Ngôi làng “ma” sau 15 năm mới có một đám cưới
Ngôi làng này thuộc xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Điều đặc biệt đối với ngôi làng này là sau mười lăm năm chờ đợi, trong làng mới có một đám cưới được tổ chức.
Cách TP Vinh chưa đến 1 km về phía đông nam, nhưng để đến được ngôi làng này chỉ có một phương tiện duy nhất là đò. Mất 15 phút đi đò từ đất liền ra làng Hồng Lam, ngôi làng được người dân quen gọi là “ốc đảo”.
Ngôi làng “già”
Được biết, ngôi làng nằm giữa sông Lam này đã hơn chục năm không có một đám cưới, do con em trong làng lớn lên đi làm ăn xa, rồi lập gia đình ở những nơi khác, ít ai làm ăn ở quê.
Có nhiều lý do buộc những đứa trẻ vừa lớn lên phải rời bỏ quê hương nhưng rõ nhất là cái nghèo và sự khắc nghiệt của mảnh đất này. Gió bão năm nào cũng tới, có khi dồn dập. Đất đai vốn ít ngày càng mất đi, lại cằn cỗi. Riêng mấy năm nay bão đã đánh sập và “hốt” đi của làng gần chục căn nhà.
Một người dân khác trong làng cho biết thêm: “do giao thông khó khăn, đi lại bất tiện, nên người ta chán làm ăn, sinh sống và muốn bỏ đi một nơi khác tìm cuộc sống thuận lợi hơn. Chờ đợi suốt mười mấy năm rồi bây giờ mới có một đám cưới được tổ chức nên mọi người trong làng ai cũng rất vui”.
Do nằm ở địa hình hiểm trở trên một cồn đất lớn, bốn bề sông nước mênh mông, nên trong chiến tranh, đây là điểm tập kết quân, đạn dược, lương thực…
Từ trên thuyền nhìn về làng Hồng Lam heo hút
Mười lăm năm có một đám cưới
Ông Quý, một người sống gần 70 năm ở làng cho biết: “Thanh niên trong làng giờ đếm trên đầu ngón tay, bọn nó giờ đi làm ăn xa hết, có nhiều đứa tết có về đâu, cũng do mảnh đất khắc nghiệt này nên chỉ có những người như chúng tôi mới bám trụ lại đây thôi”.
Mới hồi đầu tháng 2/2014, cả làng hân hoan đón đám cưới của một cô gái tên là Tú Anh, con gái ông Nguyễn Xuân Quý lấy chồng làng bên, sau 15 năm chưa có một thanh niên nào trong làng tổ chức đám cưới nên đối với người dân nơi đây, sự kiện này đã phá được cái “dớp” suốt nhiều năm "không thấy tình yêu kết trái". Có nhiều người đồn rằng ngôi làng này do có "ma" nên thanh niên trong làng không thể lập được gia đình ở đây, đành phải đi nơi khác."Suốt nhiều năm làng không có đám cưới tôi lo lắm, bây giờ con gái tôi đã đi lấy chồng và được tổ chức tại nhà, tôi thật may mắn, hi vọng từ bây giờ thanh niên trong làng không phải tha phương để lập gia đình" - ông Quý nói thêm.
Phương tiện để vào đất liền của người dân không có gì khác là đi đò.
Cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch xã cho biết, cả làng có gần 100 hộ dân, diện tích đất tự nhiên của làng trên 400 ha nhưng không làm được gì, vì đất phèn nên chủ yếu dân sinh sống bằng nghề trồng đay, trồng lạc, một số ít đánh bắt cá… Do vậy nước ngọt ở đây cũng rất hiếm, nhiều hộ gia đình phải hứng nước mưa để nấu ăn hoặc lấy từ giếng lên lọc qua rất nhiều lần để sinh hoạt.
Làng Hồng Lam xanh rợp bóng cây nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một quán xá nào, chỉ có những con đường vắng ngắt và những cánh cổng khóa bằng những dây cáp và ống khóa hoen gỉ do hơi nước mặn, những vườn không nhà trống với mái chạn nhô cao.
Ở làng Hồng Lam, hầu như nhà nào cũng có con đi xa. Cái nghèo, sự mặc cảm về “làng ma” nên cũng ít ai ra đi xưng mình là cư dân Hồng Lam. Nhiều gia đình có tới năm, bảy người con nhưng rốt cuộc bố mẹ già vẫn côi cút một mình vì đàn con đã bỏ đi làm ăn xa. Có những cụ già khi nhắc đến chuyện con cái chỉ ứa nước mắt mà lòng ứ nghẹn...
Khó khăn như vậy, nhưng người dân và con em ở đây vẫn không được hưởng một chế độ nào dành cho vùng khó khăn. Họ chỉ được hưởng chế độ khu vực 2 nông thôn như những hộ dân khác trong huyện. Thiết nghĩ, ở một vùng khó khăn như vậy, xóm Hồng Lam cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư đúng mức của chính quyền, để người dân nơi đây có thể yên tâm “an cư, lạc nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương mình.