Ngư dân tính chuyện đồng loạt khởi kiện Trung Quốc
Chưa bao giờ ngư dân miền Trung đánh bắt ở Hoàng Sa lại gặp sự đe dọa hung hăng của tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc như hiện nay. Liên tiếp nhiều tàu Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam trở về trong thương tích. Nhiều ngư dân đã tính đến chuyện đồng loạt khởi kiện phía Trung Quốc.
“Chúng tôi có đầy đủ chứng cớ trong tay, sẽ khởi kiện đồng loạt hoặc làm nhân chứng” - anh Lê Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90351 khẳng khái.
Mở rộng phạm vi tấn công, cướp bóc
Anh Hồ Văn Trường (thuyền trưởng ĐNa 90082, Xuân Hà, Đà Nẵng) cho hay sau khi nhiều tàu cá ngư dân Việt can đảm thực hiện đánh bắt ở khu vực giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép, Trung Quốc không chỉ tấn công những tàu gần đó mà đã mở rộng phạm vi.
“Gần như vùng biển Hoàng Sa, kể cả những tàu đánh bắt cách đó 50 - 60 hải lý về các phía Tây và Nam đều bị họ hăm dọa. Nhẹ thì áp sát phun vòi rồng, nặng thì nhảy sang cướp bóc. Dường như họ đã có chủ đích tính toán cho việc hạ đặt này từ trước nên thời gian bố ráp, tấn công tàu mình họ thực hiện từ tháng 3. Đến nay, không biết bao nhiêu tàu bị nạn, đếm không xuể”.
Ông Phạm Chính, thuyền trưởng tàu QNg 98399 (Đức Phổ - Quảng Ngãi) kể, chuyến biển vừa rồi, tàu ông và tàu QNg 98388 đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa (tọa độ 16,42 độ vĩ Bắc, 110,29 độ kinh Đông) thì bị tàu Trung Quốc ập tới, phá nát hết ngư lưới cụ.
Ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tấn công ở Hoàng Sa (trong ảnh: tàu cá Trung Quốc đang lao tới đâm va tàu cá Đà Nẵng)
“Tàu họ lớn, lại có máy bay yểm trợ, mình chịu không thấu”. 2 tay lưới cản trị giá gần 400 triệu trên tàu bị phá, ngư cụ cũng bị cướp sạch. Tại huyện đảo Lý Sơn, theo thống kê, chỉ hơn một tháng nay, kể từ khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, đã có 11 tàu cá của ngư dân liên tục bị Trung Quốc uy hiếp, tấn công, cướp tài sản.
Nhiều tàu bị đập phá tan hoang khi chạy về cập đảo, có ngư dân bị đánh trọng thương vẫn chưa thể bình phục. Ngư dân Bùi Ngọc Thanh, chủ tàu cá QNg 96679 (thôn Tây, xã An Hải) kể :“Gần 30 năm có mặt tại ngư trường Hoàng Sa, biết bao tai ương luôn rập rình. Những năm trước thiên tai bão gió hoành hành, nay lại thêm nỗi lo vì bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản”.
Tháng 3 vừa qua, sau gần 20 ngày bám biển Hoàng Sa, khi các khoang đã đầy cá, ông tính chạy về, nhưng tàu hải giám Trung Quốc bất ngờ xuất hiện đâm thẳng. Sau khi tránh né được, tàu hải giám Trung Quốc đã cho áp sát, người nhảy sang cướp sạch. Chuyến biển đó ông Thanh lỗ gần 700 triệu đồng.
Hoàng Sa là máu thịt thiêng liêng
Gần 30 năm bám biển Hoàng Sa, từ người đi làm thuê, đến khi làm chủ tàu, tâm trạng thuyền trưởng Bùi Ngọc Thanh lúc nào cũng phập phồng, bởi lo sợ bị cướp tàu giữa biển khơi. Bây giờ, đối với anh Thanh, Hoàng Sa đã là máu thịt thiêng liêng. Ra khơi không chỉ vì kinh tế gia đình, mà đó còn là trách nhiệm với tổ quốc.
Thuyền trưởng Thanh tâm sự, đối với ngư dân, tàu cá là tài sản vô giá, mình đã 3 lần bị Trung Quốc vô cớ bắt bớ, cướp tàu cá tại Hoàng Sa làm gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất nhưng sau những sự cố đó, mình lại đóng tàu mới mua lại ngư cụ để tiếp tục vươn khơi.
“Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, việc làm ăn của bà con ngư dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không vì thế làm chùn bước chúng tôi. Dù khó khăn đến mấy, có mất hết tài sản nhưng chúng tôi những ngư dân Lý Sơn vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, Bởi Hoàng Sa - Trường Sa luôn là máu thịt”- anh Thanh đanh thép.
Sẽ Đồng loạt khởi kiện
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn) cho biết: Hiện nghiệp đoàn đang phối hợp với các ngành chức năng, xác minh để thu thập bằng chứng, chứng minh hành vi thô bạo, vi phạm luật biển quốc tế để khởi kiện Trung Quốc”.
Tàu anh Lê Văn Chiến bị Trung Quốc tông gãy ống pô. Ảnh: Nam Cường - Anh Thư
Theo ông Chinh, những ngày qua, việc Trung Quốc có những hành động ngang ngược, vô nhân đạo khiến nhiều ngư dân Lý Sơn lâm vào cảnh khốn đốn, trắng tay vì mất toàn bộ tài sản, đe dọa đến tính mạng khi họ đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam. Hàng chục tàu cá bị hại không đủ khả năng để mua sắm lại trang thiết bị máy móc và ngư cụ để tiếp tục vươn khơi, nhiều ngư dân bị trọng thương do chống chọi với sự tấn công của vòi rồng tàu Trung Quốc vẫn chưa thể bình phục.
“Chúng tôi đang hướng dẫn ngư dân kê khai thiệt hại cùng những bằng chứng cụ thể để được tư vấn pháp lý, tiến hành khởi kiện Trung Quốc đã sử dụng tàu bảo vệ giàn khoan vô cớ tấn công tàu cá của ngư dân, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa về tính mạng khi đang hành nghề trong vùng biển Việt Nam”.
Ông Chinh khẳng định - ông Nguyễn Thanh- Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết, trước thông tin tàu cá của bà con ngư dân bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản tại ngư trường Hoàng Sa thời gian vừa qua dồn dập chuyển về, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời vận động ngư dân cứ yên tâm bám biển. Mặt khác, đề xuất tỉnh và chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ ngư dân.
Anh Lê Văn Chiến, một trong những thuyền trưởng vừa trở về từ Hoàng Sa cho hay, đang cùng nhiều anh em thuyền trưởng khác thu thập bằng chứng để đồng loạt kiện Trung Quốc.