Ngôi chùa ở Nghệ An lưu giữ hơn 200 bản khắc kinh mộc cổ
Ngoài hệ thống tượng pháp đặc sắc, chùa Đức Sơn (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) còn lưu giữ 210 bản khắc kinh mộc cổ được làm từ gỗ thị.
Chùa Đức Sơn (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) xây dựng từ thời Trần trên vùng đất cổ thuộc thành Vạn An xưa. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Nghệ. Đến năm Tự Đức thứ 25, chùa được trùng tu, tôn tạo. Năm 2001, chùa Đức Sơn được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa hiện còn lưu giữ được gần 40 pho tượng gồm nhiều thể loại, tạo thành một hệ thống tượng pháp phong phú, độc đáo. Ngoài tượng Phật Tổ, Bồ Tát, La Hán, Tổ sư còn có tượng Vua, quan, phụ nữ…
Trong chùa thượng 3 gian nằm dọc, có 3 bàn thờ liền nhau. Tượng được bài trí thành 3 hàng dọc, từ trước ra sau, từ ít đến nhiều, từ thấp lên cao.
Tượng pháp ở Chùa Đức Sơn vừa tiêu biểu cho tượng pháp chùa Việt, đậm chất Á Đông, vừa mang nét đặc sắc riêng.
Gian thờ sau cùng, cao nhất, có 3 hàng bốn dãy, 11 pho tượng, gồm Vua, quan và Tam Thế. Tượng Vua ngồi giữa phía trước, phía sau cùng là bộ Tam Thế với 3 pho tượng bằng nhau về kích cỡ, giống nhau về kiểu dáng, có chiều cao 1,2 m tọa lạc trên đài sen, được tạo tác bằng gỗ mít.
Ở chùa hạ và nhà Tổ sư thờ 10 pho tượng, riêng 3 pho tượng ở nhà Tổ sư được tạo tác với những đường nét khác biệt.
Ngoài hệ thống tượng pháp, chùa còn lưu giữ được 210 bản khắc kinh mộc cổ được làm từ gỗ thị, gỗ mực, mềm, bền. Bản nhỏ nhất rộng 18 cm, dài 50 cm, bản lớn nhất có kích thước 30x80 cm.
Trên các bản khắc có nhiều chữ Hán được đục, chạm trái, để in ấn lưu truyền kinh phật.
Những mộc bản này được khắc trên gỗ thị, vừa dẻo, vừa dai lại giữ được lâu và nhẹ.
Chùa còn có một quả chuông cổ nặng 180 kg, có khắc chữ Hán “Đức Sơn tự chung”, đúc từ thời Lê. Quả chuông từng bị mất cắp, lưu lạc nhiều lần. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, Chùa Đức Sơn vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm.
Bên ngoài là tượng phật Quan thế âm Bồ Tát. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, ngày mồng 3/3 (âm lịch) và ngày mồng 10/10, rất đông người dân và khách thập phương về chùa tham quan, chiêm bái.
Chùa Giác Lâm (tổ đình Giác Lâm, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM với gần 300 tuổi. Chùa có kiến trúc Mandala độc đáo, giao thoa...
Nguồn: [Link nguồn]