Ngôi đền thờ Ngô Quyền ở cửa sông Bạch Đằng
Hải Phòng - Từ Lương Xâm từng là căn cứ quân sự, sau là đền thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền, người đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
Từ Lương Xâm tọa lạc ở tổng Lương Xâm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng. Ngôi đền này được suy tôn là Từ Cả, đứng đầu trong hệ thống đền, miếu thờ Ngô Quyền trên vùng cửa sông Bạch Đằng.
Theo bản "Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục" do Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính thời nhà Lê biên soạn, vào năm 938 khi kéo quân về cửa sông Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược của làng Dầm - tức làng Lương Xâm, tên cũ là Lãng Thâm. Ông cho đặt đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy được đặt tại làng Cấm, khu vực trụ sở UBND thành phố hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu.
Đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, kết thúc gần một nghìn năm Bắc thuộc, Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến 944.
Từ Lương Xâm đứng đầu trong hệ thống đền, miếu thờ Ngô Quyền trên vùng cửa sông Bạch Đằng. Ảnh: Lê Tân
Khi Ngô Quyền qua đời, người dân bảo nhau đóng góp tiền của, công sức xây dựng linh từ phụng thờ, bốn mùa hương khói ngay trên khu đất ngài đắp thành vành kiệu và đóng trại quân doanh tiền phương thuở trước.
Tục truyền rằng khi dân còn băn khoăn việc chọn gỗ tạc tượng Ngô Quyền thì vào một đêm có cây gỗ lớn trôi băng băng trên sông, khi đến làng Lương Xâm thì quay tít và dừng lại. Các bô lão kéo nhau ra bờ sông khấn bái rồi sai người vớt lên, chia cho các làng tạc tượng. Làng Lương Xâm được ưu tiên chia phần gốc, nên tượng Ngô Quyền to và đẹp hơn cả.
Vào thời Hậu Lê, đền thờ Ngô Quyền được xây dựng quy mô và trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chính vì vậy toàn bộ Từ Lương Xâm hiện nay mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ có một số cấu kiện mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Tổng thể di tích rộng hơn 36.000 m2 gồm các hạng mục Nghi môn, Tiền tế, Thiêu hương, Giải vũ, Từ chính, tượng đài và các công trình phụ trợ, liên kết với nhau tạo nên bố cục liên hoàn khép kín.
Tòa Tiền tế với 5 gian nhà liên tiếp, xây dựng theo hình chữ nhật, được nâng đỡ bởi 24 cột gỗ lim chắc chắn, đặt trên những chân tảng đá lớn. Ảnh: Lê Tân
Nghi môn gồm hai lớp nội và ngoại, xây bằng gạch, thiết kế ba cửa. Chính môn là khoảng không gian giữa hai cột đồng trụ xây cao như vươn lên trời xanh. Đỉnh nghi môn ngoại gắn đôi nghê trong thế chầu vào lòng cổng. Đỉnh cột nghi môn nội lại được gắn hình tứ phượng.
Qua Nghi môn ngoại là hai giếng nhỏ, gọi là mắt rồng, có nước ngọt quanh năm. Tương truyền khi Ngô Quyền đóng quân ở đây đã sai lính đào hai giếng lấy nước sinh hoạt. Đi tiếp qua Nghi môn nội sẽ đến khoảng sân rộng, lát gạch Bát Tràng.
Tòa Tiền tế với 5 gian nhà liên tiếp nhau, xây theo hình chữ nhật, được nâng đỡ bởi 24 cột gỗ lim đặt trên những chân tảng đá lớn có niên đại từ khoảng thế kỷ 18 đến đầu 20. Mái nhà được trang trí công phu với những hình rồng, phượng uốn lượn, tượng trưng cho sức mạnh và sự thịnh vượng. Các đầu mái được trang trí hình nghê, loài vật linh thiêng trong văn hóa Việt Nam. Nền nhà được lát gạch Bát Tràng, tạo cảm giác sang trọng và ấm cúng.
Điều đặc biệt là những hình rồng được chạm khắc tinh xảo mang nét riêng, thể hiện sự khác biệt giữa hai thời kỳ nghệ thuật. Những con rồng ở thế kỷ 18 có vẻ ngoài uy nghiêm, đôi mắt to và chiếc sừng sắc nhọn. Trong khi đó những con rồng ở thế kỷ 19 lại có vẻ mềm mại và uyển chuyển hơn.
Cột kèo trong Từ trang trí rất công phu với những hình rồng, phượng uốn lượn, tượng trưng cho sức mạnh và sự thịnh vượng. Ảnh: Lê Tân
Từ chính là nơi để dâng lễ gồm 5 gian nhà, được nâng cao hơn so với phần sân trước. Mái nhà được thiết kế cầu kỳ với nhiều lớp và trang trí bằng những hình rồng, phượng. Các cột nhà được làm bằng gỗ lim chắc chắn, đặt trên chân tảng đá.
Phần chuôi vồ nằm sau Từ chính là nơi đặt bàn thờ của Ngô Vương. Phần này gồm ba gian nhà có mái trang trí cầu kỳ với các hình rồng, phượng và hoa lá. Ở gian giữa có một cửa lớn được chạm khắc hình hai con rồng đang chầu mặt trời, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy của Ngô Vương.
Hai tòa Giải vũ nằm hai bên, nối liền Từ chính và Tiền tế với chức năng như hành lang, giúp thông gió và tạo không gian mở cho khu di tích. Trong tòa Giải vũ bên phải hiện còn lưu giữ ba chiếc cọc Bạch Đằng. Ở tòa Giải vũ bên trái, có một chiếc thuyền rồng lớn, tượng trưng cho chiến thắng Bạch Đằng.
Đến nay, Từ Lương Xâm còn lưu giữ 25 đạo sắc chính và hơn 20 sắc phong được sao lại từ năm 1522 đến năm 1924 của các triều Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong đó, nhiều triều đại suy tôn Ngô Quyền là "Thượng đẳng tối linh đại vương", "Ngô Vương Thiên tử" và nhiều mỹ tự. Ngoài ra, còn một số cổ vật từ khoảng thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 như sắc phong, bia đá, thần tượng, long ngai, bài vị, bát hương...
Từ năm 1986, Từ Lương Xâm được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, năm 2022 lễ hội Từ Lương Xâm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc. Tháng 1/2025, Từ Lương Xâm trở thành di tích quốc gia đặc biệt.
Thanh Hóa - Cung Bảo Thanh hay còn gọi là Ly Cung do Hồ Quý Ly cho xây dựng nhằm ép vua Thuận Tông dời kinh đô từ Thăng Long về Đại Lại.
Nguồn: [Link nguồn]
-05/02/2025 00:00 AM (GMT+7)