Ngư dân và phút sinh tử của phi công Su-30MK2 trên biển
Ngư dân lần lượt cứu, vớt được cả hai phi công lái chiếc SU30 MK2 gặp nạn. Hàng ngàn người đã âm thầm chờ đợi xuyên đêm đến phút giây đón Thượng tá Trần Quang Khải về bờ rạng sáng 18/6. Hàng triệu người đang chờ tin 9 đồng đội của hai anh.
Gần 5 giờ sáng 18/6, tàu của Bộ đội Biên phòng Nghệ An đưa thi thể Thượng tá Trần Quang Khải vào bờ trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và người dân. Ảnh: Thanh Tùng
Thượng tá Trần Quang Khải sinh năm 1971, ở thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang), cùng quê với Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường. Cả hai có mặt trên tiêm kích SU30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa làm nhiệm vụ bay huấn luyện sáng 14/6. Khi đang bay trên bầu trời thuộc vùng biển Nghệ An thì SU30 mất liên lạc. Một ngày sau, ngư dân Hà Tĩnh tìm thấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường trôi dạt trên biển.
Trở về đất liền
Rạng sáng 18/6, tại cảng Hải đội 2 (Cửa Hội, Nghệ An), thi thể Thượng tá Trần Quang Khải được đưa vào bờ. Cũng nơi này cách 3 ngày trước, người thân, đồng đội, người dân mừng đón Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường khỏe mạnh về bờ. Phi công Khải được tàu cá NA 90554 TS của ngư dân Đậu Văn Kính (ngụ xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) tìm thấy khi tàu vừa nhổ neo rời cảng Cửa Lò vào khoảng 18h ngày 17/6, ra tới khu vực giáp ranh Hòn Mắt, trên vùng biển Cửa Lò, Nghệ An. Phi công Khải ở trong tình trạng vải dù quấn quanh, đã tử vong trước đó.
Ông Kính kể: “Tàu chúng tôi vừa xuất bến, trên đường đi thì nhìn thấy có vật lạ. Mang ống nhòm ra quan sát thấy một người với nhiều tấm vải dù nghi là phi công mất tích mà mấy ngày nay chúng tôi cũng như bao người khác đang ngóng đợi”. Không đắn đo, ông lập tức cho tàu tiến lại và điện về cơ quan chức năng. Sau đó ông cho neo tàu và giữ thi thể phi công để bàn giao cho tàu cứu hộ rồi lại tiếp tục lên đường bám biển cho trọn hành trình.
Ông Kính kể qua điện thoại: “Phàm là ngư dân, khi bám biển mà nhìn thấy người, việc đầu tiên là lập tức cứu vớt mà không cần biết người ta còn sống hay đã chết. Chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy phi công Khải. Sau đó biết anh không còn sống nhưng cả nước đang chờ tin anh…
Bàn giao người xong, chúng tôi tiếp tục lên đường, tàu vừa bắt đầu chuyến hành trình thì không thể quay về được. Xin gửi lời chia buồn tới gia đình và đồng đội của anh Khải. Chúng tôi như hàng triệu tấm lòng khác, luôn nghĩ về anh”.
Rạng sáng 18/6, Thượng tá Trần Quang Khải trở về đất liền sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả. Về với đồng đội, về với đất mẹ thiêng liêng trong khúc tráng ca bi hùng, trong tiếng hú của con tàu cập cảng. Anh trở về khi ánh ngày vừa rạng, giữa hai hàng tiêu binh, giữa những cánh tay đồng đội giơ lên ngang vành mũ…
Dòng lệ chảy nhòe khóe mắt của đồng đội anh, của bà con cửa biển, của hàng trăm phóng viên chứng kiến… Người dân cả nước chờ anh Cường, anh Khải trở về, chờ 9 đồng đội của hai anh trên chiếc máy bay Casa-212 trở về.
Nhận tin là đi tìm
Đấy là chia sẻ của ngư dân Phạm Văn Lệ (trú tại xã Thạch Bằng, Thạch Hà, Hà Tĩnh), chủ tàu cá HT-20219TS, cùng với 6 anh em của mình trên tàu quần thảo vùng biển Hòn Mắt để tìm kiếm phi công mất tích sau khi nhận được thông báo qua bộ đàm.
Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt hiền lành, ông Lệ kể: “Tôi có một linh cảm khó nói khi cả đêm neo thuyền mà không thể chợp mắt. Khoảng 3h sáng ngày 15/6, tôi đã thức anh em trên tàu cùng dậy để đi buông lưới, nhưng trong lòng tôi lại muốn đạp thuyền vòng vòng tìm kiếm, nhỡ may tìm thấy phi công”. Tàu cá còn trống trơn nhưng cả 7 ngư dân trên chiếc tàu nhỏ thó HT-20219TS không màng tới áo cơm mà cùng một suy nghĩ là phải đi tìm người.
Các ngư dân Hà Tĩnh kể lại giây phút cứu vớt phi công Nguyễn Hữu Cường. Ảnh: V.H
Sau khi trao Thiếu tá Cường khỏe mạnh cho tàu cứu hộ Biên phòng, các thuyền viên quay về đất liền ngay trong ngày 15/6 theo đề nghị của chính quyền địa phương. Ngoài ông Lệ, 6 ngư dân trên tàu cá gồm: Nguyễn Văn Hoạt (SN 1964), Trần Xuân Long (SN 1965), Nguyễn Ngọc Dậu (SN 1954), Võ Ngọc Lâm (SN 1966), Nguyễn Văn Xuân (1972) và Lê Hồng Thái (SN 1962).
Cả 6 thuyền viên đều trú tại xã Thạch Kim (Lộc Hà - Hà Tĩnh), riêng ông Lệ trú tại xã Thạch Bằng. Ông Dậu kể: “Trong đêm 14/6, qua kênh tin tức radio, các thuyền viên trên tàu mới biết về sự cố SU30 MK2 gặp nạn trên vùng biển này. Không ai bảo ai nhưng tất thảy đều nghĩ đến việc tham gia tìm kiếm người bị nạn”. Và chỉ sau mấy tiếng đồng hồ tìm kiếm, họ thấy Thiếu tá Cường đang chơi vơi trên chiếc thuyền phao, tay vẫy vẫy, miệng gọi: “Thuyền ơi, cứu với!”. Ông Long tâm sự: “Cứ như nhặt được vàng. Cứu được một mạng người, phúc để lại cả đời sau”.
Phi công Nguyễn Hữu Cường (ở giữa, không đội mũ) khỏe mạnh trở về.
Nhanh như cắt, tàu của ngư dân Lệ rú ga tiến tới, pha đèn hết cỡ để xác định có đúng là người đang kêu cứu không. “Nhìn thấy một người rất to lớn đang cố bám vào một cái phao màu vàng, chúng tôi lập tức thả thuyền thúng xuống lao tới cứu người”, ông Hoạt kể. Phi công Cường được các ngư dân cho ngậm sâm, bôi thuốc lên vết thương ở tay và cổ.
Anh Cường kể lại cho mọi người biết về chuyện máy bay gặp sự cố. Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, anh ăn dè từng miếng lương khô, khát quá chỉ dám uống 1-2 ngụm nước ngọt vì sợ hết. “Lúc bôi vết thương cho anh Cường, tôi nói với anh ấy, anh đã sống và tàu sẽ đưa anh về bờ an toàn kể cả phải dừng chuyến đánh bắt cá”, ông Hoạt kể.
Lúc lên tàu chuyển vào bờ, phi công Cường hứa với các ngư dân Hà Tĩnh là sau khi vào bờ sẽ bắt tay ngay vào việc tìm đồng đội nếu chưa ai tìm thấy, và rồi một ngày gần nhất sẽ cùng vợ con vào tìm gặp mọi người để cảm ơn, ôn lại chuyện sinh tử trên biển cả.