Ngư dân Quảng Ngãi quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo
Biển của ta, ta vẫn ra khơi. Đó là lời khẳng định chắc nịch, thể hiện ý chí, lòng quyết tâm bám biển của ngư dân Việt Nam.
Dẫu có biết bao khổ nhọc, gian nan, thử thách giăng ra phía trước mũi tàu nhưng những ngư phủ làng biển vẫn vững chắc tay lái, chèo lái con tàu đánh cá vượt biển, vượt qua “phong ba bão táp” ngày đêm bám biển mưu sinh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Kiên trì bám biển
Ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa – vùng lãnh hải máu thịt của dân tộc Việt Nam – đã giúp nhiều ngư dân Quảng Ngãi giàu lên. Và, trong những ngày này, ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục hướng ra khơi xa, đồng lòng vươn khơi bám biển để làm giàu từ biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc giữa Biển Đông.
Bởi vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt. Hàng vạn ngư dân Quảng Ngãi lên tiếng cực lực phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đưa ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt mọi hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Sau những chuyến ra khơi, ngư dân Quảng Ngãi lại thu được nhiều lộc biển. (Trong ảnh: Ngư dân Lê Văn Cúc phấn khởi vì trúng lộc biển ở Hoàng Sa)
Là người con của Quảng Ngãi và đã hơn nửa đời người gắn bó với vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Lê Đủ, chủ tàu QNg-965545TS, rất bức xúc trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Ngư dân Đủ mạnh mẽ phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và cho rằng việc làm phi pháp của Trung Quốc đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt hợp pháp của ngư dân Quảng Ngãi. “Chúng tôi phản đối hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi vẫn ra Hoàng Sa đánh bắt vì đó là vùng biển của ông cha ta. Chúng tôi mong Nhà nước can thiệp để ngư dân được an toàn” – ông Đủ nói.
Không chỉ ngư dân Đủ lên tiếng phản đối mà rất nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi đều rất bất bình trước việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, huyện Lý Sơn, cho biết, số lượng tàu thuyền của ngư dân trong Nghiệp đoàn ra Hoàng Sa đánh bắt vẫn không hề giảm, bất chấp hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển đông. “Chúng tôi tiếp tục động viên ngư dân yên tâm vươn khơi. Ngư dân cũng nói là dù khó khăn đến mấy thì họ vẫn ra biển, vẫn đi Hoàng Sa” – ông Khuân nói.
Ngư dân đến tượng đài Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải ở đất đảo Lý Sơn để tri ân các bậc tiền nhân trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã đưa thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc và bảo vệ chủ quyền.
Để những chuyến ra khơi được an toàn và bội thu, ngư dân Quảng Ngãi đang tiếp tục huy động sức mạnh trên biển bằng việc phát huy tinh thần đoàn kết trong ngư dân thông qua 7 nghiệp đoàn nghề cá đã thành lập. Các đoàn viên trong nghiệp đoàn nghề cá tổ chức thành nhiều tổ đội đồng lòng bám biển.
Quyết bảo vệ biển đảo
Ngày 7/5, khi đang đánh bắt hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa, tàu cá của ngư dân Nguyễn Lộc ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước, đâm va vào, gây hư hỏng nặng. Sau đó, các thuyền viên trên tàu ngư dân Lộc đã khắc phục sự cố rồi vào lại bờ hôm 10/5 để sửa chữa lại tàu. Anh em trên tàu cá ngư dân Lộc đều khẳng định “vài ngày tới sẽ tiếp tục vươn ra Hoàng Sa chứ không bỏ biển”.
“Tàu chúng tôi ra đánh bắt ở Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc ngăn cản. Chúng tôi rất bất bình. Dù thế nào đi nữa thì chúng tôi vẫn quyết bảo vệ biển đảo quê hương” – ngư dân Nguyễn Trung tâm sự.
Ngư dân chuẩn bị tiếp tục vươn ra Hoàng Sa đánh bắt
Ngư dân Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, đã đại diện cho hàng ngàn ngư dân trên đất đảo lên tiếng chỉ trích hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc.
Ông Chinh nói: “Từ lúc 5h22 ngày 1/5/2014 đến 16h ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan HD-981 từ Tây-Bắc đảo Tri Tôn (thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Giàn khoan của Trung Quốc đặt nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là vùng ngư trường truyền thống, lâu đời của ngư dân Lý Sơn. Ngư dân Lý Sơn đã khai thác và mưu sinh trên vùng biển này từ bao đời nay. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào cùng với 80 tàu các loại, kể cả tàu quân sự đến vùng biển này và có những hành động gây cản trở, uy hiếp ngư dân ta là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Quy định của công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; gây bất ổn định và đe dọa hòa bình trong khu vực Biển Đông; đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản và sinh kế của ngư dân huyện đảo Lý Sơn tại ngư trường truyền thống lâu đời của mình.
Do đó, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải và An Vĩnh huyện Lý Sơn, đại diện cho ngư dân Lý Sơn, cực lực phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dừng các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 cùng với lực lượng tàu bè ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống của hùng binh Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải (Trường Sa) kiên định bám sát ngư trường để tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam”.
Từng ngày, ngư dân vẫn đoàn kết, nắm chặt tay tiếp tục bám ngư trường, không hề chuyển mũi tàu ra khỏi ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa quen thuộc.