Ngôi làng "không có đàn ông"
Có thể những người phụ nữ ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) biết mình chẳng còn gì để chờ đợi, khi những người đàn ông trong gia đình sau chuyến biển cách đây 22 năm đã mãi mãi không trở về, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn có một niềm tin mãnh liệt ngày mai.
Một đêm mất 55 người đàn ông
Như bao làng chài khác dọc dài trên dải đất miền Trung nghèo khó này, những người vợ, người mẹ ở làng chài Mỹ Tân thường chỉ biết ở nhà trông con, còn lại gánh nặng mưu sinh dồn lên vai những người đàn ông là chồng, con đi biển dài ngày. Thế rồi chuyến đi cuối cùng của 55 người đàn ông của làng đã để lại nỗi đau hụt hẫng, chơi vơi cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm này.
Chị Trần Thị Hơn, 49 tuổi (thôn Mỹ Tân) ngậm ngùi nhớ lại cái đêm kinh hoàng ấy. Như bao chuyến đi biển dài ngày khác, chồng chị Hơn cùng mấy người đi bạn chuẩn bị lưới, mì tôm, nước ngọt để lên thuyền đi hòng kiếm được ít tôm cá để về lo cho đứa con sắp sinh của anh chị.
Cái đêm định mệnh đầu những năm 1990 ấy, chị đang ngủ trong nhà cùng đứa con trai mới hơn 2 tuổi bỗng nghe gió giật đùng đùng. Chị mở cửa chạy ra thì chỉ thấy cả trời và đất hòa chung trong một màu đen kịt. Thi thoảng những tia chớp sáng lòa mặt biển hắt bóng lên những ngọn phi lao vít xuống theo sức gió. Mưa và gió biển cứ thê thiết như thế đến gần trưa hôm sau mới nguôi bớt cơn thịnh nộ của trời đất.
Chị Nguyễn Thị Hơn cùng người em dâu mưu sinh bằng nghề làm cá cho các thuyền khác
Chị Hơn cùng những người đàn bà của làng chài chạy ra sát chân sóng, chỉ nhận được những mảnh vụn của không biết bao nhiêu chiếc tàu dạt vào bờ. Trong tiếng gió biển và sóng vỗ chan chát vào bờ, là tiếng khóc, tiếng kêu gào của những người phụ nữ mất chồng, mất con trong cơn bão. Những tiếng khóc thét xé lòng như át cả tiếng sóng trong nỗi đau tuyệt vọng của làng chài.
Chúng tôi không dám gợi lại nỗi đau từ hơn 20 năm trước đã lặng sóng trong lòng các chị. Nhưng như một nỗi niềm ấp ủ, chỉ cần có dịp là nó lại bùng lên mạnh hơn ngọn lửa trước gió.
Chị Trần Thị Vân (51 tuổi, thôn Mỹ Tân) ngậm ngùi: “Khi hay tin cơn bão biển đêm ấy cướp mất những trụ cột trong gia đình, tui cũng như hơn 50 gia đình trong xóm chài nghèo này tưởng chừng không còn nước mắt để khóc, không còn đủ sức mà gượng dậy nổi trước nỗi đau. Nhưng rồi thời gian qua đi, nhìn mấy đứa con thơ dại cứ níu áo mà hỏi ba đâu rồi? Sao lâu không thấy ba về? Tui lặng người nuốt nước mắt vào trong mà không dám nói cho chúng biết rằng cha chúng không bao giờ về nữa. Nhiều lúc thấy tụi nhỏ cứ thơ thẩn ra đứng nhìn về phía biển mà tui cầm lòng không đặng...".
Cứ thế, chị Vân, chị Hơn, những người đàn bà khác như chị Bùi Thị Cải, chị Đặng Thị Lan, chị Nguyễn Thị Tâm, chị Nguyễn Thị Bích… của cái xóm chài bất hạnh ngày ấy phải gồng mình lên, bươn chải tất tưởi khắp nơi để thay chồng nuôi con.
Như chị Nguyễn Thị Hơn (56 tuổi), mất tất cả người thân là trụ cột trong gia đình trong đêm bão cách đây hơn 20 năm. Đêm ấy, thuyền của gia đình chị gồm có cha, chồng, anh và em chồng đã vĩnh viễn không trở về. Để lại những người đàn bà trong gia đình từ người mẹ già nua, người em dâu có hai đứa con và ba mẹ con chị ngã quỵ trước biển. Thế nhưng đằng sau những mất mát, chị cùng người em dâu gắng gượng đứng lên.
Chị bảo: “Gia đình tui chỉ còn mấy người phụ nữ, một bầy trẻ lít nhít, đứa lớn nhất chưa tới 7 tuổi. Sau khi làm được mấy ngôi mộ gió cho những người đàn ông trong gia đình, chỉ còn mấy cái bóng chân yếu tay mềm dựa vào nhau mà sống. Tui cũng tự nhủ giờ không còn chi hết, chỉ còn mấy đứa con là tài sản cuối cùng. Tui sẽ nuôi chúng lớn, cho chúng học hành để đời chúng bớt khổ như cha mẹ. Cũng may ông trời còn thương, đứa nào đứa nấy giờ cũng đều khá cả!”
Chị Hơn kể, để nuôi con, nuôi mẹ già qua biết bao khốn khó, chị phải làm đủ thứ nghề từ đan vá lưới, đi làm mắm rồi mang bán lại, đi bán hàng xén, đi bán đồ dạo khắp nơi để có tiền. Cũng như chị Hơn, chị Vân, chị Lan, chị Tâm, chị Bích… và nhiều người khác cũng phải chạy vạy, tay xách nách mang, lăn lộn với cát với đất và với sóng biển để sống.
Chị Vân thì đi bán bánh mỳ dạo, chị Bích thì gánh nước ngọt thuê cho các tàu cá, chị Lan thì đi làm cá thuê. Còn nhiều người phụ nữ khác thì đi bán vé số, mua nhu yếu phẩm cho các con thuyền đi dài ngày, lái ghe chở hàng, đi buôn cá và vô vàn những công việc linh tinh khác, chỉ cốt để có tiền nuôi những đứa con khôn lớn, là điểm tựa lúc cuối đời.
Thay chồng đi biển
Trong số những phụ nữ bất hạnh ấy, vẫn có những người phụ nữ thay chồng đi biển, dù nỗi ám ảnh về những cơn bão cứ hằn sâu trong tâm thức. Như chị Bùi Thị Cải, vẫn một mình một thúng ra biển câu mực hằng đêm.
Chị Bùi Thị Cải vẫn ra biển mưu sinh bất chấp nỗi ám ảnh của những cơn bão
Chị Cải thủ thỉ: “Mình dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được. Đời cha, đời ông, đời chồng mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển. Ngay cả đến lúc chết cũng hòa tan với biển. Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, mình lại như thấy cha, thấy chồng đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia…"
Tôi nghe chuyện đi biển của chị Cải, nhìn đôi bàn tay của chị chai sần với những vết cắt của lưới, nghe giọng nói át cả tiếng sóng đặc trưng cả người lênh đênh trên biển ở miền Trung này, nhìn sâu vào trong cả nước da rám nắng là minh chứng của biết bao lần thay chồng đi biển nuôi con của chị, cũng như của nhiều người đàn bà khác. Chị Cải nói với tôi rằng khi được sinh ra là đàn bà thì cực lắm rồi, nhưng đàn bà dân biển lại còn cực hơn. Mà đàn bà trên bờ cực một, đàn bà đi biển còn cực gấp trăm gấp nghìn lần... |
Thoang thoảng trong lời đồng vọng của biển, tôi mường tượng ra những đôi mắt can trường, cùng đôi bàn tay nhăn nheo và dáng đi khắc khổ của những người phụ nữ ở làng chài này. Nhưng ông Nguyễn Xuân Thanh, trưởng thôn Mỹ Tân, bảo: “Đừng nhìn họ ở vẻ bề ngoài như thế. Đừng tưởng họ mạnh mẽ, kiên cường như đã chai lỳ cảm xúc mà tội cho họ. Thực ra mỗi lần chỉ cần có một đợt gió mạnh thổi về là họ lại giật mình. Có người chạy ra giữa cơn giông bão như thế mà gọi tên chồng, gọi tên người thân đấy".
Ông Trần Quang Tâm, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho biết: “Đó là những người phụ nữ kiên cường. Họ không chỉ chống chọi với biển, chống chọi với bao khó khăn bộn bề của cuộc sống để nuôi dạy con cái khôn lớn trưởng thành. Họ còn là những tấm gương cho những người phụ nữ làng biển suốt dọc dải đất Việt Nam này sẻ chia, cảm thông và khâm phục"...
Vẫn có một điều hạnh phúc cho các chị, đó là con cái của các chị có đứa đang học đại học, có đứa học trung cấp, có đứa đã đi làm đỡ đần được cho mẹ. Nhưng dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ ở nơi đâu, những đứa con của làng chài Mỹ Tân vẫn trở về quần tụ trước biển bên người mẹ, người bà, để tưởng nhớ đến những người đã nằm lại với biển.
Họ vẫn có một ngày giỗ chung của làng vào đúng cái ngày 23/11 hằng năm. Bởi ngày đó là ngày định mệnh, ngày tang thương của cả làng chài này, khi ấy, đã có 55 người đàn ông đi biển mãi chẳng trở về.