Người anh hùng tiết lộ cách “vuốt râu thần chết”
“Quả bom bướm ban đầu to như cái thùng phuy chứa hàng trăm quả bom con. Khi thả xuống cách mặt đất chừng 50m thì quả bom mẹ nở ra. Hàng trăm quả bom con bay khắp vùng và phát nổ bất cứ lúc nào. Nếu không biết nguyên lý để vô hiệu ngòi của quả bom thì thiệt hại rất lớn”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ, người được mệnh danh là “khắc tinh” phá bom bướm trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ cho biết, quả bom bướm con của Pháp ngày trước chỉ to bằng cái cốc nhưng tính sát thương rất cao. Ảnh: Cao Tuân
Nhiều lần chết hụt
Điều đầu tiên chúng tôi ấn tượng ở người thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa là ông cực kỳ kiệm lời. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm trên quê hương Nội Duệ, Tiên Du (Bắc Ninh) không ai biết ông là người có nhiều chiến công và được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lại càng không ai biết, ở làng quan họ ấy có một người chiến sỹ được bầu vào vị trí số 1 trong hơn 3 vạn TNXP phục vụ chiến dịch năm 1954.
Ở tuổi 84 nhưng ông Thụ vẫn giữ được sự hoạt bát, nhanh nhẹn. Ký ức tuổi thơ của ông là những trận mưa bom, bão đạn mà giặc Pháp cày xới trên quê hương. Năm ông lên 8 tuổi thì bố ông qua đời. Hai năm sau, người mẹ tần tảo cũng ra đi mãi mãi, bỏ lại 4 anh chị em ông bơ vơ giữa thời binh lửa ác liệt. Cậu bé Thụ khi ấy đã được ông nội, một nhà nho dạy học ở trường làng trực tiếp chăm nuôi, dạy dỗ.
Thấy Thụ là một đứa trẻ thông minh, học hành sáng dạ nên ông nội nhanh chóng định hướng cho cháu đi theo con đường cách mạng. Năm 1948, qua sự giới thiệu của một người bạn, ông lên Huyện bộ Việt Minh nhận nhiệm vụ. Nhờ sự nhanh nhẹn, gan dạ ông được đơn vị giao làm liên lạc, đưa văn thư cho cán bộ. Đồng thời, ông cũng học được kỹ năng đào hầm bí mật nhằm phục vụ công tác in ấn tài liệu cách mạng, che giấu cán bộ Việt Minh.
Trong câu chuyện của mình, ông Thụ vẫn không quên những lần chết hụt của mình. “Năm 1945, lúc tôi và cậu của tôi đang ngồi trong lớp học trường làng thì có máy bay địch bay qua. Chúng đã nhả đạn 12ly7 từ trên cao vào đúng lớp học. Hai cậu cháu ngồi cách xa nhau và đạn đã trúng người cậu, còn tôi thoát chết”, ông kể.
Đận khác, tại cánh rừng trám ở thôn Vân Khám, trong chiếc hầm bí mật 2 tầng, ông lại thoát chết lần 2. Ngày 15/9/1950, giặc phát hiện được vị trí nắp hầm nhưng khi mở nắp hầm ra, nhòm xuống chỉ thấy đất đá chứ không có người. Chúng đã thả xuống 2 quả lựu đạn để phá hầm. Sức ép của lựu đạn khiến hầm rung lắc, ông Thụ cùng một số người khác trú ẩn trong ngăn hầm bên trong mãi mới bò lên trên được do lỗ thông khí dưới tầng 2 quá nhỏ. Đến đầu năm 1951, ông được cấp trên cử vào Đội TNXP công tác Trung ương trực tiếp tham gia phục vụ các chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Thượng Lào với vai trò Đội trưởng Đội phá bom.
“Vuốt râu thần chết”
Hình ảnh quả bom bướm thu được sau chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954. Ảnh: T.L
Nhớ lại thời kỳ chiến tranh khó khăn gian khổ, ông Thụ tâm sự: “Khi xảy ra chiến tranh, chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết mình, sống chết chỉ là thứ yếu. Nhìn cảnh đồng đội mình hy sinh vì bom đạn một cách đau thương, tôi cùng với các anh em phải tìm bằng được cách “phá bom”. Nhất là loại bom bướm - thứ vũ khí được ví như “sát thủ chiến trường” bởi tính sát thương cao khi chạm phải”.
Người TNXP năm xưa phân tích: “Ban đầu, giặc Pháp sử dụng loại bom bướm có kích thước khá lớn, hình dạng như một cái thùng phuy và có các cửa chốt. Bên trong chia làm các ngăn, chứa hàng trăm quả bom bướm con chỉ nhỏ bằng hộp sữa bò thời bấy giờ. Tuy nhiên, kíp nổ thì được đặt ở bên hông. Còn cánh quạt thì ở giữa giúp cho quả bom con khi còn cách mặt đất chừng 100 mét thì sẽ tự động bung tỏa đi các hướng khác nhau và tiếp đất an toàn chứ chưa nổ ngay. Nếu chỉ cần người chúng ta chạm nhẹ vào kíp nổ có nối trực tiếp với kim hỏa phía trong, lập tức bom sẽ phát nổ”.
Có không ít kỷ niệm khiến ông rưng rưng nước mắt về những tháng ngày phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ của tổ phá bom nổ chậm, trực thuộc Đoàn TNXP Trung ương. Khi bước vào chiến dịch, các địa danh như Ngầm Hát Lót, Ngã ba Cò Nòi biến thành các trọng điểm đánh phá ác liệt mà giặc Pháp nhắm tới. Ngã ba Cò Nòi là điểm nối đường 13 (từ Yên Bái lên Điện Biên) với đường 41 (từ Hòa Bình qua Điện Biên) là nơi xung yếu có tính quyết định trên con đường vận chuyển vũ khí, trang thiết bị, lương thực để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì thế, địch luôn “ưu ái” cho nơi này bằng các trận “mưa bom”. Trong đó, có cả các loại bom phá (chạm đất là nổ để phá đường đi), bom nổ chậm (chỉ nổ sau một thời gian cố định) và bom bướm.
Ký ức đau lòng khiến ông không thể quên là trường hợp hy sinh do bom bướm của một đồng đội tên Thới, quê Thanh Hóa. Khi chạm, giật quả bom vẫn không nổ, anh Thới toan cầm lên ném xuống vực thì bom đột nhiên phát nổ, anh Thới đã hy sinh ngay sau đó. Nỗi buồn này trở thành động lực để người Tổ trưởng tổ phá bom quyết tâm tìm hiểu nguyên lý hoạt động của một quả bom bướm nó như thế nào.
Sau đó, ông Thụ đã xin cấp trên cho phép được tháo thử một quả bom bướm còn nguyên kíp nổ - hành động mạo hiểm được đồng đội gọi là “vuốt râu thần chết”. Bằng kinh nghiệm phá bom trước đó, ông Thụ nắm được nguyên tắc khi nổ, bom bướm chỉ nổ theo hướng từ mặt đất lên trên. Ông đã cho đào một cái hố sâu hơn đầu người, đứng xuống dưới và trên hai bàn tay cầm quả bom bướm giơ cao hơn mặt đất. Ông làm vậy là để nếu trường hợp bom nổ, chỉ bị thương ở tay thôi chứ sẽ không bị mất mạng.
“Khi rơi xuống, cánh quạt quả bom quay theo chiều kim đồng hồ. Nên để tháo được kíp nổ, tôi loay hoay mãi mà quả bom vẫn cứ nguyên vị không nhúc nhích, lay chuyển gì. Tôi quyết định thử vặn ngược chiều kim đồng hồ. Một lúc sau, kíp nổ đã từ từ được tháo bỏ, lộ ra các cấu trúc bên trong của quả bom. Anh em, ai cũng vừa mừng vừa thót tim”, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ bồi hồi nhớ lại.
Từ đó trở đi, cứ khi nào có bom không nổ thì chiến sĩ ta cẩn thận gom vào một hố sâu, rồi dùng bộc phá cho nổ một lần để tiêu hủy. Chính vì một lần dám liều này của ông Thụ đã góp phần quan trọng vào việc phá bom ở chiến trường.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với những thành tích xuất sắc trong công tác nhiều năm sau giải phóng, ông Thụ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Theo lời ông Thụ, khác với bom phá, bom nổ chậm hay bom napal, bom bướm đôi khi có những quả dù chạm, giật dây hay dùng sào chọc xa hàng chục mét vẫn không nổ. Do đó, rất cần tìm hiểu nguyên lý và cơ chế hoạt động của nó thì mới giúp ta tránh bị sát thương. Bởi khi bom bướm nổ, nó sẽ bắn ra rất nhiều các mảnh bom bằng gang rất giòn, sắc nhọn gây thương tích cao. |