Người biểu tình Thái Lan tìm cách "phá" bầu cử
Người biểu tình Thái Lan đang tìm mọi cách để phá hoại cuộc bầu cử sớm sắp diễn ra vào tháng Hai tới đây.
Ngày 23/12, người biểu tình Thái Lan đang đẩy mạnh chiến dịch phá hoại cuộc bầu cử sắp tới bằng cách ngăn cản các ứng cử viên tới ghi danh nhằm hạ bệ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Đảng Dân chủ đối lập vốn chưa giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử suốt 20 năm nay ở Thái Lan đã thề sẽ tẩy chay cuộc bầu cử sớm được bà Yingluck kêu gọi tổ chức vào tháng Hai tới đây sau khi hàng ngàn người biểu tình đổ xuống đường phố Bangkok trong suốt một tuần lễ.
Người biểu tình Thái Lan đụng độ với cảnh sát bên ngoài nhà của bà Yingluck
Hôm Chủ nhật, Ủy ban An ninh Quốc gia Thái Lan cho biết ít nhất 150.000 người đã tổ chức cuộc tuần hành quy mô lớn trên các đường phố nhằm phản đối bà Yingluck và cựu Thủ tướng Thaksin.
Hôm thứ Hai, hàng trăm người biểu tình đã bao vây sân vận động ở Bangkok, nơi đại diện các đảng phái chính trị tới ghi danh để ứng cử vào cuộc bầu cử trước thời hạn chót 27/12.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, đại diện Ủy ban Bầu cử Somchai Srisutthiyakorn cho biết đã có 9 đảng ghi danh tham gia cuộc bầu cử này mặc dù các ứng cử viên không thể hoàn thành được các bước đăng ký.
Ngoài ra, hơn 20 đảng khác đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát vì họ bị người biểu tình ngăn cản không cho vào trong sân vận động để ghi danh.
Các đại diện đảng Pheu Thai của bà Yingluck đã vào được bên trong sân vận động ngay từ sáng sớm trước khi người biểu tình bao vây các lối ra vào. Họ cho biết tên bà Yingluck hiện đang đứng đầu trong danh sách các ứng cử viên của đảng, một vị trí có nhiều khả năng sẽ đảm bảo chiếc ghế Thủ tướng cho bà nếu đảng Pheu Thai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Người biểu tình phong tỏa lối vào điểm ghi danh bầu cử
Trong khi đó, một nhóm người tự xưng là Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân do người biểu tình tự lập ra đã kêu gọi thành lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để giám sát các cuộc cải cách được định nghĩa một cách mơ hồ trước khi tiến hành bầu cử trong vòng 12-18 tháng.
Ủy ban này thề sẽ quét sạch ảnh hưởng của “chế độ Thaksin” ra khỏi Thái Lan và phản đối đến cùng cuộc bầu cử sớm với lý luận rằng cuộc bầu cử này sẽ dựng lên một chính phủ thân với cựu Thủ tướng Thaksin.
Người biểu tình Thái Lan đã kêu gọi quân đội nước này hậu thuẫn, song các tướng lĩnh quân đội đều thẳng thừng bác bỏ và khẳng định họ sẽ không can thiệp vào chính trường trong giai đoạn hiện nay.
Đảng Dân chủ Thái Lan cũng đã từng tẩy chay cuộc bầu cử vào năm 2006 và tạo ra bầu không khí bất ổn về chính trị, tạo điều kiện cho quân đội ra tay can thiệp thực hiện cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin.