Ngôi chùa có bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam
Chùa Tây Tạng ở Bình Dương được xây dựng kiểu dáng giống chùa ở đất Phật và có bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm từ tóc của hàng nghìn Phật tử.
Chùa Tây Tạng ở TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) được xây dựng vào năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Bửu Hương Tự.
Lúc bấy giờ, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật cất trên một ngọn đồi thấp có nhiều cây cổ thụ, để thiền sư tu tập.
Năm 1937, sau khi sư trụ trì sang Tây Tạng nghiên cứu Phật học chùa được đổi tên thành chùa Tây Tạng. Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa Tây Tạng có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa ở xứ sở Tây Tạng. Ngày nay, chùa được bao phủ bới bóng mát của những cây xanh xung quanh.
Chánh điện chùa có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp, tứ giác có chiều cao trên 15 m. Ở tầng thượng có 5 điện thờ 5 vị gọi là “Ngũ Trí Như Lai”. Chỉ có những ngày lễ lớn, ngày rằm hoặc mùng một nhà chùa mới mở cửa cho du khách lên tầng thượng chiêm bái “Ngũ Trí Như Lai”.
Ở giữa chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 2,3 m. Chung quanh có chư Phật và Bồ tát ở các vị trí, như tầng dưới thờ Địa Tạng, Di Lặc; tầng kế thờ Phổ Hiền, Văn Thù; tầng trên thờ Quan Âm, Đại Thế Chí,...
Phía sau chánh điện có bức tượng Đạt Ma Sư Tổ được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Tượng có chiều cao 2,83m được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt còn chất liệu chủ yếu bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử, kết hợp với mật rỉ đường và vôi vữa. Điều đặc biệt trên đòn gánh của bức tượng Đạt Ma Sư Tổ còn treo một chiếc nón lá đậm chất Việt Nam.
Trong chùa có rất nhiều tượng Phật đủ kích thước, được chế tác tinh xảo theo cả hai hệ phái Bắc Tông và Mật Tông.
Vào những ngày cuối tuần, ngày rằm và mồng một nhiều người dân, Phật tử về chùa để thắp hương, lễ Phật.
Trên sân thượng, không gian rộng rải thoáng mát. Ở khu vực này có thể nhìn toàn cảnh khuôn viên chùa Tây Tạng cũng như một phần của TP Thủ Dầu Một
Bảo tháp Mandala cao khoảng 15m trong chùa Tây Tạng có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa xứ Tây Tạng.
Ngôi chùa có không gian tĩnh lặng, khi tới đây, tâm con người dường như được an lạc, bình an.
Đàn khỉ hoang gần 70 con nương náu ở chùa Tam Bảo, sống nhờ thức ăn mà du khách và người qua đường cho.