Ngôi nhà kỳ lạ của lão nông U70, xoay 360 độ thách thức giới phong thủy
Nhiều người nói vui rằng, các thầy phong thủy chuyên xem hướng nhà cũng “bó tay” khi đến thăm ngôi nhà xoay 360 độ của lão nông ở Bắc Giang.
Clip: Cận cảnh ngôi nhà xoay 360 độ của lão nông ở Bắc Giang
Ngôi nhà đặt trên bể nước, xoay tròn 360 độ
Như đã nói ở kỳ trước, ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1957, ngụ tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) là chủ nhân của ngôi nhà xoay 360 độ “có một không hai” ở Việt Nam.
Ông Lượng xuất thân từ một gia đình thuần nông. Lớn lên, ông đi làm nghề cơ khí. Thế nhưng với sự tự tìm tòi, học hỏi, ông Lượng đã chế ra nhiều loại máy móc hữu ích cho người dùng. Không những thế, ngôi nhà xoay 360 độ của ông đang “nổi tiếng” khắp trong nước cũng như trên thế giới.
Ngôi nhà hình bát giác của ông Lượng có thể xoay 360 độ
Ngôi nhà xoay có thiết kế hình bát giác độc đáo. Nhà nằm ở cuối đường Xương Giang (TP Bắc Giang) hướng đi Lạng Sơn, cách ngôi nhà của vợ chồng ông Lượng đang ở khoảng 3km.
Đây là ngôi nhà ông Lượng xây để thử nghiệm công nghệ của mình. Sau khi xây xong, ngôi nhà không có ai ở. Hai vợ chồng ông Lượng vẫn ở ngôi nhà cũ.
Ngôi nhà được thiết kế gồm 1 tầng hầm, 2 tầng nổi và 1 tum
Nói về ngôi nhà độc đáo của mình, ông Lượng cho hay, sau nhiều năm đi làm thợ cơ khí, chế tạo ra hàng chục loại máy khác nhau nhưng các máy móc đó sử dụng 5-10 năm là bắt đầu hỏng hóc. Thấy tuổi đã về già, ông ấp ủ làm cho mình và cho xã hội một cái gì đó có thể hoạt động lâu dài hơn.
Ông lên internet tìm tòi thì tình cờ đọc được thông tin về nhà xoay. Ông thấy ở một số quốc gia như Úc, Mỹ, Dubai (UAE) có nhà xoay nhưng hầu hết đều làm đơn giản hoặc chạy bằng nhiều động cơ, chưa có ở đâu xây nhà trên bể nước.
Ông Lượng tưởng tượng, một con tàu nặng hàng ngàn, trăm ngàn tấn vẫn có thể nổi trên mặt nước, vì vậy, một ngôi nhà vài trăm tấn cũng hoàn toàn có thể nổi được. Với kiến thức tích lũy bao năm đi làm và học hỏi trên internet, ông bắt đầu áp dụng vào thực tế.
Năm 2012, ông triển khai xây dựng ngôi nhà bát giác trên mảnh đất thuê 50 năm, rộng khoảng 10ha, cách nhà ông đang ở khoảng 3km. Chẳng có một bản thiết kế cụ thể nào từ trước, ông Lượng cứ vừa làm, vừa thiết kế và vừa nghiên cứu thêm.
Sau khoảng 4 năm xây dựng, ngôi nhà đã hình thành nhưng cũng là lúc kinh tế của ông Lượng cạn kiệt. Ngôi nhà xây xong phần thô, ông để đó nhiều năm. Mãi đến khoảng đầu năm 2023, một số bạn bè, người quen đến mong muốn được sơn sửa, mua sắm một số thiết bị để trang trí cho ngôi nhà thì nó mới có diện mạo như bây giờ.
Bên trong ngôi nhà được thiết kế công năng sử dụng đầy đủ như một ngôi nhà bình thường
Tuy nhiên, hiện nay, ngôi nhà chưa được ông Lượng đấu nối hệ thống điện tầng 2 và nhà vệ sinh
Phần mái nhà được làm bằng tôn và trang trí bằng những thanh trúc. Ngồi từ tầng tum có thể nhìn ngắm một khoảng không gian rộng lớn
Theo ông Lượng, nguyên lý hoạt động của ngôi nhà giống như con thuyền trong bể nước. Bên ngoài sẽ là một bể nước hình tròn đường kính khoảng 14m, sâu 4m. Bên trong là một bể nhỏ khoảng 12m.
Bể trong giống như một cái phao, khi đổ nước vào bể ngoài thì cái phao nổi lên, trên cái phao ấy, ông Lượng xây dựng ngôi nhà. Ở giữa phao có trục xoay, chân vịt… để giúp ngôi nhà chuyển động.
Nhờ vào sức nổi của nước nên chỉ cần một lực nhỏ là ngôi nhà có thể xoay. Ông Lượng nói, trước đây ông dùng điện 12V cũng có thể xoay được ngôi nhà, nhưng hiện tại ông đã đấu điện lưới 220V để tiện sử dụng mà không phải cần đến bình ắc quy.
Trọng lượng ngôi nhà được ông Lượng ước tính khoảng 420 tấn. Tốc độ quay nhanh nhất khoảng 10 phút/vòng, chậm nhất là 24 giờ/vòng.
Ông Lượng còn kết nối trục xoay với một thiết bị tự động và phần mềm trên điện thoại. Việc điều khiển nhà hoàn toàn chỉ cần dùng một thao tác trên điện thoại, ở bất cứ nơi đâu ông cũng có thể làm cho nó xoay được, thậm chí là xoay ngược, xoay xuôi, xoay nhanh, xoay chậm.
Ngôi nhà được đặt trên một bể nước lớn hình tròn, do đó thiết kế ngôi nhà cũng hình bát giác gần giống với hình tròn để được cân đối hơn
Ngôi nhà được điều khiển bằng một phần mềm trên điện thoại, chỉ cần bấm nút là nhà có thể xoay tròn
Nói về độ an toàn của ngôi nhà xoay, ông Lượng chia sẻ: “Ngôi nhà này có sức chịu đựng gió bão như một ngôi nhà xây bình thường chất lượng cao. Còn động đất, nó có sức chịu đựng tốt nhất thế giới. Nước nào hay xảy ra động đất nên xây nhà kiểu này”.
Lùm xùm chuyện đi đòi bản quyền ngôi nhà xoay
Sau khi chứng kiến ngôi nhà xoay độc đáo của ông Lượng, nhiều người đã nói vui rằng, thiết kế nhà kiểu này sẽ khiến những thầy phong thủy “bó tay”. Ngôi nhà chẳng có một hướng cụ thể nào, chủ nhà thích xoay hướng nào thì xoay hướng đó.
Ông Lượng chia sẻ, nhiều người ở gần có, xa có như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, thậm chí TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Kiên Giang… cũng tìm đến nhà ông để chứng kiến tận mắt ngôi nhà xoay này. Có những đoàn khách cả trăm người hẹn đến thăm nhà, hay những cả đài truyền hình nước ngoài đến quay phim… ông đều vui vẻ đón tiếp.
Rất nhiều người, nhiều đoàn khách, thậm chí có cả đài truyền hình nước ngoài hẹn ông Lượng đến để tham quan, trải nghiệm ngôi nhà xoay độc đáo
“Tôi hy vọng thành quả của mình có thể được áp dụng rộng rãi. Nó rất phù hợp với những khu du lịch. Ngôi nhà hiện tại vẫn chưa phải là bản ưng ý nhất như trên thiết kế của tôi, nhiều chi tiết đã được tôi cắt bỏ để tiết kiệm chi phí. Sắp tới, nếu ai có nhu cầu, tôi sẽ nhân rộng mô hình nhà này”, ông Lượng nói.
Có mặt tại nhà ông Lượng, ông Nguyễn Đức Vụ (SN 1963) quê Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho hay, sau khi biết thông tin nhà xoay, ông không ngại vượt hàng ngàn km ra Hà Nội, sau đó thuê xe máy tự đi lên Bắc Giang để tận mắt chứng kiến ngôi nhà xoay và được trò chuyện với chủ nhân ngôi nhà.
“Tôi tình cờ coi được ngôi nhà xoay trên YouTube, thích quá nên phải ra tận nơi xem. Công trình của ông Lượng thực sự là tuyệt vời, độc đáo và ông Lượng cũng là một con người tuyệt vời, rất vui vẻ, hiếu khách. Công trình nhà xoay của ông Lượng hoàn toàn có thể được thế giới chú ý đến”, ông Vụ trầm trồ.
Tất cả mọi người đến thăm nhà, ông Lượng đều vui vẻ đón tiếp, hòa đồng và nhiệt tình
Một chuyện lùm xùm không hay về bản quyền ngôi nhà đã xảy ra. Ông Lượng cho hay, ông có chia sẻ ý tưởng với một người bạn hàng xóm và khi hoàn thành có giao chìa khóa nhà xoay cho bạn trong 3 năm. Sau đó, do không có thời gian, ông còn nhờ bạn đi làm đăng ký bản quyền.
Tuy nhiên, người hàng xóm kia khi đi đăng ký bản quyền đã đăng ký tên mình là chủ sở hữu sáng chế, chỉ công nhận ông Lượng là đồng tác giả (được 5% tiền tác quyền nếu đem ra kinh doanh). Ông Lượng đã mất gần 2 năm để đòi lại công bằng.Tháng 12/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã hủy tấm bằng của người hàng xóm và cấp Bằng độc quyền sáng chế mang tên “Nhà quay trong bể nước” cho ông Lượng.
Chẳng được đào tạo qua trường lớp nào nhưng lão nông ấy đã chế ra rất nhiều loại máy móc được mọi người tin dùng và còn đang chế tạo cả robot.
Nguồn: [Link nguồn]