Ngôi nhà được đắp gần 1 vạn cổ vật gốm và 230kg tiền xu
Những bức tường của 3 gian nhà cấp bốn được "lão nông chân đất" kỳ công đắp trong gần 20 năm với gần 1 vạn cổ vật bằng gốm và 230kg tiền xu.
Lão nông thích "chơi ngông" Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 ở thôn Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nổi tiếng khắp vùng bởi thú dùng đồ cổ gốm sứ đắp xung quanh nhà.
Trong suốt gần 20 năm nay, ông Trường đã dành hết thời gian cho công việc sưu tầm đồ cổ, với nhiều loại gốm sứ đa dạng từ các thời Hán, Đường, Tống... của Trung Quốc đến các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… của Việt Nam.
Bên ngoài ngôi nhà của lão nông Nguyễn Văn Trường với cách trang trí bắt mắt, khác biệt so với những ngôi nhà xây bằng gạch thông thường.
Căn nhà gốm sứ của “lão gàn” nằm ở cuối ngõ, nổi bật hơn tất cả những căn nhà khác bởi bao quanh ngôi nhà toàn bằng bát đĩa. Ông kể về thú chơi không giống ai của mình: "Khoảng gần 20 năm trước, trong một lần đi sơn bàn ghế cho một gia đình ở xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường), tôi thấy gia chủ có nhiều bát đĩa cũ trong tủ nên tò mò hỏi và cơ duyên sưu tầm đồ cổ đến với tôi từ đó".
Cuộc sống nghèo khó nhưng niềm đam mê đi tìm cổ vật trong con người lão không bao giờ dừng lại. Chỉ với vài đồng bạc lẻ trên chiếc xe đạp cà tàng, ông đi khắp các vùng ở Vĩnh Phúc để tìm cổ vật.
“Những vùng đất xa xôi như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Yên, Kon Tum… đều in dấu chân tôi” – ông Trường tâm sự
Mỗi khi tìm được chiếc bát, đĩa cổ hay bình chum vại nào, ông lại cẩn thận gói ghém mang về. Khi căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, ông Trường nảy ra ý tưởng xây nhà bằng đĩa cổ. Ông xem đây là cách để bảo tồn những cổ vật của mình.
Những ngày đầu, đắp bát đĩa lên tường nhà, vợ con ông phản đối, hàng xóm cho rằng ông dở hơi, xây nhà không giống ai.
Với công thức 3 xi và 1 cát, khi vữa khô, ông Trường kì công tưới nước 3 lần để chống xi bị giòn. Nhờ vậy, khi vữa "chết thật" thì bát, đĩa được gắn chặt vào bức tường thành một khối, khó cạy ra khỏi tường, chỉ có thể lấy ra nguyên vẹn bằng cách dùng cưa bê tông cắt từng phần một. Ông cho biết, dự kiến ngôi nhà 5-7 năm nữa mới hoàn thành.
“Nếu tính về kinh tế thì khó có ai có thể làm được vì trên tường nhà, một chiếc bát, đĩa rẻ nhất cũng vài trăm có khi lên đến tiền triệu”, ông Trường tâm sự.
Không chỉ ba gian nhà cấp bốn của ông được gắn kín, trang trí bắt mắt, ông còn thiết kế cho mình một căn phòng tiếp khách, cửa ra vào được uốn vòm khá cầu kì. Khuôn viên trước ngôi nhà được thiết kế rất thơ mộng với bàn ghế đá, khóm tre rất độc đáo…
Tuy ông không nhớ rõ đã gắn bao nhiêu chiếc bát, đĩa cổ lên tường nhưng nếu ai muốn tìm hiểu về nền văn minh ở bất kì triều đại nào ở một đồ cổ vật bất kỳ, ông có thể đọc vanh vách.
Ước nguyện của ông là con trai hiểu được việc ông làm và thừa kế, bảo tồn ngôi nhà mang nhiều giá trị văn hóa này.
"Lão gàn" Nguyễn Văn Trường nổi tiếng khắp vùng với căn nhà kì dị , có một không hai của mình
Ngôi nhà vẫn đang trong quá trình hoàn thiện
Tường được trang trí bằng những chiếc bát, đĩa cổ
Cổng nhà cầu kỳ với nhiều bình cổ, họa tiết đẹp
Khuôn viên trước nhà khá thơ mộng
Bên trong căn nhà, đồ đạc khá thô sơ
Những chiếc cột nhà được làm khá công phu
Các bình, đĩa gốm sứ đời Lê, Nguyễn trên cổng nhà
Bên dưới mỗi cột nhà có hàng nghìn đồng xu
Mỗi cột nhà có 2 chú chó đá
Trước hiên nhà có treo những chiếc đèn cũ
Họa tiết trong những chiếc đĩa cổ rất bắt mắt
Một phòng khách nằm phía sâu bên
Mái vòm phòng khách, uấn rất cầu kì. Trên đỉnh là đầu rồng đất nung trên 1000 năm. Ông mua với giá 300 nghìn, có người trả 2 triệu nhưng lão không bán.
Ghế ngồi là những cối đá
Khuôn viên trước của nhà phong cảnh hữu tình với nhiều tiểu cảnh được ấn tượng
Đây là nơi bạn bè trong giới đồ cổ thường hay lui tới thăm ông, ngồi ngắm cảnh, hàn huyên câu chuyện mua, bán đồ cổ