Ngư dân bắt được cá sủ vàng tiền tỉ giờ ra sao?
Ngư dân từng nhận được “lộc trời” là cá sủ vàng vẫn đều đặn ra khơi đánh bắt cá và trú ngụ ở... gầm cầu.
Một con cá sủ vàng “đi lạc” vào lưới ngư dân. (Ảnh: Người lao động)
Sau 2 tháng đánh bắt được một con cá sủ vàng quý hiếm trị giá tiền tỉ, ngư dân Trịnh Văn Cương và gia đình (ngụ xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống lam lũ bấy lâu nay.
Chúng tôi tìm gặp anh Cương tại nơi anh cùng vợ và hai con nhỏ (một trai, một gái) đang trú ngụ vào một ngày giữa tháng 5. Gặp anh, ngồi trò chuyện cùng anh, chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nơi anh ở không phải là một ngôi nhà khang trang cũng không phải mái nhà lụp xụp, nơi anh ở là dưới gầm cầu trong một khu công nghiệp.
Cuộc trò chuyện bắt đầu giữa tiếng búa lộp độp do bạn bè đang phụ giúp anh Cương sửa con thuyền mưu sinh. Ngay khi PV vừa đặt câu hỏi về khoảnh khắc bắt được cá sủ vàng, ánh mắt của anh Cương thay đổi, anh cuối đầu xuống đất rồi nhìn lên trần cầu, sau đó sụt sùi với hai dòng nước mắt chảy dài trên má.
Cuộc trò chuyện chỉ mới bắt đầu đã bỗng trở nên vô cùng nặng nề, tiếng búa đóng tàu vẫn xen kẽ tiếng nấc của anh. “Tôi là bần cùng của xã hội rồi, tôi sống nay chết mai không biết đâu được”, nói xong anh Cương đi vào phòng - đó thật ra chỉ là một căn chòi tạm bợ, bốn vách phủ bạt hay những manh vải rách với mái là trần cầu.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Trang (64 tuổi, bạn thuyền của anh Cương) giải thích: “Tính nó vậy đó, hay khóc vì tủi thân khi nhắc tới chuyện cũ. Chú biết tại sao nó vừa khóc vừa nhìn lên mái cầu không?”. Chúng tôi im lặng đợi ông Trang tự trả lời giúp câu hỏi này: “Nó tự ái vì nó không bằng ai. Đối với nhiều người, 500 - 700 triệu có thể là rất lớn, sắm sửa được nhiều thứ nhưng với chú Cương thì không đủ để trả các món nợ ở quê. Nó nợ dòng tộc nhiều thứ lắm!”.
Ông Trang kể thêm, cuộc sống của anh Cương ở gầm cầu đã phức tạp, nhưng từ khi bắt được con cá sủ vàng càng phức tạp hơn. Ngày anh Cương bắt được con cá sủ vàng, cá vẫn sống khi đưa vào bờ nhưng anh Cương không dám nuôi dưới lạch mà phải cấp đông gửi nhờ tủ lạnh nhà ông Trang. Thậm chí ông Trang đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của công an xã để bảo vệ cá.
Tạm dừng câu chuyện quá khứ về cá sủ vàng, ông Trang hết lời khen ngợi anh Cương là một ngư dân chịu khó, làm lụng vất vả nhưng luôn thương yêu vợ con, cho các con ăn học đầy đủ, cậu con trai lớn sắp học xong lớp 6. Hiện, cuộc sống của anh Cương không khác xưa, vẫn phải lam lũ mỗi ngày nhưng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Một lúc sau, anh Cương quay ra rửa mặt tỉnh táo rồi ngồi thẳng lưng, thở một hơi dài và hỏi PV với giọng mạnh mẽ: “Bây giờ chú muốn hỏi gì chú cứ hỏi?”. “Lúc bắt được cá sủ vàng, anh có biết đó là cá sủ vàng hay chưa? Cảm giác của anh thế nào?”, PV hỏi.
Anh Cương đang trò chuyện cùng PV.
Một lần nữa anh Cương lại im lặng, nhưng được bạn bè xung quanh vừa an ủi vừa động viên “có sao cứ trả lời vậy”, thì anh Cương nói: “Lúc đó tôi nhìn con cá là biết ngay, không sai vào đâu được. Tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì đang sở hữu lộc trời, còn lo là lo bị người ta cướp mất cá”. Đồng thời, anh Cương cũng xác nhận thông tin toàn bộ số tiền dưới 700 triệu đồng bán cá đã được anh dùng để trả nợ ở quê Nam Định. Anh khẳng định, khi thương lái bán con cá này sang các thị trường khác thì chắc chắn giá phải tính bằng tiền tỉ.
“Nhiều người đánh đổi cả gia tài, cả cuộc đời nhưng cũng không thể một lần bắt được loài cá quý này. Tôi nghĩ mình may mắn lắm mới bắt được con cá sủ vàng đó. Xem như là lộc trời cho, tôi dùng tiền bán cá để trả nợ ở quê chứ chưa thể thay đổi cuộc sống nơi gầm cầu. Nói chung cuộc sống của tôi bây giờ là một vợ, hai con, gia đình hạnh phúc thế thôi”, anh Cương chia sẻ.
“Việc đổi đời để có cuộc sống tốt hơn thì ai không muốn, nhưng tôi biết đi đâu và làm gì. Bao năm nay tôi bám biển, chỉ biết đi đánh bắt cá tôm. Bây giờ tôi chỉ hi vọng nuôi nấng hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn để tụi nhỏ sau này không phải lam lũ nữa”, anh Cương trút bầu tâm sự.
Khi trời bắt đầu chập tối, điện thoại anh Cương liên tục rung lên với các cuộc gọi của bạn thuyền. Lúc này, cuộc trò chuyện tạm gác lại, gia đình anh Cương bắt đầu bữa tối với những món ăn rất dân dã dưới ánh đèn không thật sự đủ sáng.