Ngộp thở “heo vàng” thi vào lớp 1
Là trường điểm và chất lượng cao, năm nay trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn, Từ Liêm, Hà Nội có lượng hồ sơ thi tuyển rất đông. Với chỉ tiêu vào trường có hạn, các bé thi vào lớp 1 căng thẳng, hồi hộp hơn cả đi đại học.
Áp lực hơn cả thi đại học
Tham dự kỳ thi tuyển sinh năm học 2013-2104 tại trường Lê Quý Đôn, các sĩ tử nhí phải trải qua phần thi kiểm tra khả năng nhận thức của thí sinh bao gồm các phần thi quan sát, trắc nghiệm, nhận biết, tiếng anh…
Trong sáng 26/5, trường có 672 sĩ tử tham dự kỳ thi, chia làm 27 phòng, mỗi phòng 25 em học sinh.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù 7h30 phút mới bắt đầu vào phòng thi, nhưng ngay từ sáng sớm hàng trăm chiếc xe hơi “hạng sang” đã nối đuôi nhau xếp hàng dài hai bên đường. Nhiều phụ huynh lo lắng, suy tư trong lúc chờ “heo vàng” thi.
Do lượng hồ sơ nhiều nên các em được phân thi theo các giờ khác nhau. Vì đây là kì thi quan trọng đầu đời của các bé khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng
Nhà cách trường gần chục cây số, nhưng vì nghe các bậc phụ huynh kháo nhau, học trường công lập sĩ số lớp đông, học sinh lại bị áp lực học hành. Trong khi đó học trường dân lập, học sinh không quá đông, có không gian vui chơi, học tập ít bị áp lực nên hị Nguyễn Thị Hương 30 tuổi, ở Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội quyết định nộp hồ sơ cho con vào trường Lê Quý Đôn dù biết là học phí rất tốn kém.
Chị Hương cho biết, đến gần ngày thi, Tuấn Minh bỗng dưng bị ốm nên gia đình chị Hương khá lo lắng. “Để con yên tâm trước khi vào phòng thi tôi đã phải mang theo cuốn sách lớp 1, đưa con xem lại hình các con vật và hệ thống lại kiến thức cho con trước khi vào phòng thi. Tôi cũng khuyến khích cháu học bằng phương pháp “mẹ và con cùng ôn, cùng học”, chị Hương chia sẻ.
“Đây là lần đầu tiên tôi đưa con đi thi, tuy nhiên tôi cảm thấy mình hồi hộp, lo lắng cho con không khác gì tâm trạng những bậc phụ huynh đưa con đi thi đại học ”, chị Hương nói.
Cùng chung tâm trạng lo lắng như chị Hương, anh Lê Tân Dân, 45 tuổi ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm cũng đưa con Lê Hoàng Anh đến trường tham dự kỳ thi khá sớm.
Thay vì cho con ôn bài trước khi vào phòng thi như chị Hương, anh Dân lại chọn cách giảm áp lực, mệt mỏi cho con bằng cách đưa Hoàng Anh ra hành lang cho con chơi điện tử.
Anh Dân cho biết: "Luôn muốn lo cho môi trường giáo dục tốt nhất, do vậy, mà khi nghe tin những trường tiểu học có chất lượng tốt tôi đã lên kế hoạch cho con học ở đâu?, trường nào? ngay từ khi con được 4, 5 tuổi".
“Khoảng hơn 1 tuần trước, tôi đọc được thông báo của nhà trường lấy gần 400 em học sinh, trong khi đó có hơn 1.000 bộ hồ sơ nộp vào trường. Nếu như tỷ lệ chọi 1/4 thì quả là khó khăn cho các em”, anh Dân lo lắng.
Các em nhỏ cùng nhau xem lại hồ sơ của mình
Anh Hưng, 34 tuổi, ở khu Mỹ Đình 1, huyện Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: "Năm 2010, con gái lớn đã học tại trường Lê Quý Đôn nên gia đình cũng lựa chọn trường này cho con thứ hai. Trước thời gian thi, gia đình anh đã cho con đi nghỉ mát để con có những giờ phút thư giãn thoải mái. Tôi chọn cho cháu vào đây vì trường này có tiếng học tốt, thêm nữa là lại gần nhà. Trước kỳ thi, cả nhà tôi, từ ông bà, bố mẹ đều lo lắng” anh Hưng nói.
Chạy đua cho con ôn vào lớp 1
Năm nay, trường Tiểu học Dân lập Lê Quý Đôn lấy chỉ tiêu 360 học sinh chia đều cho 13 lớp học, mỗi lớp 30 học sinh. Phương thức tuyển chọn của trường, sẽ kiểm tra trắc nghiệm khả năng nhận thức của học sinh. Điểm xét tuyển sẽ lấy từ trên cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Do số lượng hồ sơ đông, chỉ tiêu của trường lấy ít học sinh nên trước khi kỳ thi tuyển diễn ra nhiều bậc phụ huynh đã đổ xô đi tìm chỗ ôn luyện cho con. Chị Trần Thị Hoa, ở khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai cho biết, để cho con có thể đỗ vào trường điểm chị đã đăng kí cho con học thêm ở "Câu lạc bộ sinh hoạt hè" trường Lê Quý Đôn. Với kinh phí 2,2 triệu đồng/1 học sinh, học 2 tháng, mỗi tuần một buổi.
“Để cho con chắc chắn sẽ thi đỗ tôi còn cho con đi học thêm phép tính toán nâng cao ở một trung tâm gần đường Thái Hà. Kinh phí là 3 triệu đồng/1 khóa học 2 tháng, mỗi tuần học một buổi”, chị Hoa kể.
Nét căng thẳng hiện lên trên khuôn mặt các em
Một số phụ huynh không cho con đi học ở các trung tâm, trường điểm đã chọn giải pháp tự thuê giáo viên riêng về nhà dạy cho con. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở quận Cầu Giấy cho biết, con chị Nguyễn Thị Tuệ đang học ở trường mầm non trên đường Lạc Long Quân, với số tiền học phí hơn 4 triệu đồng/ 1 tháng.
Dù biết là môi trường giáo dục ở trường mầm non đó khá tốt nhưng chị vẫn chưa yên tâm do thấy nhiều bậc phụ huynh cho con đi ôn. Suy đi tính lại, cuối cùng chị Hạnh rủ thêm 6 bậc phụ huynh có con thi vào trường điểm, cùng góp tiền thuê thầy giáo về nhà dạy thêm cho con. Một tuần học hai buổi, mỗi buổi là 200.000 đồng/1 học sinh.
Hàng tháng chị Hạnh tốn gần 6 triệu đồng cho việc học thêm của con ở trường và việc thuê thầy về nhà dạy thêm. “Dù biết là cho con đi ôn tốn kém nhưng bây giờ thấy các trường có chất lượng giáo dục tốt đòi hỏi các em phải có kiến thức để vượt qua kỳ thi tại trường. Tôi không cho con đi ôn thì con cũng khó thi vào được trường điểm”, chị Hạnh than thở.
Phần lớn các bậc phụ huynh cho con thi vào trường điểm đều cho con tham gia vào các câu lạc bộ của trường, hoặc cho con đi ôn luyện thêm ở các trung tâm để đảm bảo khi thi con em mình sẽ đỗ. Thậm chí, một số phụ còn tính đến phương án cho con thi ở hai trường để khi con đi thi không đỗ trường này sẽ đỗ trường khác. Cũng do vậy mà các trung tâm ôn luyện cho “heo vàng” luôn nóng trước kỳ thi diễn ra.