…

Cuối cùng, anh Trường lại chạy đi vay tiền để xây một cây cầu phao bắc qua đoạn sông này. Tôi cũng may mắn có dịp chứng kiến niềm vui vô bờ của người dân miền sơn cước này khi lên đây xem anh Trường bắc cầu phao. Bà Mai Thị Hoa (thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng) tâm sự: Tui và người dân nơi đây có nằm mơ cũng không thể ngờ mình đã được “đoạn tuyệt” với cảnh đò ngang. Tui sống ở đây đã 50 năm rồi, 50 năm chỉ mong có cầu bắc qua sông. Chừ thì bà con khỏi còn lo nguy hiểm, tụi trẻ cũng không lo thất học nữa rồi…

Chữ tâm bằng… mười chữ tiền

"Làm cầu phao đối với tui như một duyên nghiệp, điều tui hạnh phúc nhất là được thấy người dân đi về thuận tiện, an toàn trên những cây cầu do tui xây dựng. Tui luôn quan niệm chữ tâm bằng mười chữ tiền”.

Anh Trần Văn Trường

Nghiệp “nối bờ vui” của anh Trường không dừng lại ở 2 cây cầu phao bắc qua sông Bến Hải và sông Tả Trạch. Thời gian này, anh đang ngược xuôi để xây dựng một cây cầu phao khác cho vùng quê khó khăn ở thượng nguồn sông Gianh của tỉnh Quảng Bình.

Nhấp chén trà ấm, anh cười bảo, việc người ta nói anh “bị điên” khi vay mượn hàng tỷ đồng để xây dựng những cây cầu phao, không phải không có lý. Bởi lẽ, với số vốn đó, nếu anh đầu tư vào một số lĩnh vực kinh doanh khác, chẳng mấy chốc mà hái ra tiền.

“Ngay một số người quen của anh, chỉ với số vốn vài trăm triệu đồng, sau vài năm mở nhà hàng ăn uống đã thu về bạc tỷ, trong khi tui bỏ tiền tỷ xây cầu chỉ để thu về những đồng bạc lẻ… Vì thế họ bảo tui “điên” chẳng oan” – anh Trường nói vui.

“Nhưng đó là sự tính toán thuần về kinh tế, tui thì quan tâm nhiều đến ý nghĩa của những cây cầu phao đó đối với xã hội. Nếu hoàn toàn vì lợi ích kinh tế, tui đã không đi xây cầu phao, nếu xây thì cũng thu tiền phí qua cầu bằng tiền người dân đi đò hằng ngày. Đằng này, tui thu phí qua cầu phao rẻ hơn nhiều so với đi đò và hoàn toàn miễn phí đối với học sinh, giáo viên” – anh Trường tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Sơn (Dân Việt)
Lật cầu thảm khốc ở Lai Châu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN