Ngôi làng cổ ở Bắc Giang có tục dùng trâu sống tế thần ngày hội làng

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Theo sử sách, cứ đến ngày hội làng, một con trâu to được dắt đi 3 vòng quanh phiến đá trước cửa đền để người dân xung quanh làm lễ vái trâu.

Đền thờ Quan Công Nguyễn Công Luận nằm trong khuôn viên đình, chùa làng Phú Khê (xã Quế Nham, huyện Tân Yên, Bắc Giang)

Đền thờ Quan Công Nguyễn Công Luận nằm trong khuôn viên đình, chùa làng Phú Khê (xã Quế Nham, huyện Tân Yên, Bắc Giang)

Dùng trâu tế quan Quận Công

Nằm ở vùng đất Kinh Bắc đầy trù phú, Bắc Giang từ xa xưa đã có nền văn minh lúa nước phát triển. Cùng với đó, từ bao đời nay, con trâu - "đầu cơ nghiệp" luôn gắn bó, có vai trò quan trọng đối với người nông dân nơi đây. Chính vì vậy, hình ảnh con trâu không chỉ hiện diện trong đời sống hằng ngày mà còn đi vào những phong tục tín ngưỡng của người dân.

Nhiều vùng ở Bắc Giang chọn con trâu là biểu tượng văn hoá tâm linh, dùng trâu tế lễ trong ngày hội làng. Trong đó, nổi bật nhất là làng Phú Khê (xã Quế Nham, huyện Tân Yên, Bắc Giang).

Theo sử sách, đền làng Phú Khê thờ Quận Công Nguyễn Công Luận, một quan triều đình thời Lê. Ông đã có công giúp người dân Phú Khê chuyển làng từ ngoài sông quanh năm lụt lội, không đất canh tác vào bên trong đất đai trù phú. Sau đó, ông cùng người dân đắp đê, dạy dân làm nông nghiệp nên đời sống khấm khá hơn.

Quận Công còn góp tiền của, công đức cho làng xây dựng đình, chùa… nên khi ông mất được dân làng tạc bia ghi công và tôn làm hậu thần thờ trong đền. Ngày 28/11 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Quận Công nên làng có lệ tế thần bằng trâu sống.

Trước ngày sự lệ, làng cử một đội đi tìm mua một con trâu đực to, đẹp dùng làm vật tế. Trâu tế về được nuôi trong điều kiện đặc biệt và được làng tắm bằng nước gừng sạch sẽ.

Đến ngày tế lễ, con trâu này được làng dắt ra phía trước cửa đền thờ Quận Công, nơi có bia đá và phiến đá to, dùng làm bệ tế trâu. Trâu tế được dắt đi ba vòng quanh tấm bia đá. Dân làng đứng xung quanh làm lễ vái trâu và bia đá, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới công lao của ông Nguyễn Công Luận.

Trâu sau đó được xẻ thịt, chia làm 4 phần chia cho 4 đội sản xuất của làng (đội Tây, Trung, Đông, Bắc) để người dân cùng về làm cỗ, ăn liên hoan.

Ông Nguyễn Văn Khâm (86 tuổi) chỉ chỗ chôn cột đá trước cửa đền là chỗ dùng để làm lễ tế trâu ngày xưa

Ông Nguyễn Văn Khâm (86 tuổi) chỉ chỗ chôn cột đá trước cửa đền là chỗ dùng để làm lễ tế trâu ngày xưa

Tục lệ thất truyền trong thời chạy giặc

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi tìm về thôn Phú Khê (xã Quế Nham) để tìm hiểu về tục tế trâu. Chủ tịch xã Quế Nham Nguyễn Văn Hùng tỏ vẻ bất ngờ khi chúng tôi hỏi về tục tế trâu của xã bởi chính ông chưa từng được chứng kiến tục ấy.

“Theo các cụ trong làng kể thì ở làng chúng tôi có tục dùng trâu sống tế thần nhưng tục này đã bị thất truyền từ lâu. Bản thân tôi cũng chưa được chứng kiến cảnh tế lễ bao giờ. Nếu muốn tìm hiểu tục lệ thì các chú vào làng gặp các cụ cao niên sẽ rõ hơn”, ông Hùng nói.

Chúng tôi vào làng gặp ông Nguyễn Văn Khâm (86 tuổi) là người cao tuổi nhất làng Phú Khê. Ông Khâm có lẽ là số ít người còn sống ở hiện tại được chứng kiến cảnh tế trâu ngày xưa.

Ông kể, hồi 7-8 tuổi, ông có được chứng kiến cảnh dân làng mang trâu ra đền làm tế lễ. Con trâu được dắt quanh 3 vòng cột đá trước cửa đền. Sau khi tế xong, trai làng cùng nhau ra quật trâu cho yếu để làm thịt.

Thế nhưng đến khoảng năm 1947, giặc Pháp càn quét đánh lên mạn Bắc Giang. Dân làng Phú Khê hồi đó cũng chạy loạn tứ xứ, hội làng không được tổ chức thường xuyên nên tục tế trâu bị thất truyền từ đó đến nay.

Dẫn chúng tôi ra đền thờ Quận Công Nguyễn Công Luận, ông Khâm chỉ chỗ chôn cột đá làm lễ tế trâu ngày xưa. Vị trí cột đá nằm ở chính giữa trước cửa đền, tuy nhiên, trong quá trình trùng tu đình, đền, người dân đã bỏ cột đá đi. Hiện nay, khu vực đó là sân đền, được lát gạch bằng phẳng.

Giờ đây, vào ngày hội làng, thay vì tế trâu sống như xưa, người dân thay bằng thủ heo hoặc thịt trâu… Cũng có năm, người dân thay bằng trâu giấy.

“Chúng tôi mong muốn khôi phục được tục tế trâu sống trong ngày hội làng, đó là nét văn hoá của ông cha từ ngày xưa để lại. Các cụ trong làng đã đề xuất lên xã, huyện để đề bạt lên tỉnh cho khôi phục lại phong tục này. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ xem xét và cho khôi phục để con cháu lớp sau này tiếp nối”, ông Khâm bộc bạch.

Hai ngôi làng trăm năm trai gái “nhịn yêu” ở Nam Định: Bát hương ngăn tình đôi lứa

Chỉ vì giao ước giữa 2 làng sau khi Tức Mặc xin một bát hương của Thượng Lỗi về thờ khiến cho các đôi trai gái hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN