Người bệnh đang khổ sở vì Viện Huyết học cạn kiệt máu

“Khan hiếm máu những ngày qua đã ảnh hưởng nhiều tới công tác điều trị, khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Người bệnh cần máu quằn quại, mệt mỏi, có thể chết”, GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết.

Ngay sau khi thông tin ngân hàng máu lớn nhất của cả nước sắp cạn kiệt (chỉ còn 5.000 đơn vị máu cung cấp cho bệnh nhân trong vòng 3 ngày) được đăng tải, nhiều người lo ngại, liệu điều gì sẽ xảy ra với những người đang có nhu cầu truyền máu?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.

Thưa ông, vừa qua Viện Huyết học phát thông điệp “sắp cạn kiệt máu”. Có ý kiến cho rằng, thông điệp này lẽ ra phải được thông báo trước hàng tháng để cộng đồng cùng chia sẻ. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về điều này? Theo ông, nếu ngân hàng máu cạn kiệt, người bệnh sẽ ra sao?

Người bệnh đang khổ sở vì Viện Huyết học cạn kiệt máu - 1

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Nhìn chung, khan hiếm máu trong 3 tuần gần đây diễn ra thường xuyên mặc dù nhu cầu máu của bệnh nhân không tăng nhiều so với trung bình các tháng trước đó. Khan hiếm máu do thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân cũng ngại ra khỏi nhà để đến các điểm hiến máu hay khu vực tiếp nhận máu lưu động.

Ngoài ra, thời điểm này học sinh, sinh viên (lực lượng hiến máu chính) đang trong giai đoạn thi cử và nghỉ hè nên thiếu người hiến máu.

Năm nào cũng vậy, khan hiếm máu vẫn là nỗi lo thường trực của các trung tâm truyền máu, nhất là trong mùa hè. Viện đã và đang tiếp tục kêu gọi, vận động cộng đồng cùng chung tay chứ không phải chỉ trong thời điểm gần đây.

Ngân hàng máu cạn kiệt, đặc biệt là thiếu nhóm máu A những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nhiều tới điều trị, khám chữa bệnh tại các bệnh viện và bệnh nhân. Người bệnh thiếu máu phải quằn quại, mệt mỏi, chứ chưa nói là sẽ chết. Đặc biệt, máu là nguồn sống của những bệnh nhân thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Vì thế nếu không được truyền máu thì người bệnh sẽ khó qua khỏi. Trong khi đó, những bệnh nhân này liên tục bị thiếu máu. Nếu không được truyền hồng cầu, người bệnh chỉ sống được một thời gian ngắn.

Người bệnh đang khổ sở vì Viện Huyết học cạn kiệt máu - 2Người bệnh phải quằn quại, mệt mỏi chờ đợi máu

Được biết, phong trào hiến máu nhân đạo mấy năm nay đã phát triển mạnh trong cả nước. Vậy tại sao, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương vẫn “khan hiếm máu”?

Năm 2014, lượng máu thu trong cả nước là 1,1 triệu đơn vị tương ứng với 1,1% dân số. WHO quy định, tiêu chuẩn an toàn truyền máu của một quốc gia bảo đảm tối thiểu 2%. Do đó, Việt Nam vẫn thuộc diện khan hiếm máu và cần kêu gọi cộng đồng.

Như ông nói, số người hiến máu tình nguyện chủ yếu trông chờ vào học sinh, sinh viên. Vậy, lý do vì sao phong trào này vẫn chưa thật sự đi vào đời sống như mong muốn?

Sở dĩ phong trào hiến máu chưa thu hút người dân vì nhiều người còn e ngại, lo sợ những tác hại khi hiến máu như: Lây nhiễm bệnh tật, sợ hiến máu xong cơ thể sẽ yếu, sút cân, sợ máu, sợ kim tiêm… Tuy nhiên, tất cả những lo lắng trên đều phản khoa học. Bởi hiến máu không chỉ giúp cho cộng đồng, những người kém may mắn mắc bệnh tật, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người hiến máu. Ngoài ra, đăng ký hiến máu còn được khám sức khỏe, kiểm tra nhóm máu, bệnh tật miễn phí.

Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương sẽ có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong thời gian tới, thưa ông?

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các địa phương điều tiết máu, kêu gọi sự vào cuộc của cộng đồng. Nhờ đó, từ ngày 23 – 25.6, Viện tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi đến liên hệ hiến máu của các cá nhân, tổ chức, đơn vị. Tại Trung tâm Truyền máu Hà Nội, từ đầu tuần đến nay, đã tiếp đón hàng trăm cá nhân, tập thể và các nhóm thiện nguyện đến tham gia hiến máu.

Ngoài ra, Viện cũng điều tiết máu từ các địa phương, vào các ngày từ 23 – 25.6, Viện đã phối hợp với các địa phương như Bắc Kạn, Đắk Lắk, Đắk Nông… với lượng máu tiếp nhận được trên 1.000 đơn vị.

Đặc biệt, ngày 2.7, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương sẽ tổ chức “Hành trình đỏ” trong cả nước. Lượng máu thu được sẽ đáp ứng nhu cầu máu từ tháng 7,8,9,10,11. Ngoài ra, từ sau Tết Nguyên đán, Viện sẽ có “Lễ hội Xuân hồng” đáp ứng nhu cầu máu tháng 1,2,3,4,5.

Tại sao nhận máu hiến tình nguyện mà bệnh viện lại thu tiền khi có người cần máu?

Từ máu của người cho đến khi có máu vào ven người nhận phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là tuyên truyền vận động, lấy máu, sàng lọc, phân tách, bảo quản, lưu trữ, mang đến từng bệnh viện.

Tất cả các công đoạn tốn rất nhiều kinh phí. Toàn bộ quy trình lấy máu cho đến khi người bệnh được nhận tại thời điểm này không dưới 2 triệu/1 đơn vị máu. Nhưng thực tế, bệnh nhân trả phí do Bộ Y tế, Trung tâm truyền máu và Bộ Tài chính phê duyệt. Bệnh nhân thường trả phí dao động từ 450-810 nghìn/một đơn vị máu. Còn 1,2 triệu/ đơn vị máu do Nhà nước bù lỗ.

Ngoài ra, truyền máu không phải truyền thẳng từ người cho sang người nhận mà phải qua quy trình làm việc ngày đêm của các bác sĩ, kỹ thuật viên nên bệnh viện chi phí rất tốn kém.

(GS.TS.Nguyễn Anh Trí,
Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu – Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN