Ngỡ ngàng khi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K xin thôi tự chủ

Sự kiện: Thời sự

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tự chủ bệnh viện là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh QH

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh QH

"Thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập"

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), trong thời gian gần đây, nhiều người thấy băn khoăn khi hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc rời bỏ các bệnh viện công, kể cả những bệnh viện lớn, nơi mà biết bao các y, bác sĩ mong muốn được làm việc ở đó.

“Nhiều người cũng thấy ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K – là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách. Trong khi rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang được thực hiện khá thành công ở các trường đại học”, ông Cường cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế, chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 27 của Trung ương đã chỉ rõ các nội dung về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công trong đó bao gồm cả các cán bộ, y, bác sỹ ngành y tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép giữ như dự thảo luật.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, rất nhiều người đã có chung một nhận định rằng, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn để thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí và danh mục các loại thuốc và thiết bị vật tư thay thế.

“Trong điều kiện làm việc đó, nếu họ được hưởng mức thù lao tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp của mình, thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, mà không cần phải chân trong chân ngoài, tất bật với phòng khám tư”, ông Cường cho hay.

Cũng theo đại biểu, đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng trả phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công, nhưng không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi điều trị ở nước ngoài hoặc sang khám và điều trị tại các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế chỉ vì có trang thiết bị hiện đại và tiện nghi.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là: Cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Tôi hy vọng rằng, những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này”, ông Cường bày tỏ.

Để đạt được mục tiêu này, đại biểu đề nghị luật sửa đổi cần quy định về tự chủ của bệnh viện công. Tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu nhưng trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Cần quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được”, ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ. Đồng thời, quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh QH

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình). Ảnh QH

Tự chủ tuyển dụng, sa thải, đấu thầu...

“Để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tư lo, cần quy định rõ trong luật về nguồn ngân sách Nhà nước không chi thường xuyên cho bệnh viện tự chủ phải được dành để chi trả cho việc khám chữa bệnh cho những bệnh nhân thuộc đối tượng xã hội trợ giúp và chi trả thông qua đặt hàng, và ngân sách phải đầu tư cho phát triển theo các mục tiêu, nhiệm vụ mới nhà nước giao”, ông Hoàng Văn Cường nêu.

Cũng theo đại biểu, cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với bệnh viện tự chủ, như tổ chức và vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện; của Giám đốc bệnh viện; cơ chế quản lý người lao động, như: tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm và đánh giá người lao động; cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của các cơ quan cấp trên đối với các bệnh viện tự chủ...

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với những đơn vị y tế công lập. Trong đó cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí đồng thời cần đi kèm tự chủ ở các lĩnh vực khác, như tự chủ ở chuyên môn, nguồn nhân lực hay quyền mua sắm đấu thầu trong hoạt động tự chủ.

Liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính, giải trình, tiếp thu dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu rất xác đáng và đã chỉ đạo rà soát các quy định của dự thảo luật. Qua rà soát cho thấy, ngoài việc dự thảo luật đang quy định nguyên tắc về giá (Điều 108) và nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh (Điều 105) thì hầu hết các nội dung về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh đã được ít nhất 8 luật khác quy định.

“Một số vướng mắc trong cơ chế tài chính về khám bệnh, chữa bệnh đang được Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật giá và một số luật chuyên ngành khác. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại các quy định liên quan đến tài chính y tế, xã hội hóa y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho rõ hơn như thể hiện tại các điều 105, 106, 107 và điều 108 của dự thảo luật”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu.

Cận cảnh bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 cổng đóng then cài hoang hoá nhanh chóng

Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khởi công xây dựng cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên đến nay nơi đây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN