Ngoại tình trên thế giới: Phạt tiền, tù

Ngoại tình luôn tồn tại song song với hàng triệu triệu cuộc hôn nhân trên thế giới. Từ Âu sang Á, phản ứng của các nước với thực tế này rất đa dạng, từ lên án đó là hành vi trái đạo đức đến xem đó là tội ác và trừng trị.

Ở một số nước, dù có hay không xem hành vi ngoại tình là tội phạm thì việc ngoại tình vẫn mang lại nhiều hậu quả pháp lý khi ly hôn.

Căn cứ để ly hôn, đòi bồi thường…

Ngoại tình là nguyên nhân đổ vỡ hôn nhân hàng đầu ở nhiều nước, chẳng hạn ở Trung Quốc chiếm tới 60% các trường hợp ly hôn. Khi ly hôn ngoại tình còn là yếu tố xem xét trong phân chia tài sản, trong phán quyết quyền nuôi con, từ chối cấp dưỡng sau ly hôn.

Luật hôn nhân Trung Quốc sửa đổi tháng 7-2012 quy định một khi phát hiện vợ/chồng ngoại tình, người kia có thể kiện ra tòa đơn phương xin ly hôn và yêu cầu vợ/chồng ngoại tình bồi thường cho tổn thất tinh thần và cả thể xác. Người thứ ba không có quyền kiện tình nhân (chồng/vợ người khác) yêu cầu thực hiện các hứa hẹn cho tặng tiền của, tài sản đã hứa trước đó. Ngược lại, tòa cũng không giải quyết đơn kiện đòi lại tài sản đã cho tình nhân của chồng/vợ ngoại tình. Tuy nhiên, vợ/chồng bị phản bội có quyền kiện ra tòa yêu cầu bồ nhí của chồng/vợ trả lại tài sản.

Tại Malaysia, khi phát hiện chồng ngoại tình, người vợ có quyền kiện cả chồng và cô bồ ra tòa, đòi cả hai bồi thường và cả ly dị chồng, dĩ nhiên là phải trưng đủ bằng chứng.

Ngoại tình trên thế giới: Phạt tiền, tù - 1

Người chồng Park Chul và người vợ Ok So-ri trong vụ án ngoại tình nổi tiếng ở Hàn Quốc. Ảnh: NEW YORK TIMES

Phạt tù, tiền

Một số nước Đông Á như Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Đài Loan xem ngoại tình là tội hình sự và có thể phạt tù giam. Hàn Quốc có luật trừng trị ngoại tình nghiêm khắc, mức án dành cho người ngoại tình (cả chồng/vợ ngoại tình và tình nhân) tối đa là hai năm tù giam. Luật đã tồn tại 60 năm. Số liệu khảo sát của truyền thông Hàn Quốc cho thấy khoảng 70% dân Hàn Quốc ủng hộ luật. Trung bình mỗi năm có hơn 1.200 người bị buộc tội với hình phạt lên tới hai năm tù giam.

Năm 2008, Park Chul kiện vợ là diễn viên Ok So-ri ngoại tình. Người vợ thừa nhận có ngoại tình nhưng chỉ trích luật trừng trị ngoại tình quá khắc nghiệt lại không xét đến nguyên nhân. Trường hợp của cô là hôn nhân không tình yêu, không tình dục (vợ chồng chỉ quan hệ cùng nhau 10 lần trong 11 năm hôn nhân). Kết quả: Cô Ok So-ri nhận án phạt tám tháng tù giam được hoãn thi hành trong hai năm, tình nhân của cô chịu án phạt sáu tháng tù giam được hoãn thi hành.

Luật hiện hành của Ấn Độ định nghĩa ngoại tình là quan hệ luyến ái giữa phụ nữ có chồng và đàn ông không phải chồng mình. Người tình nhân, bất kể có vợ hay chưa, sẽ phải chịu năm năm tù giam, trong khi đó người phụ nữ không bị hề hấn gì. Đây có lẽ là luật trừng phạt ngoại tình duy nhất trên thế giới ưu ái phụ nữ. Nguyên do của điều luật tồn tại từ hồi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh: Phụ nữ được xem là thành phần phụ thuộc, không có khả năng tự quyết được điều gì kể cả khả năng lôi kéo người đàn ông khác ngoài chồng vào quan hệ luyến ái với mình. Nếu quan hệ ngoại tình xảy ra thì tội lỗi hoàn toàn thuộc về tình nhân đàn ông, phụ nữ chỉ bị quyến rũ. Do đó đàn ông Ấn Độ cho luật này phân biệt giới tính, Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ lại chỉ trích luật quá coi thường phụ nữ khi xem phụ nữ là tài sản của đàn ông.

Ở Mỹ thì luật pháp lại tùy thuộc từng bang. Tính đến năm 2012 có 23 bang xem ngoại tình là một tội. Các bang Wisconsin, Michigan, Massachusetts, Idaho, Oklahoma xem đó là trọng tội, hình phạt tối đa có thể là tù chung thân. Các bang còn lại như New York, Maryland, South Carolina, Utah, Florida, Alabama xem đó là khinh tội, hình phạt thường là một khoản phạt từ 10 USD đến 500 USD và/hoặc một mức tù giam không quá một năm.

Các bang còn lại đều lên án ngoại tình là hành vi trái đạo đức nhưng không đến mức là tội phải chịu trừng phạt.

LHQ kêu gọi không xem là hình sự

Từ thế kỷ 21, LHQ và nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi các nước thôi xem ngoại tình là tội hình sự.

Một trong những lý do phản đối xem ngoại tình là tội hình sự vì điều này góp phần làm tình trạng phân biệt và đối xử bạo lực với phụ nữ trầm trọng hơn, ngăn cản phụ nữ công khai các trường hợp bị cưỡng hiếp hay bị tấn công tình dục (vì sợ bị xem là đồng lõa ngoại tình), đặc biệt các luật thiên vị nam giới, tạo thuận lợi cho các tội ác chống lại phụ nữ gia tăng.

Ngoài ra ở các nước, không phải ai cũng ủng hộ luật chống ngoại tình. Bộ phận chỉ trích cho rằng các vấn đề giữa các cặp vợ chồng nên để họ tự giải quyết, chính phủ không có quyền xâm phạm cuộc sống riêng tư cá nhân rồi xét xử và trừng trị. Trái lại, bộ phận ủng hộ luật chống ngoại tình thường là các nhóm tôn giáo và các đảng phái chính trị vốn coi trọng các giá trị đạo đức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Khoa (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN