Ngoại thành Hà Nội vẫn ngập đến một mét
Nước các sông Đáy, Tích, Bùi vẫn quanh ngưỡng báo động ba, nhiều xã ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa còn ngập 0,6-1 m, người dân phải sơ tán.
Ngày 21/9, tròn hai tuần sau khi bão Yagi vào miền Bắc và gây mưa lớn, con đường chính dẫn vào xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ qua các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ vẫn ngập. Người dân phải sử dụng thuyền cá nhân và xuồng do chính quyền bố trí.
Cùng vợ và hai con sơ tán đến nhà người thân ở xã bên 11 ngày nay, anh Nguyễn Văn Tiến mỗi ngày hai lần trở về nhà ngập gần 2 m để kiểm tra và dọn dẹp rác, bùn đất. "Hôm thì đi được xuồng của xã, hôm phải tự chèo thuyền vào nhà. Rác, bùn đất từ đồng tràn vào rất nhiều nên nước xuống đến đâu phải dọn đến đấy. Để khi nước rút hẳn, bùn khô lại, dọn nhà rất vất vả", anh Tiến nói.
Trẻ mầm non vùng lũ được nghỉ học, học sinh cấp 1-3 chuyển sang học online, hoặc chuyển qua điểm trường không bị ngập để học trực tiếp. Điện bị cắt để đảm bảo an toàn nên các hộ dân ngập sâu vẫn phải sơ tán. Những người sống trên các tầng cao phải trông chờ cứu trợ từ bên ngoài.
Người dân ngoại thành Hà Nội đi lại bằng xuồng sáng 21/9. Ảnh: Gia Chính
Nước sông Bùi những ngày qua rút rất chậm. Chiều qua mực nước tại Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ trên báo động ba 0,29 m, đến 6h30 hôm nay chỉ giảm 0,04 m. Các hồ chứa như Đồng Sương, Vân Sơn, Miễu nước vẫn đang trên ngưỡng tràn nên không thể tiêu nước ở vùng trũng thấp, ven sông.
UBND huyện Chương Mỹ cho biết toàn huyện còn 58 thôn bị ngập với gần 5.100 hộ dân, gần 23.000 người bị ảnh hưởng, tập trung ở các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Tốt Động, Văn Võ, thị trấn Xuân Mai. Huyện đã sơ tán gần 2.100 hộ với gần 8.800 người đến nơi an toàn và hiện duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến.
Trong điều kiện khó khăn, huyện Chương Mỹ đã cấp hơn 2,3 tỷ đồng, 35 tấn gạo, 16.000 bánh mì, 15.000 thùng sữa cùng nhiều dụng cụ y tế đến người dân.
Sáng 21/9, người dân phải di chuyển bằng xuồng trên đường qua xã Nam Phương Tiến. Video: Gia Chính
Tình trạng ngập cũng duy trì hơn 10 ngày tại huyện Quốc Oai khi mực nước sông Tích 13 giờ qua chỉ giảm 0,01 m và vẫn đang trên báo động ba 0,29 m. Toàn huyện còn 8 xã ngập với gần 1.300 hộ, 5.500 người dân. Hơn 940 người phải sơ tán, trong đó 160 người sống tạm cư tại điểm tập trung.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết hai tuần sau bão Yagi, hơn 64.000 người đã trở về nhà trên tổng số 78.000 người sơ tán. Số còn phải lưu trú tạm tập trung ở vùng trũng thấp các huyện Chương Mỹ (8.800 người), Mỹ Đức (3.490), Quốc Oai (940), Ứng Hòa (280).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ các sông Đáy, Tích, Bùi rút chậm do nước thượng nguồn chảy về còn lớn. Những ngày qua, thượng nguồn các sông mưa lớn. Dự báo gió mùa đông bắc tràn về đêm nay gây mưa lớn ở miền Bắc, nước sông vì thế tiếp tục rút chậm.
Đổ bộ miền Bắc ngày 7/9, bão Yagi gây ra đợt mưa lớn, khiến lũ hàng loạt sông vượt báo động ba, ngập lụt diện rộng. Cao điểm 20/25 tỉnh, thành ghi nhận hơn 70.000 hộ dân bị ngập, tập trung tại Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam.
Mưa bão đã làm 299 người chết, 34 người mất tích, chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính 61.000 tỷ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%).
Hai tuần sau khi bão Yagi hoành hành gây thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng, Quảng Ninh và Hải Phòng đang huy động nhiều nguồn lực để phục hồi kinh tế.
Nguồn: [Link nguồn]