"Ngôi nhà vé số" của một thương binh

Với các cụ già bán vé số dạo trên địa bàn TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), ngôi nhà trong con hẻm 286 đường Nguyễn Công Phương của ông Nguyễn Lên - một đại lý xổ số kiến thiết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là ngôi nhà thứ hai của họ.

"Đơn giản vì tôi là thương binh 1/4, tôi thiếu đi một chân nên hiểu được sự khó nhọc, vất vả của những người tật nguyền, không còn nhiều sức khỏe. Tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng nghèo khổ, vất vả kiếm sống, phải làm đủ mọi công việc đồng áng, chăn nuôi như những người lành lặn, rồi mới có được ngày hôm nay. Vậy nên khi gặp các cụ, tôi đồng cảm và thấy thương vô cùng. 

Các cụ đều là người nghèo, người khuyết tật... Các cụ đi bán vé số kiếm từng ngàn lẻ để mưu sinh thì tiền đâu mà thuê trọ. Mình giúp các cụ được gì thì giúp vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm", ông Lên cho biết.

Với các cụ già bán vé số dạo trên địa bàn TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), ngôi nhà trong con hẻm 286 đường Nguyễn Công Phương của ông Nguyễn Lên - một đại lý xổ số kiến thiết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là ngôi nhà thứ hai của họ. 

Ngôi nhà cấp 4 vỏn vẹn 4 phòng, vậy mà ông chủ đại lý vé số tốt bụng đã dành hẳn 2 phòng cho các cụ già bán vé số tá túc, nghỉ ngơi. Không chỉ miễn phí chỗ ở, mà giường chiếu, chăn nệm, điện nước sinh hoạt… tất thảy đều được ông Lên tự bỏ tiền túi mua sắm để nơi ăn chốn ở của những người nghèo khó này được tươm tất.

Những cụ già tá túc nhà ông Lên, người nào cũng ngoài 70 tuổi, trong số đó có nhiều người tật nguyền, nhưng hằng ngày vẫn phải bươn chải mưu sinh kiếm sống trên các nẻo đường của TP Quảng Ngãi. Thế nên, cứ trái gió trở trời là ông Lên lại kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc và đưa đón các cụ đến bệnh viện khám bệnh, điều trị. 

Mới đây, cụ Nguyễn Tuấn (quê ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đang ngủ thì không may trở bệnh. Giữa đêm, ông Lên vội vã đưa cụ Tuấn đến bệnh viện, sau đó mới liên lạc với người nhà cụ.

"Ngôi nhà vé số" của một thương binh - 1

Ông Lên hỏi thăm cụ Bằng sau một ngày vất vả mưu sinh.

Nhắc đến ông Lên, cụ Tuấn xúc động: "Vừa rồi cụ bị đau bụng lúc nửa đêm, nhưng may mà có cháu Lên tận tình chở đến bệnh viện, rồi chăm nom. Tôi ở đây cũng gần 10 năm rồi, lúc đau bệnh đều được cháu Lên giúp đỡ. Cháu Lên không chỉ trao cho những người già như chúng tôi "cần câu cơm", mà còn giúp đỡ nơi ăn chốn ở đàng hoàng, sạch sẽ nơi đất khách và lại không lấy một đồng nào. Tình người là đây chứ đâu!".

Do cuộc sống ở quê khó khăn nên cụ Võ Văn Bách (quê ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) đến đây bán vé số mưu sinh. Hằng ngày, cụ vẫn cần mẫn dậy sớm đi đến những khu chợ, quán cà phê để bán vé số. Có những hôm trời mưa to gió lớn, cụ thường xuyên bị té vì chân yếu và không thấy đường về. 

"Có hôm, cụ đang đi trên đường thì sụp hố, bị trầy cả da. Khi về đến nhà, cháu Lên biết chuyện liền lấy thuốc thoa rồi còn xoa bóp nên đỡ đau. Cũng nhờ có cháu Lên mà ngày hôm sau cụ không còn thấy ê ẩm nữa nên dậy sớm để đi bán. Tuy nhiên, vì lo cho sức khỏe của cụ nên cháu không cho đi, còn gửi cho cụ mấy chục ngàn, gọi là tiền lời bán vé số ngày hôm đó", cụ Bách kể.

Những người bán vé số đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, sự sẻ chia của ông Lên như thắp lên niềm hy vọng cho hàng chục mảnh đời khó khăn, kém may mắn. Cụ Bách bảo, nếu không được ông Lên cho ở lại miễn phí, cụ phải đạp xe đi đi về về hơn chục cây số. 

"Cụ già rồi, đi còn té lên té xuống, nên nếu đạp xe hằng ngày để về nhà thì đuối lắm. Khi tới ở nhà cháu Lên, cụ đi bằng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình, rồi cứ để ở góc nhà, khi nào về quê thì mới lấy ra đi. Mà có khi cả tháng mới về nhà một lần, chiếc xe ít đi nên đóng đầy bụi", cụ Bách cho biết.

Bị cụt mất một chân, đi lại bằng xe lăn để bán vé số, cụ Nguyễn Bằng (quê ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) sẽ phải bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ cho chi phí thuê phòng trọ nếu ông Lên không cưu mang. Cụ bảo, có khi 2 tháng mới về nhà một lần. Tài sản chỉ có mấy bộ quần áo, cụ cũng mang đến nhà ông Lên để cất. 

"Nói chung, không còn là tá túc nữa, mà là cụ gần như ở hẳn nhà này. Bán mỗi tờ vé số, những người mưu sinh như cụ chỉ kiếm được cho mình 1.000 đồng. Ngày nào bán hết vé, mỗi người cũng kiếm được từ 70.000 đến 100.000 đồng. Vào những ngày mưa, dù có đội mưa đi bán cũng chỉ được 30.000 đến 40.000 đồng. Vậy nên được cháu Lên lo cho chỗ ăn, ở, các cụ đỡ tốn lắm. Mình nghèo nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", cụ Bằng nói.

"Ngôi nhà vé số" của một thương binh - 2

Cụ Bằng sau ngày mưu sinh.

Khi được hỏi lý do nào khiến ông chẳng nề hà khó nhọc, cho các cụ già tá túc, rồi chăm sóc lúc đau bệnh, ông Lên chỉ xuống đôi chân không còn nguyên vẹn của mình, nói giản dị: "Đơn giản vì tôi là thương binh 1/4, tôi cũng thiếu đi một chân nên hiểu được sự khó nhọc, vất vả của những người tật nguyền, không còn nhiều sức khỏe. 

Tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng nghèo khổ, vất vả kiếm sống, phải làm đủ mọi công việc đồng áng, chăn nuôi như những người lành lặn, rồi mới có được ngày hôm nay. Vậy nên khi gặp các cụ, tôi đồng cảm và thấy thương vô cùng. Các cụ đều là người nghèo, người khuyết tật cả. Các cụ đi bán vé số kiếm từng ngàn lẻ để mưu sinh thì tiền đâu mà thuê trọ. Mình giúp các cụ được gì thì giúp vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm!".

Nói rồi, ông Lên chỉ cho chúng tôi chiếc xe lăn nằm cạnh cặp nạng của cụ Bằng, chiếc xe lăn của cụ Nguyễn Thị Nở, chiếc xe đạp không xích không líp của cụ Đỗ Trọng cụt hai chân, bảo: "Đa phần các cụ đều không được lành lặn, cũng chẳng ai còn trẻ, vậy mà vẫn phải lặn lội mưu sinh. 

Ngày nắng thì đỡ, còn hôm mưa gió bão bùng, nhìn các cụ, tôi thương vô cùng. Nhưng với sức của tôi thì chỉ giúp được vậy thôi, không thể lo chu tất cho các cụ được. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi, mà nhiều người nếu gặp các cụ già như thế này, họ cũng giúp đỡ thôi. Bởi, mình không giúp thì sẽ thẹn với lòng lắm".

Dù giúp đỡ nhiều mảnh đời già yếu, nhưng ông Lên khiêm tốn bảo, không phải lúc nào cũng có thời gian chăm sóc cho họ lúc đau bệnh. Nhiều lúc, người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số. Tình người của họ thật chan chứa, khiến ông rất cảm động và luôn muốn được giúp đỡ họ với khả năng của mình. 

"Tuy cuộc sống cơ cực, mọi sinh hoạt trong 2 căn phòng chật hẹp cũng trở nên khó khăn, nhưng các cụ ở đây vẫn luôn yêu thương nhau. Họ cùng chia sẻ mọi khó khăn, nỗi nhớ nhà để quên đi cuộc mưu sinh vất vả", ông Lên tâm sự.

Thật vậy, ở đây hoàn cảnh người nào cũng khổ nên ai cũng có sự cảm thông cho nhau. Nhiều cụ khuyết tật đi lại khó khăn thì được những người lành lặn đẩy xe lăn để đi bán. Dĩ nhiên, số lượng vé số cũng phải tăng lên để rồi chia nhau lợi nhuận. Họ không phân biệt người lành lặn, người khuyết tật, mà bán được bao nhiêu là chia đôi. Bởi ai cũng tâm niệm, không có người kia thì mình không bán được. Họ nhường cơm sẻ áo cho nhau để cùng sống.

"Ngôi nhà vé số" của một thương binh - 3

Dù mưa gió, những người tàn tật ở nhà ông Lên vẫn đi bán vé số để mưu sinh.

Theo ông Lên, cuộc sống mưu sinh của các cụ nơi đây bắt đầu từ mờ sáng, họ len lỏi trên các tuyến đường của thành phố đến tận khuya mới về. Dù vậy, nhiều cụ sức khỏe yếu nên trưa về tranh thủ nghỉ ngơi. Ngả lưng khoảng một tiếng đồng hồ, các cụ lại đi bán tiếp cho kịp cuối giờ chiều, nếu còn dư vé thì trả lại cho đại lý của ông. 

"Các cụ ở đây, có cụ đi bán đến tận khuya mới về đến nhà, lại có cụ đi từ rất sớm để bán cho hết vé số mà đêm qua chưa bán hết. Cứ thế, người về, rồi người đi, nên chỉ có lúc nửa đêm trở về sáng căn nhà mới đóng cửa", ông Lên cho biết.

Nghe ông Lên nói vậy, cụ Bằng bảo: "Ở đây, các cụ cứ chọc cháu Lên là người đứng mũi chịu sào. Có chuyện gì cháu cũng đứng ra giải quyết cho các cụ. Rồi có hôm, nhiều cụ đi bán khuya quá chưa về là cháu lại thấp thỏm. 

Nghĩ đến đó, cụ quý cái tình của cháu lắm. Được cháu giúp đỡ, cộng với sự đồng cảm của mọi người nên bấy lâu nay, trong ngôi nhà này chưa hề có tiếng to tiếng nhỏ gì với nhau. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng tình người trong căn nhà cứ luôn đong đầy. Như thế là vui, là quý lắm rồi".

Có lẽ vậy, bởi điều chúng tôi cảm nhận được ở ngôi nhà này là không có sự đố kỵ, ganh ghét. Các cụ nâng đỡ, nương tựa vào nhau mà sống, chăm sóc, an ủi nhau khi có người rơi nước mắt nhớ nhà hoặc ốm đau…

Sau những giờ lao động cực nhọc, họ lại ngồi bên nhau, sẻ chia cho nhau những câu chuyện buồn, vui. Dù nghèo về tiền bạc, nhưng nghĩa tình không nghèo, mà trái lại trong họ đầy ắp tình yêu thương. Mỗi người là điểm tựa vững chãi của nhau trên bước đường mưu sinh.

Ảnh: Đầu bạc, lưng còng len lỏi mưu sinh khắp Thủ đô

Không sống dựa vào tiền lương hưu và con cháu, nhiều người cao tuổi vẫn tiếp tục làm việc tự nuôi bản thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Nhuận Phin ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN