“Ngôi nhà dã chiến” của những mảnh đời bất hạnh
Sáu năm về trước, chị Ngô Thanh Thuỷ, sinh năm 1979 (Đống Đa, Hà Nội) phát hiện mình bị ung thư phổi kẽ, mọi thứ như sụp đổ. Trong thời gian đi viện chữa bệnh, tận mắt chứng kiến quá nhiều những hoàn cảnh thương tâm khiến chị Thuỷ muốn làm việc gì đó thật ý nghĩa.
Chị bắt đầu phát cơm, tặng tiền cho bệnh nhân nghèo, cùng bạn tổ chức những “chuyến xe 0 đồng”. Gần hai năm trở lại đây, chị đã biến ngôi nhà của mình thành “ngôi nhà dã chiến” để đón những gia đình bệnh nhân nhi đến ăn, ở miễn phí.
Muốn chia “lộc” cho những người kém may mắn
Gặp chúng tôi, chị Thủy khoe chiều hôm trước chị vừa đón 2 gia đình bệnh nhân về ở tại “Ngôi nhà dã chiến”. Hiện một gia đình đã vào nhập viện để chuẩn bị mổ cho con, còn hai mẹ con của em bé bị bại não thì sẽ ở đó lâu dài. Bản thân mang trong mình căn bệnh ung thư nên chị Thuỷ hiểu hơn ai hết sự mong manh giữa cái sống và cái chết.
Tải quần áo mới để tặng các bệnh nhân nhi
Đang là một người khoẻ mạnh, đầu tháng 8-2015, chị Thuỷ bị một đợt sốt kéo dài mãi không khỏi. Lo lắng, chị đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám thì được các bác sĩ thông báo rằng chị bị ung thư phổi kẽ, giai đoạn đầu. Bất ngờ và choáng váng, để cho chắc chắn, chị lại vào khoa Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai khám và sinh thiết thêm một lần nữa. Nhưng kết quả lần này cũng giống lần trước. “Lúc đó tôi thực sự suy sụp. Khi ấy tôi mới chỉ 36 tuổi và còn 3 đứa con nhỏ, đứa lớn mới chỉ 14 tuổi, còn đứa út mới vừa tròn 3 tuổi. Tôi cứ nghĩ nếu chẳng may mình không còn trên cõi đời này nữa thì các con tôi sẽ sống thế nào. Tôi đang từ một người béo tốt với cân nặng 52 ký thì chỉ một thời gian ngắn đã giảm xuống còn có 42 ký”, chị Thuỷ nhớ lại.
Thời gian nằm điều trị tại khoa Ung bướu, chị Thuỷ thường mang cơm chia cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chị kể, có gia đình hai vợ chồng đến bữa ăn chính chỉ chia nhau duy nhất 1 quả trứng, còn lại là chờ cơm từ thiện. Họ nói không dám mua đồ ăn vì tiền còn để dành đóng viện phí.
Chị Thuỷ vừa nhận một bịch bỉm do bạn bè gửi tặng
“Tôi thấy có những bệnh nhân, bệnh của họ vẫn có khả năng cứu chữa nhưng vẫn bị trả về chỉ vì không có tiền đóng viện phí. Hay có những người lên viện chỉ để tiêm giảm đau chứ không dám điều trị cũng chỉ vì không biết xoay đâu ra tiền. Chứng kiến những hoàn cảnh như thế tôi lại thấy mình còn quá may mắn. Dù lúc đó kinh tế của tôi cũng chưa khá giả, đi chữa bệnh nhiều khi vẫn phải vay anh em, họ hàng nhưng dù sao tôi cũng hơn họ là tôi có cái nghề để kiếm tiền trả nợ. Có một điều lạ là khi tôi bị bệnh phải nằm viện thì spa của tôi ở nhà lại làm ăn rất thuận lợi. Tôi cứ tự hỏi hay do mình sắp mất nên ông trời cho mình hưởng lộc những ngày cuối đời”.
Nghĩ vậy nên chị Thuỷ quyết định mình phải “phát lộc” cho những người nghèo khổ khác. Chị nhờ chồng và nhân viên nấu cơm nhiều hơn để mang vào chia cho người nhà bệnh nhân. Chị tặng sữa và tặng tiền cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Thấy mọi người tắm giặt khó khăn, mùa đông lại không có nước nóng, ban đầu chị mời những người nhà bệnh nhân qua nhà mình tắm giặt và ngủ thay ca nhau, đỡ phải vạ vật ở hành lang, ghế đá. Người này rỉ tai người kia, có những lúc họ đến chật ngôi nhà chị ở.
Gần 2 năm nay, chị Thuỷ cùng gia đình đã chuyển sang ở và làm spa tại ngôi nhà mới, cách nhà cũ vài chục mét. Theo lời chị chia sẻ thì từ khi ngôi cũ bỏ không, rất nhiều người đã hỏi thuê với giá cao bởi nó nằm ngay mặt đường Giải Phóng. Thế nhưng chị Thuỷ không cho thuê mà quyết định cải tạo nó thành “Ngôi nhà dã chiến” đón những gia đình bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Thiện nguyện đến khi tim ngừng đập
Chị Thuỷ chia sẻ, bản thân chị từng chứng kiến nhiều người bệnh và người nhà của họ từ các tỉnh xa về Hà Nội. Nhiều khi xuống tới nơi thì trời còn chưa sáng nên họ phải đi tìm nhà trọ hoặc vật vờ ngoài cổng viện chờ tới giờ vào khám. “Trước không có dịch bệnh thì còn dễ kiếm nhà trọ, chứ kể từ khi có dịch COVID-19, việc tìm được một nhà nghỉ trọ qua đêm không hề dễ dàng gì. Càng nghĩ đến những khó khăn, vất vả của họ càng khiến tôi có động lực để trưng dụng ngôi nhà của mình thành “ngôi nhà dã chiến”, chị Thuỷ cho biết.
Nhiều ngày nay hai mẹ con Hương được ăn, uống, ngủ nghỉ tại “Ngôi nhà dã chiến”
Đang trò chuyện với chúng tôi, chị Thuỷ lại phải dừng lại để nghe điện thoại từ tài xế của “chuyến xe 0 đồng”. Họ báo giờ xuất phát tại địa phương và giờ dự kiến xuống tới Hà Nội. Chị Thuỷ cho biết, cách đây hai năm vợ chồng người bạn của chị đã sáng lập ra nhóm thiện nguyện “Chuyến xe 0 đồng” và chị trở thành trợ thủ đắc lực của nhóm. Đó là những chuyến xe chở những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh viện trả về hay đón họ từ địa phương xuống các bệnh viện ở Hà Nội.
Chị kể: “Chỉ cần mọi người báo với tôi rằng hôm nay sẽ đón bao nhiêu người, giờ nào có mặt ở Hà Nội là tôi sẽ chuẩn bị tươm tất đồ ăn cho bệnh nhân và gia đình của họ. Đối với những bệnh nhi, tôi sẽ nấu sẵn cháo, chuẩn bị sẵn sữa, bỉm cho các con để khi các con đến là có đầy đủ những thứ cần thiết. Còn đối với người thân của các cháu thì tôi nấu sẵn cơm, hoặc xôi để họ ăn được no”. Để có thể chuẩn bị những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nhi và người thân đi theo, chị Thuỷ phải huy động cả chồng, 3 người con và các nhân viên đang làm việc tại spa của chị.
Chị Thủy chơi đùa cùng bé Khang
Gần 2 năm qua, chị Thuỷ không nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu bệnh nhi cùng người thân của các con đến “Ngôi nhà dã chiến”. Có những hoàn cảnh đáng thương đến mức khiến chị ám ảnh nhiều ngày tháng không nguôi. Cách đây một tháng chị đón 2 mẹ con người Hà Giang xuống Bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh. “Người phụ nữ bằng tuổi tôi nhưng nhìn vẻ ngoài khắc khổ và già nua; cô ấy sinh được 7 người con nhưng 4 đứa đã mất vì căn bệnh “phì đại cơ tim”. Giờ đây đứa con út của cô ấy cũng mắc bệnh giống hệt với 4 anh chị đã mất. Cô ấy nói với tôi rằng, không còn gì đau đớn bằng việc bất lực nhìn từng đứa con lần lượt dời bỏ mình”, chị Thuỷ buồn bã nhớ lại.
Chỉ tính trong tháng 12, chị Thuỷ đã phải tiễn 3 cháu bé bị bệnh viện trả về. Một trong số đó là bé Tống Chí Khang, 3 tuổi (quê Điện Biên). Bé Khang bị mắc căn bệnh ung thư nguyên bào thần kinh đã di căn. Hiện tại toàn bộ cơ thể của con nổi các cục u như trứng gà, trứng chim, đụng đến là chảy nước. Thương bé Khang, chị Thuỷ đã đọc tất cả các bệnh án của con và liên hệ với bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bé thì được bác sĩ cho biết con không còn khả năng cứu chữa.
Thương bé Khang phải chịu quá nhiều đau đớn mà phải về quê bằng xe ô tô cả một chặng đường dài, chị Thuỷ không đành lòng. Chị đứng ra kêu gọi mọi người được 8 triệu, mua vé máy bay cho hai mẹ con hết 3,5 triệu. Số tiền còn lại chị đưa cho mẹ Khang để lo hậu sự cho bé khi bé không qua khỏi. “Chiều hôm qua, mẹ Khang nhắn tin cho tôi nói rằng con về nhà chỉ nằm thở thoi thóp thôi. Về tới thành phố Điện Biên, bố Khang đi xe máy xuống đón 2 mẹ con. Để về được tới nhà, ba người họ còn phải ngồi 8 tiếng trên xe máy, thương lắm”.
Dẫn chúng tôi vào một phòng nhỏ trên tầng 2, nơi hai mẹ con của Bùi Thị Hương (19 tuổi, quê Gia Lai) đang tá túc. Thấy có người đến, Hương bật dậy, đầu tóc vẫn còn rối bời. Em giải thích: “Đêm qua con trai em thức cả đêm, mãi gần sáng con mới thiu thiu ngủ. Em cũng phải thức cùng con nên mệt quá”.
Chia tay một bệnh nhân nhi bị bệnh viện trả về
Hương có 2 đứa con, con trai lớn 5 tuổi và con gái thứ 2 vừa tròn 3 tuổi. Hương kể: “Con gái của em 3 tuổi nhưng gần 3 năm nay em chưa được gặp con. Khi con được 2 tháng, em để lại con cho chồng để đưa con trai đi chữa bệnh teo não bẩm sinh. Hai mẹ con lang thang khắp nơi, ai nói ở đâu có thầy hay thuốc tốt là em đưa con đến. Hai mẹ con đi đến đâu là xin ăn đến đó, sống qua ngày”.
Dù được nhiều bác sĩ tại nhiều bệnh viện lớn khuyên rằng nên cho con về nhà vì đây là căn bệnh không có khả năng chữa khỏi nhưng người mẹ trẻ dường như không chấp nhận sự thật này. Thấy Hương quyết tâm, chị Thuỷ lại hứa sẽ bắt taxi cho hai mẹ con xuống Hà Đông khám bệnh. Chị cười bảo rằng: “Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người đến khi nào còn có thể giúp được”.
Suốt nhiều tháng qua dịch bệnh bùng phát, mạng lưới thầy thuốc đồng hành được kích hoạt nhằm tăng cường tư vấn...
Nguồn: [Link nguồn]